GIẢI ĐÁP THẮC MẮC (777)

Thật và Giả “Hội Thánh Đức Chúa Trời” và Tà Giáo “Đức Chúa Trời Mẹ”

Bài viết được đăng trên trang Web Tổng Liên Hội – Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, xin được giới thiệu đến quý Tôi con Chúa tại Hội Thánh.

Giới thiệu Với tên gọi Hội Thánh của Đức Chúa Trời Hiệp Hội Truyền Giáo Tin Lành Thế Giới, tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ đã xâm nhập vào Việt Nam và hoạt động tại Hà Nội từ năm 2003 (theo số liệu báo cáo lịch sử hoạt động trên trang web chính thức của tà giáo này). Từ khi xâm nhập vào Việt Nam, tà giáo này đã lan rộng đến nhiều thành phố lớn, truyền đạt những giáo lý sai trật, níu kéo tín hữu Tin Lành bỏ Hội Thánh gia nhập tổ chức của họ. [1] (Để phân biệt rõ ràng giữa tà giáo này và Hội Thánh Tin Lành, từ đây, người viết sẽ đề cập đến tà giáo này là “Tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ”, và cụm từ “Hội Thánh Đức Chúa Trời” chỉ dành cho Hội Thánh Tin Lành, là những người đã thật sự tin Chúa, thuộc riêng về Ngài).

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, khi một số bài báo tại Việt Nam đề cập đến ảnh hưởng của tà giáo này, cung cấp đường dây nóng để tiếp nhận những thông tin phản hồi, thì những thông tin về tà giáo này càng lan rộng hơn nữa qua sức mạnh của truyền thông báo đài. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là, dù vô tình hay cố ý, tác giả của các bài báo này đã sử dụng những từ ngữ không rõ ràng, dễ gây ngộ nhận và khiến cho cộng đồng Cơ Đốc và những anh em chưa tin Chúa hiểu sai và đánh đồng tà giáo này với Hội Thánh Tin Lành.

Trước tình hình đó, bài viết này được viết để nêu rõ nếp sống của Cơ Đốc nhân Tin Lành hoàn toàn khác biệt, không giống với những điều mà các bài báo cáo buộc. Nói cách khác, những cáo buộc được đề cập trong các bài báo chỉ nói về tà giáo Đức Chúa Trời, Cơ Đốc nhân Tin Lành phải có một nếp sống cao đẹp hơn, đúng với tinh thần và sự dạy dỗ của Kinh Thánh, là Lời Chúa. Ước mong rằng bài viết sẽ gợi ý cho các tín hữu Tin Lành biết cách trả lời với những người chưa hiểu rõ về sự khác biệt này, cũng như là lời cảnh tỉnh để sống một cách đúng đắn với Tin Lành, bày tỏ Danh Chúa cho cộng đồng xã hội xung quanh.

  1. Cơ Đốc Nhân Tin Lành Biết Quan Tâm Đến Lợi Ích của Người Khác:

Một trong những điều mà những người theo “Tà Giáo Đức Chúa Trời Mẹ” bị cáo buộc là những người chỉ sống cho riêng mình. Nhưng Cơ Đốc nhân Tin Lành lại hoàn toàn khác. Là những người tin Chúa Giê-xu, được cứu chuộc bởi ân điển và tình yêu của Chúa, chúng ta là những thành viên của Hội Thánh thật của Đức Chúa Trời. Thẩm quyền tối cao của Hội Thánh Đức Chúa Trời là chính Đức Chúa Trời, và Ngài phán dạy, chỉ dẫn chúng ta qua Kinh Thánh là lời thành văn của Ngài.

