Giải đáp thắc mắc (772)

Câu hỏi: Khi cha mẹ kỷ luật con cái và bắt buộc chúng nó phải chịu trách nhiệm về hành động của mình gây nên, cha mẹ thường có những thiếu sót nào trong việc dạy con về ân điển của Chúa đối với con người chúng ta vốn là tội nhân chỉ đáng chết mà Chúa vẫn thương xót??

GIẢI ĐÁP (tiếp theo): Dạy dỗ con cái theo khuôn mẫu Lời Chúa (tiếp theo) Vấn đề được đặt ra là, quý phụ huynh đã ảnh hưởng trên con cái mình như thế nào?

Cha mẹ là những khuôn mẫu giá trị sống cho con cái của mình; trẻ em lớn lên và phát triển theo khuôn mẫu mà nó thấy nơi cha mẹ.

Trong nhiều tình huống, cha mẹ không hoàn toàn vâng giữ Lời giáo huấn của Chúa. Do đó các bậc phụ huynh không thể truyền đạt lại cho con cháu mình điều chúng ta không có, không biết, không tin. Điều này dẫn đến con cháu mình sẽ theo khuôn mẫu đó, không vâng giữ Lời giáo huấn của Ngài và dẫn đến những rắc rối xảy ra trong gia đình.

Để là khuôn mẫu tốt nhất cho con cháu mình. Trước hết, Lời Chúa phải được giữ trong tấm lòng và tâm trí của phụ huynh trước khi chúng ta có thể dạy cho con cháu chúng ta Lời của Ngài. Lời Chúa phải có (và được) thực hành trong đời sống chúng ta trước. Không điều gì có thể thay thế những khuôn mẫu giá trị của cha mẹ cho con cái của mình vì các con trẻ sẽ lớn lên sống theo khuôn mẫu mà nó thấy nơi cha mẹ mình.

Lời Chúa mời gọi “Khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chổi dậy” (Phục-truyền 6:7). Khi truyền các luật lệ Ngài cho người Y-sơ ra-ên, Đức Chúa Trời muốn chính họ ghi tạc Lời Chúa trong lòng mình (Phụctruyền 11:18). Giấu Lời Chúa trong lòng là bước bắt đầu và căn bản trước khi có thể truyền lại dạy dỗ cho con em của mình. Ân cần dạy dỗ con cái tức là sốt sắng, tận tâm truyền đạt Lời Chúa. Lời Chúa phải được thuật lại hay kể lại cho con cái chúng ta nghe (Giô-suê 4:21-24); Lời Chúa phải trở thành khuôn mẫu để chúng ta dạy dỗ con cái. Lời Chúa là thẩm quyền cao nhất mà chúng ta theo đuổi trong sự hình thành đời sống tin kính của chúng ta và con cái chúng ta. Chúng ta phải dạy dỗ con cái theo đường lối Chúa.

Chúng ta vẫn biết hoa lan rất đẹp và hấp dẫn trong mỗi vùng đất phong thổ khác nhau nhưng lại khó trồng. Để hoa nở đẹp, người trồng nó cần điều hòa nhiệt độ, ánh sáng và chọn chậu đúng kích cỡ cho phù hợp để cung cấp dinh dưỡng. Đất và phân bón mà không thích hợp sẽ rất dễ ảnh hưởng đến hoa lan. Hoa lan cũng dễ bị bệnh và sâu bọ làm hư hại. Do đó, những người mới vào nghề trồng lan thường ít thành công như điều mình muốn.

Dạy dỗ con cái thật khó khăn và phức tạp hơn nhiều, nó đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của cha mẹ. Bởi thế, các bậc cha mẹ thường cảm thấy bất lực trước việc dạy dỗ con cái nhất là tuổi thiếu niên với nhiều bộc phát “muốn thành người lớn”, tuổi thiếu nhi thì vùng vằn đòi trò chơi trên điện thoại thông minh. Nhiều bậc cha mẹ thấy mình rất cần được giúp đỡ của những nhà tâm vấn, của trường học và kể cả Hội Thánh nữa, chẳng khác nào như người trồng lan cần chuyên viên chỉ dẫn cách trồng sao cho có bông thật đẹp và hấp dẫn nhất.

Quyết định khôn ngoan nhất của cha mẹ là để Lời của Chúa được ghi khắc vô lòng, vô trí của con cái chúng ta giống như một người dùng con dấu để đóng vào một bức thư hay khắc sâu vào một cái gì đó để làm bằng chứng. Lời của Chúa có đủ thẩm quyền thuộc linh để tạo ấn tượng trên đời sống của con cái chúng ta và khắc sâu vào ký ức của chúng nó để “dù khi nó trở về già cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm Ngôn 22:6). (còn tiếp)

Comments are closed.