Gương người nữ tin kính Chúa

Nhân ngày Phụ nữ Tin lành Việt Nam, xin chúng ta cùng nhau suy gẫm về tấm gương tin kính Chúa của ba người nữ trong Kinh thánh: An-ne, Na-ô-mi và Ru-tơ.

– Bà An-ne (có nghĩa Ân điển), một trong hai người vợ của Ên-ca-na. Bà son sẻ nhưng luôn được chồng yêu dấu hơn người vợ kế tên Phê-ni-a. Người vợ kế thường trêu chọc An-ne vì sự son sẻ của bà. Sự bắt bớ, sự buồn bực trong gia đình chỉ làm cho bà càng gần Chúa hơn. Hằng ngày, bà thấy các chức viên trong đền thờ suy đồi, thiếu sự tin kính Chúa nên bà cầu nguyện xin Chúa ban cho mình một đứa con trai, bà sẽ dâng con trai mình cho Chúa, làm người hầu việc Đức Chúa Trời. Lời cầu nguyện của bà được Chúa nhậm, Ngài ban cho bà một đứa con trai; bà đặt tên là Sa-mu-ên (I Sa-mu-ên 1: 1-28).

Vừa khi Sa-mu-ên dứt sữa, bà An-ne dẫn con trai mình đến đền thờ Si-lô cùng của lễ dâng lên cho Chúa. Bài ca khen ngợi của bà hàm chứa lời cảm tạ, ngợi khen và tiên tri. Bà làm trọn lời hứa mình, cho con hầu việc Chúa trong đền thờ. Mỗi năm, bà An-ne đều may cho Sa-mu-ên một bộ áo dài và cùng chồng đến đền thờ Si-lô dâng của lễ. An-ne, cùng chồng Ên-ca-na luôn trung tín và vâng giữ trọn lời hứa nguyện nên Đức Chúa Trời ban cho ông bà sinh thêm ba đứa con trai cùng hai cô con gái nữa.

Chúng ta học bà An-ne về tấm gương biết cầu nguyện, biết làm tròn lời hứa nguyện. Qua đó, Đức Chúa Trời làm cho bà được toại nguyện.

– Bà Na-ô-mi (có nghĩa Ngọt ngào, Vui thỏa), vợ của Ê-li-mê-léc, mẹ chồng của Ru-tơ. Bà theo chồng đến kiều ngụ tại xứ Mô-áp trong thời gian nạn đói xảy ra trên quê hương. Chữ “kiều ngụ” hàm ý họ chỉ có ý định ở đó một thời gian ngắn.

Tại Mô-áp, chồng Na-ô-mi qua đời; hai con trai cũng qua đời trong vòng 10 năm sau đó. Khi quê hương đã qua cơn đói kém, Na-ô-mi quyết định hồi hương về lại Bếtlê- hem. Lúc này bà cần giải quyết vấn đề với hai con dâu của mình là Ọt-ba và Ru-tơ. Bà gọi họ đến để trả lại quyền tự do, cho họ trở về nhà cha mẹ họ; đồng thời bà từ biệt họ. Ọt-ba vâng lời, từ giả mẹ chồng, trở về nhà cha mẹ tại Mô-áp. Còn Ru-tơ nhất mực không nghe, Ru-tơ xin cho bằng được cùng theo bà về Bết-lê-hem.

Chắc chắn Na-ô-mi có gương tốt và là một nhân chứng của Đức Chúa Trời nên Ru-tơ xác quyết “Xin chớ nài tôi phân rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ, tức là dân sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi; mẹ thác nơi nào, tôi muốn thác và được chôn nơi đó. Ví bằng có sự chi khác hơn sự chết phân cách tôi khỏi mẹ, nguyện Đức Giê-hô-va giáng họa cho tôi!” (Ru-tơ 1: 16-17).

– Bà Ru-tơ (có nghĩa Bạn hữu), là người kiều ngụ trong xứ Mô-áp, được gả cho Mạc-lôn người Bết-lê-hem. Khi khắp xứ Giu-đa xảy ra cơn đói kém, Ê-li-mê-léc dẫn gia đình đến kiều ngụ trong xứ Mô-áp. Khi Mạc-lôn qua đời, Ru-tơ quyết định lìa quê hương mình để theo mẹ chồng về Bếtlê- hem.

Chịu ảnh hưởng bởi đời sống của mẹ chồng nên nàng dâu Ru-tơ trở nên con dâu gương mẫu, tin kính Đức Chúa Trời. Nàng xác quyết rằng: Đức Chúa Trời của mẹ là Đức Chúa Trời của con. Dân tộc của mẹ (dân Y-sơ-ra-ên) là dân tộc của con. Đức Chúa Trời ban phước trên sự tin kính của Ru-tơ: Ru-tơ sinh Ô-bết; Ô-bết sinh Y-sai; Y-sai sinh Đa-vít và từ dòng dõi này đã ra đời Chúa Giê-xu, Đấng Cứu Thế của nhân loại.

Xin Chúa ban cho chúng ta, đặc biệt là quý bà, quý cô noi theo tấm gương của ba người nữ tin kính Chúa hầu trung tín, tích cực phục vụ Chúa. Amen.

 

Print Friendly, PDF & Email

Comments are closed.