Phi-líp chương 2 có lẽ là một trong những phân đoạn Kinh Thánh rõ ràng nhất về một nếp sống không ích kỷ nhưng quan tâm đến người khác. Phao-lô dù ở trong tù nhưng ông cũng biết những khó khăn mà các tín hữu tại Phi-líp đang trải qua, và ông nhắc nhở họ về điều cốt yếu của đời sống Cơ Đốc là phải sống đúng với Tin Lành và sẵn sàng chiến đấu vì đức tin của Tin Lành như chính Phao-lô đang chiến đấu (Phi-líp 1:27-28)[2]. Bên cạnh những khó khăn từ bên ngoài, từ những tà giáo, những người chống đối, Hội Thánh tại Phi-líp cũng như Hội Thánh tại Việt Nam ngày nay có thể sẽ phải đối diện với sự tranh cạnh giữa những người cùng đức tin. Tuy nhiên, nếu Đấng Christ là mối quan tâm hàng đầu, nếu Tin Lành là lẽ sống của chúng ta, thì chúng ta phải thuận phục Chúa, yêu thương nhau, làm những công việc có ích cho người khác. Nếu thật sự Đấng Christ đang ngự trị trong lòng chúng ta, chúng ta sẽ yêu thương, tôn trọng và quan tâm đến lợi ích của người khác. “Đừng làm điều gì vì lòng ích kỷ, hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, xem người khác đáng tôn trọng hơn mình. Mỗi người trong anh em, đừng chỉ quan tâm đến lợi riêng của mình, nhưng phải quan tâm đến lợi ích của người khác nữa” (Phi-líp 2: 3-4).

Đức Chúa Trời không chỉ đưa ra mệnh lệnh, đòi hỏi chúng ta phải sống vì người khác, nhưng chính Chúa Giê-xu là gương mẫu cho chúng ta trong nếp sống khiêm nhường, phục vụ vì ích lợi của người khác (2:5-11). Nếu Chúa Giê-xu là Chúa đã khiêm nhường, hạ mình, sẵn sàng hy sinh vì người khác, chúng ta cũng phải có đồng tâm tình này với Chúa.

Hôm nay, bạn và tôi có đang sống trong tinh thần tôn trọng, khiêm nhường, quan tâm đến lợi ích của người khác không? Hay chúng ta cũng đang sống ích kỷ, chỉ biết lo cho riêng mình như lời cáo buộc dành cho những người theo “Tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ”?

  1. Cơ Đốc Nhân Tin Lành Sống Có Trách Nhiệm, Quan Tâm Chăm Sóc Gia Đình Mình:

Cáo buộc thứ hai các bài báo nhận định về những người theo “Tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ” là: bỏ bê gia đình, sống thiếu trách nhiệm. Cụ thể, điều người ta cáo buộc cho tà giáo này là: “sẵn sàng từ bỏ cha mẹ, anh em ruột thịt”, xem “cha mẹ chỉ là “công cụ” Chúa Trời tạo ra để họ chịu tội ở thế giới trần tục”.[3] Đây là những điều hoàn toàn đi ngược với niềm tin và sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Ngoài ra, thực tế về quyền năng của Tin Lành đã đem lại sự biến đổi đời sống của những người từng là kẻ nghiện ngập vô vọng trở nên những con người có ích cho gia đình, xã hội là một thực tế không thể chối bỏ.

Cách đây không lâu, một chương trình truyền hình đã đưa tin, bài về những người nghiện ngập, xì ke, ma tuý đã được biến đổi và trở nên những người có ích cho gia đình, xã hội[4]. Trong khi theo báo cáo trước đó của nhiều trung tâm cai nghiện, có đến 90% số người tái nghiện sau cai nghiện[5]. Sự thay đổi là kết quả có được sau khi họ tin nhận Chúa Giê-xu. Họ vốn bị xem là “tệ nạn của xã hội”, “gánh nặng của gia đình”, “sự xấu hổ cho cha mẹ”, nhưng nay lại trở nên những người dự phần đóng góp tích cực trong cộng đồng, xã hội.

Trong lúc nghiện ngập, họ có thể là những con người tàn nhẫn, chỉ làm thoả cơn thèm khát của mình, nhưng khi tin nhận Chúa và được quyền năng của Chúa biến đổi, họ là những người sống có trách nhiệm, thực sự quan tâm, chăm sóc cho gia đình mình.

Chính quyền năng của Tin Lành đã biến đổi đời sống của họ trở nên người có trách nhiệm và có ích cho xã hội. Có thể tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ đã khiến người vốn là những đứa con ngoan hiền, những người cha người mẹ có trách nhiệm, lại trở nên những con người vô trách nhiệm, bỏ bê gia đình. Nhưng hãy nhớ rằng ảnh hưởng của Tin Lành làm điều ngược lại, từ người vô trách nhiệm trở nên có trách nhiệm, yêu thương; từ những người yêu thương gia đình trở nên những người càng yêu thương, quan tâm cho gia đình mình hơn nữa. Bởi vì người Cơ Đốc sống và làm theo sự dạy dỗ của Chúa trong Kinh Thánh:

Ngay trong Cựu Ước, trong điều răn, thì điều đầu tiên trong bổn phận với gia đình, Đức Chúa Trời đòi hỏi dân sự Ngài phải hiếu kính cha mẹ (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12). Và điều răn này được bày tỏ cụ thể hơn khi cho biết nếu ai đánh cha mẹ hay nguyền rủa cha mẹ thì hình phạt cho những kẻ đó là án chết (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:15, 17). Và điều răn này cũng được nhắc lại trong Tân Ước.

Lời Chúa không chỉ cung cấp sự hướng dẫn về bổn phận của con cái đối với cha mẹ, mà còn là trách nhiệm giữa chồng và vợ, cha mẹ với con cái. Cụ thể như chồng phải yêu vợ như chính Đấng Christ đã yêu Hội Thánh; vợ phải tôn trọng và sẵn sàng thuận phục chồng trong sự kính sợ Chúa (Ê-phê-sô 5; Cô-lô-se 3); cha mẹ: nuôi nấng, dạy dỗ con trong kỷ luật và sự khuyên dạy của Chúa, với tình yêu, không phải dùng quyền lực áp đặt con cái theo ý riêng của mình (Ê-phê-sô 6, Cô-lô-se 3). Ngoài ra, Kinh Thánh cũng đòi hỏi con cái Chúa phải là người quan tâm, chăm sóc đến bà con, gia đình mình vì ai không quan tâm, chăm sóc bà con, gia đình mình thì đó là người đã chối bỏ đức tin, một người phạm tội với Chúa (I Ti-mô-thê 5:8).

Chắc chắn, tất cả Hội Thánh Tin Lành đều khích lệ con cái Chúa sống gương mẫu trong gia đình, yêu thương, chăm sóc gia đình mình.

Hiện tại, chúng ta có đang làm trọn trách nhiệm của một thành viên trong gia đình mình hay không? Người khác có thể nhận thấy chúng ta là một người sống có trách nhiệm, yêu thương, khéo léo trong cách cư xử với mọi người trong gia đình mình hay không? Đừng để bất kỳ ai nhìn vào và chê cười danh Chúa vì chúng ta chưa thực sự sống đúng với Tin Lành (Philíp 1:27).

III. Cơ Đốc Nhân Tin Lành Làm Việc Hết Sức Mình Với Tinh Thần Trách Nhiệm Cao:

Cáo buộc thứ ba mà các bài báo nói đến những người theo Hội Thánh Đức Chúa Trời là những người lười biếng, không chịu làm ăn. Có phải tất cả những người theo tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ đều là những người lười biếng hay không, bài viết này sẽ không đề cập đến, nhưng điều chắc chắn là Hội Thánh Tin Lành không bao giờ ủng hộ hay dạy dỗ tín đồ nếp sống lười biếng, vô trách nhiệm giống như cách gọi đánh đồng.

Ngược lại, Cơ Đốc nhân Tin Lành là những người chăm chỉ làm việc, và làm việc có trách nhiệm. Vì những Cơ Đốc nhân thực sự tin và làm theo sự dạy dỗ của Chúa về đạo đức công việc được ghi lại trong Kinh Thánh:

  1. Ngay từ buổi ban đầu, Đức Chúa Trời đã giao cho ông bà A-đam và Ê-va việc canh tác và gìn giữ vườn (Sáng Thế Ký 2:15). Ngay cả trước và sau khi phạm tội, con người đều phải làm việc.
  2. Xuyên suốt Cựu Ước, Đức Chúa Trời cũng truyền dạy dân sự của Ngài phải làm việc hết sức mình và Ngài cũng truyền dặn dân sự quan tâm đến những người nghèo, chừa bông lúa còn sót lại cho những người nghèo (Lê-vi Ký 23:22). Ngay cả đối với người nghèo trong trường hợp này, Chúa không truyền cho dân sự Ngài hãy đưa cho người nghèo những gì họ cần, nhưng chừa lại để những người nghèo chịu làm việc có thể tìm được thực phẩm cho mình. Rõ ràng, nghèo khổ cũng không thể là lý do cho sự lười biếng.
  3. Rất nhiều lời lên án và cảnh báo hậu quả của sự lười biếng, và kêu gọi tinh thần làm việc chăm chỉ được nhắc đến trong Châm Ngôn, Truyền Đạo (Ví dụ: Châm Ngôn 6:6-11, sự nghèo khổ và túng thiếu sẽ đến với kẻ lười biếng cách nhanh chóng; Châm Ngôn 14:23 mô tả sự nghèo nàn sẽ đến với kẻ chỉ biết nói mà không chịu làm việc; Truyền Đạo 9:10, phải tận dụng thời gian trên đất để làm việc hết sức mình,…).
  4. Cô-lô-se 3:23-25, tương tự với Ê-phê-sô 6:7-8 cũng cho biết Cơ Đốc nhân phải làm mọi việc hết sức mình như họ đang làm việc cho Chúa. Mỗi người chịu trách nhiệm trước Chúa về mọi điều Chúa ban cho, bao gồm cả tài sản, tài năng, sức khoẻ, công việc,… Người Cơ Đốc cũng phải làm việc hết sức mình xuất phát từ tấm lòng biết ơn về mọi điều Chúa đã làm và đã ban cho mình.
  5. II Tê-sa-lô-ni-ca 3:6-15, Phao-lô cũng kêu gọi các tín hữu phải chăm chỉ làm việc nuôi sống chính mình, cố gắng không trở thành gánh nặng của người khác.

Nếu là Cơ Đốc nhân thực sự, chúng ta phải là những người làm việc chăm chỉ, và có tinh thần trách nhiệm cao. Nếu chúng ta lười biếng, thiếu trách nhiệm trong công việc, người khác hiểu sai về đạo Chúa, thì đó là trách nhiệm của chúng ta. Chúng ta không thể đổ lỗi cho bất kỳ ai, nếu chúng ta không sống đúng với Tin Lành như điều Chúa đòi hỏi và khuyên dạy.

Là một người tin Chúa Giê-xu, chúng ta đã trở nên một tạo vật mới, được biến đổi ngày càng giống Chúa hơn, bao gồm cả việc sống có trách nhiệm hơn, chăm chỉ hơn. Hơn ai hết, chúng ta phải là những người yêu công việc, làm việc với tinh thần vui vẻ vì biết rằng chúng ta đang làm việc vì Chúa, là Đấng đã yêu và Cứu Chuộc mình. Sống theo lời Chúa là một lời chứng sống hiệu quả nhất về quyền năng của Tin Lành trên cuộc đời của chúng ta. Người khác phải nhìn thấy Chúa qua chính đời sống của chúng ta.

  1. Nền tảng đức tin của Hội Thánh Tin Lành đặt trên Sự Cứu Chuộc của Đấng Christ:

Các bài báo lên án rằng “Tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ” buộc người gia nhập phải “uống thứ nước màu đỏ và ăn miếng bánh được cho là máu và thịt của Chúa” thì mới nhận được sự sống đời đời. Và để sớm được về với Chúa mỗi hội viên phải đóng góp 10% thu nhập cho hội. Và thứ nước này bị xem là thuốc hướng thần, có tác dụng như thôi miên, khiến người dùng nó trở thành những người thần kinh không bình thường. [6]

Điều này hoàn toàn khác hẳn với niềm tin của Hội Thánh Tin Lành. Nền tảng đức tin của Hội Thánh Tin Lành là dựa trên sự cứu chuộc của Đấng Christ. Tất cả mọi người đều cần sự cứu rỗi, vì: mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất vinh quang của Đức Chúa Trời; nhờ ân điển của Ngài, bởi sự cứu chuộc trong Đấng Christ Giê-xu, họ được xưng công chính mà không phải trả một giá nào. Đức Chúa Trời đã lập Ngài [Chúa Giê-xu] làm sinh tế chuộc tội cho những ai có đức tin trong huyết Ngài. Việc này bày tỏ sự công chính của Đức Chúa Trời, vì Ngài lấy lòng nhẫn nhục mà bỏ qua những tội lỗi trong quá khứ. Trong hiện tại, Ngài cũng chứng tỏ chính Ngài là công chính và xưng công chính cho người nào đặt lòng tin nơi Đức Chúa Giê-xu (Rôma 3:23-26).

Kinh Thánh, Lời Đức Chúa Trời, mực thước cho đức tin và đời sống đạo đức của Cơ Đốc nhân[7], khẳng định rõ rằng mọi người đều cần nhận được sự tha thứ, sự cứu chuộc. Giải pháp của Đức Chúa Trời, đó là sự hy sinh cứu chuộc của Chúa Giê-xu trên thập tự giá, trả thay án phạt tội lỗi của toàn nhân loại. Con người nhận được sự cứu rỗi nhờ ân điển, bởi đức tin nơi Chúa Giê-xu. Đó là món quà của Đức Chúa Trời cho nhân loại, không phải do nỗ lực của con người mà có được.

Vì nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều đó không đến từ anh em mà là tặng phẩm của Đức Chúa Trời; cũng không do việc làm của anh em để không ai có thể tự hào. Vì chúng ta là công trình của tay Ngài, được tạo dựng trong Đấng Christ Giê-xu để thực hiện những việc lành mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị từ trước để chúng ta làm theo. (Ê-phê-sô 2:8-10).

Vì lý do đó, mỗi người đều được khích lệ đến tin nhận Chúa Giê-xu để nhận được sự cứu rỗi mà không đòi hỏi phải thực hiện bất kỳ nghi thức nào hay phải nộp bất kỳ khoản thu nhập nào. Quyết định tin Chúa là do ý chí tự do của mỗi cá nhân, mà không phải do bất kỳ sự ép buộc nào.

Hơn nữa, một điều cốt lõi chỉ có thể được tìm thấy trong Cơ Đốc giáo, đó là Đức Chúa Giê-xu, Đấng chúng ta tin cậy, thờ phượng là Đấng đã đắc thắng sự chết và là Đấng Sống Đời Đời, có quyền ban cho người tin Ngài sự sống đời đời. Không một giáo chủ nào trên trần gian này dám quả quyết chắc chắn điều này. Chỉ duy Chúa Giê-xu, trọng tâm, cốt lõi của Cơ Đốc giáo mới có thể tuyên bố điều này cách chắn chắn.

Tuy nhiên, đời sống của người Cơ Đốc không chỉ dừng lại ở chỗ tin Chúa, và tiếp tục sống cuộc đời buông thả, vô trách nhiệm. Niềm tin của người Cơ Đốc là một niềm tin sống động, nghĩa là niềm tin đó phải được bày tỏ qua việc làm.

Kinh Thánh kêu gọi mỗi người Cơ Đốc tích cực bày tỏ nếp sống xứng đáng với Tin Lành, đem lại sự biến đổi cộng đồng, bày tỏ tình yêu thương đối với anh em mình, dù đó là người đã tin Chúa hoặc chưa tin Chúa. Những khoản dâng, những việc lành như chương trình khám chữa bệnh từ thiện, xây dựng nhà tình thương, chương trình dạy nghề miễn phí cho người khó khăn,… mà người Cơ Đốc dự phần không phải là điều kiện để nhận được sự cứu rỗi, nhưng đó là hành động bày tỏ lòng biết ơn Chúa, và tình yêu thương anh em như Lời Chúa dạy. Và tất cả những điều này phải được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, không phải vì bị ép buộc. Đây chính là tinh thần mà Phao-lô đã nhắc nhở các Cơ Đốc nhân tại Cô-rinh-tô: Mỗi người nên quyên góp tuỳ theo lòng mình đã định, không miễn cưỡng hoặc do ép buộc, vì Đức Chúa Trời yêu mến người dâng hiến một cách vui lòng… Anh em sẽ được phong phú trong mọi sự để làm mọi việc từ thiện; để qua chúng ta người ta sẽ cảm tạ Đức Chúa Trời. Vì sự trợ giúp này không những đáp ứng nhu cầu của các thánh đồ mà còn khiến nhiều người cảm tạ Đức Chúa Trời,… (II Cô-rinh-tô 9:6-15).

Hiến chương của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam cũng nêu rõ trách nhiệm của Cơ Đốc nhân với xã hội là phải yêu thương, giúp đỡ[8]:

Loài người cả nam lẫn nữ đều được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, nên mỗi Cơ Đốc nhân kính Chúa thì phải yêu người; Mỗi Cơ Đốc nhân có trách nhiệm xây dựng xã hội mình đang sống. Phải yêu thương, cứu giúp mọi người trong hoàn cảnh khốn khó; Tham gia các công tác xã hội tại địa phương, giữ tình đoàn kết, hết lòng phục vụ an sinh xã hội và cầu bình anh cho mọi người.

Như đã đề cập ở trên, nền tảng đức tin của người Cơ Đốc dựa trên công tác Cứu Chuộc của Chúa Giê-xu dành cho cả nhân loại. Là những người đã nhận được ân điển cứu chuộc của Chúa, Cơ Đốc nhân được khích lệ không chỉ nhận món quà cứu rỗi đó cho cá nhân, nhưng cũng truyền ra tin tức tốt lành này để mọi người cùng biết và cùng nhận được món quà tuyệt vời này. Trên tinh thần đó, Thánh Lễ Tiệc thánh được thiết lập để mỗi Cơ Đốc nhân được nhắc nhở về sự cứu chuộc của Chúa, sống xứng đáng với sự cứu chuộc này và rao truyền tin tức tốt lành này cho mọi người. Vì vậy, Thánh Lễ Tiệc thánh, bao gồm nước nho, và bánh – hai hình ảnh nhắc nhở về thân và huyết của Chúa Giê-xu đã hy sinh chết thay cho tội lỗi của con người – chỉ dành cho những người đã thuộc về Chúa, hiểu rõ giá trị của sự hy sinh, cứu chuộc của Chúa Giê-xu cho chính mình. Khi dự Thánh Lễ Tiệc thánh, Cơ Đốc nhân được nhắc nhở về niềm tin của chính mình và trách nhiệm của mình là một Cơ Đốc nhân, phải sống xứng đáng với Tin Lành là thể nào. Đây là ý nghĩa thiêng liêng của Thánh Lễ Tiệc thánh mà chính Chúa đã thiết lập, không ai được phép khinh thường. