Câu hỏi: Khi cha mẹ kỷ luật con cái và bắt buộc chúng nó phải chịu trách nhiệm về hành động của mình gây nên, cha mẹ thường có những thiếu sót nào trong việc dạy con về ân điển của Chúa đối với con người chúng ta vốn là tội nhân chỉ đáng chết mà Chúa vẫn thương xót?
GIẢI ĐÁP (tiếp theo): Sửa trị dựa trên nền tảng yêu thương là cần yếu.
Lời Chúa: “Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt, khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó”. (Ê-phê-sô 6:4). Để đạt được kết quả tốt, cách cha mẹ sửa trị trong sự yêu thương rất quan trọng. Cha mẹ có thể rơi vào tình trạng “chọc giận con cái mình” khi nào? Nếu sự sửa trị không thích đáng với lỗi lầm hoặc nếu chửi mắng cho thỏa mãn cơn tức giận thì con cái sẽ ngấm ngầm chống lại hoặc sợ hãi như gặp một hung thần. Trong mọi trường hợp, cha mẹ cần nên nhớ phải sửa trị con cái trong yêu thương. Kinh Thánh: “Người nào kiêng roi vọt ghét con trai mình; Song ai thương con ắt cần lo sửa trị nó” (Châm ngôn 13:24).
Nếu phụ huynh đối thoại chân thành với con cái thì chúng nó sẽ mau nhận ra rằng cha mẹ sửa trị vì yêu thương chúng nó “Sự ngu dại vốn buộc vào lòng con trẻ; song roi răn phạt sẽ làm cho sự ấy lìa xa nó” (Châm ngôn 22:15). Bên cạnh đó cha mẹ cũng nên cho con cái thấy những hệ quả tai hại do tội lỗi mà mình làm ra. Chẳng hạn, nếu con phạm lỗi với một hoặc nhiều người khác thì hãy hướng dẫn chúng nó phải biết xin lỗi đối tượng đó. Khi vi phạm những quy ước ở trong gia đình, tùy theo mức độ cha mẹ có thể hạn chế một vài quyền lợi nào đó của đứa con vi phạm để nhấn mạnh việc nó phải giữ các luật lệ quy ước của gia đình.
Nên áp dụng kỷ luật đúng lúc để nhiều con em của mình không khinh lờn kỷ luật, nhiều đứa trong chúng nó nghĩ rằng cũng có thể thoát được hình phạt sau khi phạm lỗi nhưng sự thật không phải vậy, Khi cha mẹ quyết định đưa ra hình phạt với một tội lỗi rõ ràng nào đó thì hãy thi hành chớ không qua loa phủi bụi. Ân cần dạy dỗ con cái khi chúng ta ngồi trong nhà của mình. Nhiều thế kỷ trước đây những người tin kính Chúa ở Anh rất coi trọng nền giáo dục ở trong gia đình. Họ cho rằng mỗi “gia đình là một ngôi nhà thờ nhỏ” thật là tuyệt vời. Trong xã hội hiện nay, thời gian lý tưởng ở trong nhà có thể là bữa ăn tối của gia đình vì suốt ngày cha, mẹ và con cái đều bận rộn với công việc làm, việc học hành, giao tế… Thời gian ăn tối và buổi tối là thời gian lý tưởng để cha mẹ và con cái sum họp với nhau để nói chuyện với con cái mình về nhiều điều trong đó có phần gây dựng tâm linh yêu mến Chúa. Ân cần dạy dỗ khi chúng ta đi ngoài đường. Trong bối cảnh xã hội của chúng ta, cha mẹ ít đi bộ ngoài đường nhưng lái xe rất nhiều ngoài đường mỗi ngày. Chúng ta cũng thường đưa đón con cái đi học hoặc tới khu giải trí, thể thao. Những lúc “đi ngoài đường” như thế là thì giờ để chúng ta nhắc nhở con cái về Lời Chúa. Ân cần dạy dỗ khi chúng ta nằm. Cha mẹ thường nằm chung với con cái khi con cái còn nhỏ. Thời gian này chúng ta có thể đọc Kinh Thánh cho chúng nó nghe. Những câu chuyện Kinh Thánh luôn hấp dẫn với những trẻ nhỏ. Và những câu chuyện này trong ký ức của tuổi thơ sẽ để lại những dấu ấn lâu dài trong đời sống của chúng nó. Đó là điều chúng ta có thể làm như Kinh Thánh đã nói, “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo.” Ân cần dạy dỗ khi chúng ta thức dậy. Nhiều người có thói quen dậy sớm. Dậy sớm giúp chúng ta có thời gian trò chuyện và cầu nguyện với con cái trước khi bắt đầu một ngày mới. Đây là thói quen tốt, giúp con cái chúng ta có một kỷ luật thuộc linh từ khi còn nhỏ. (còn tiếp)