Ơn Phước Thiên Thượng

Trong Chúa, chúng ta biết được ơn là sự ban cho, phước là sự nhận lãnh. Ơn đến từ lòng thương xót của Đức Chúa Trời là Đấng ban cho chứ không phải bởi sự xứng đáng của người được nhận lãnh. Người đời không nói đến ơn, chỉ nói đến phước. Ngày đầu xuân, người ta chúc nhau ngũ phúc (phước) lâm môn. Theo kinh thư (Trung Quốc), ngũ phúc là: thọ (sống lâu), phú (giàu có), khang ninh (sức khỏe, bình an), du hảo đức (đức độ, danh tiếng), khảo chung mệnh (chết già, ra đi êm ái). Chữ phước theo kinh thư chỉ xét đến đời tạm này mà không xét cõi vĩnh hằng đời sau.

Nếu chỉ được phước đời này mà nhận họa đời sau thì đâu phải là phước. Trong câu chuyện dụ ngôn về người giàu xấu nết và La-xa-rơ cho chúng ta thấy người giàu chỉ tìm kiếm sự giàu có của đời tạm nên khi chết phải chịu khổ hình; còn La-xa-rơ dù nghèo khổ nhưng có tấm lòng tìm kiếm Chúa nên khi qua đời linh hồn La-xa-rơ được đặt trong lòng Áp-ra-ham (Lu-ca 16:25). Kẻ ác sống thọ, quyền thế, nhà họ được bình an, con cháu họ đông đúc như đàn chiên, tiếng cười đùa vui vẻ không hề thiếu, gia sản thạnh mậu không thôi. Nhưng kẻ ác bỗng chốc sa xuống âm phủ, cái đèn kẻ ác bỗng chốc bị tắt, số phận kẻ ác chẳng khác nào rơm trước gió, trấu bị bão cất đi (Gióp 21:7-18). Do vậy, con đường rộng của kẻ ác chẳng ích chi, thà chọn con đường hẹp mà gặp mặt Đức Chúa Trời còn hơn.

Bài giảng trên núi của Đức Chúa Giêxu được chép trong Ma-thi-ơ 5:1-11 dạy dỗ môn đồ Ngài về tám phước lành. Dưới con mắt của người đời là sự rủa sả nhưng theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời lại là sự phước lành. Chúng ta cùng suy gẫm về các phước lành này.

Phước thứ nhất: “Phước cho những kẻ có lòng khó khăn, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!” (c.3). Kẻ có lòng khó khăn là kẻ cảm biết mình nghèo khó, bẩn chật, ốm đau về tâm linh, cần được chữa lành. Khi Tin Lành được rao ra, người ấy vui mừng tiếp nhận, như con nai cái thèm khát khe nước. Đức tin làm cho người ấy trở nên giàu có. Bởi đức tin, người ấy nhận được nước thiên đàng.

Phước thứ hai: “Phước cho những kẻ than khóc, vì sẽ được yên ủi!” (c.4). Than khóc cho mình và cho người khác. Tiên tri Nê-hê-mi trong cảnh phu tù nơi Ba-by-lôn, khi ông nghe nói về thành Giê-ru-sa-lem hoang phế, ông đã khóc, cư tang mấy ngày, kiêng ăn và cầu nguyện cùng Đức Giê-hôva cho dân mình (Nê-hê-mi 1:4). Đa-vít trải nghiệm rằng: Lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dễ đâu. (Thi 51:17). Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng (Khải 21:4). Người có tấm lòng đau thương vì người khác sẽ được Chúa an ủi.

Phước thứ ba: “Phước cho những kẻ nhu mì, vì sẽ hưởng được đất!” (c.5). Nhu mì là khiêm nhường, mềm mại, hiền lành, nhịn nhục. Kẻ gian tà gieo điều tranh cạnh (Châm 16:28); nhưng người nhu mì hưởng được đất. Đức Chúa Giê-xu là Đấng có lòng nhu mì. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. (Ma-thi-ơ 11:29). Chúng ta là môn đồ Chúa Giê-xu nên cần mặc lấy sự nhu mì của Chúa Giê-xu để hưởng được đất (sản nghiệp đời này và cả đời sau).

Phước thứ tư: “Phước cho những kẻ đói khát sự công bình, vì sẽ được no đủ!” (c.6). Chỉ có người đói mới phải tìm kiếm thức ăn. Người có tấm lòng đói khát sự công bình sẽ tìm kiếm thức ăn công bình cho thuộc linh mình đang đói. Hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp; ai gõ cửa thì được mở (Ma-thi-ơ 7:8). Người có đức tin không thể sống thiếu sự công bình. Vì, người công bình sẽ sống bởi đức tin. (Ga-la-ti 3:11). Bấy giờ, người đói khát sự công bình sẽ được Đức Chúa Trời ban cho sự no đủ cả về thuộc thể lẫn thuộc linh.

Phước thứ năm: “Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót!” (c.7). Sự thương xót bắt nguồn từ tình yêu. Người có lòng thương xót là người đón nhận nguồn tình yêu từ Đức Chúa Trời tràn ngập trong lòng để có thể yêu lại người khác. Một người không có tình yêu, không có lòng thương xót thì dầu người đó có bán cả gia tài để phân phát cho kẻ nghèo khó cũng chẳng ích chi (1 Côrinh- tô 13:3). Tôi thương người để được Đức Chúa Trời thương tôi.

Phước thứ sáu: “Phước cho những kẻ có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời!” (c.8). Sự trong sạch không ở bề ngoài mà ở bề trong. Chúa Giê-xu quở người Pha-ri-si giả hình vì bề ngoài họ chỉnh chu như mồ mã sơn phết đẹp đẽ nhưng bên trong đầy xương người chết và mọi thứ dơ dáy (Ma-thi-ơ 23:27). Con cái Chúa cần thường xuyên dọn rác, tẩy uế trong tấm lòng để có chỗ đón nhận các lời Đức Giê-hô-va là thanh sạch, để sống theo giềng mối Chúa và điều răn Chúa là thanh sạch, để sự kính sợ Đức Giê-hôva là thanh sạch. Đức Chúa Trời là Đấng thánh khiết nên chỉ có người có lòng trong sạch mới gặp Ngài. Thiên đàng không có chỗ cho kẻ ô uế.

Phước thứ bảy: “Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời!” (c.9). Thi Thiên 133:1 chép: “Kìa, anh em ăn ở hòa thuận nhau, Thật tốt đẹp thay!” Châm ngôn 17:1 chép: “Thà một miếng bánh khô mà hòa thuận, Còn hơn là nhà đầy thịt tế lễ lại cãi lộn nhau”. Đức Chúa Giê-xu Christ dùng cái chết của Ngài để chúng ta được hòa thuận cùng Đức Chúa Trời; lẽ nào chúng ta là môn đồ Chúa Giê-xu lại không sống hòa thuận. Kẻ gây bất hòa với anh em mình mà muốn hòa thuận lại còn khó hơn chiếm một thành. Chúng ta cần nhịn nhục, sống hòa thuận với kẻ lân cận mình để có thể mang Tin Lành đến cho họ. Kinh Thánh xếp đời sống của người khó hòa thuận, sống dữ tợn vào hàng kẻ ác chứ không phải là con cái của Đức Chúa Trời (2 Ti-mô-thê 3:3). Chúa gọi những người sống thanh sạch, hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành là người có sự khôn ngoan từ trời ban xuống (Gia-cơ 3:17).

Phước thứ tám: “Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!” (c.10). Không phải sự bắt bớ nào cũng mang lại phước; nếu chúng ta phạm pháp phải chịu sự bắt bớ thì sự bắt bớ đó là hậu quả chứ không phải là phước lành; chỉ có kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình mới được phước. “Tôi mặc lấy sự công bình, và nó che phủ tôi, Sự ngay thẳng tôi khác nào áo ngoài và mão triều thiên” (Gióp 29:14). “Ngài chẳng xây mặt khỏi người công bình; Song Ngài khiến họ đồng ngồi cùng các vua trên ngôi mãi mãi, Và họ được cao trọng” (Gióp 36:7). “Người công bình sẽ nhận được đất, Và ở tại đó đời đời” (Thi 37:29). Đất là sản nghiệp đời đời của người công bình; sản nghiệp ấy không phải trên đất thế gian này mà ở thiên đàng phước hạnh mãi mãi.

Cầu xin Chúa ban cho quí con cái Ngài tấm lòng tìm kiếm các phước lành thiên thượng để Đức Chúa Trời tuôn đổ phước thiêng xuống trên mỗi gia đình con cái của Ngài trọn năm phước hạnh. Amen

Hoa học trò.

Print Friendly, PDF & Email

Comments are closed.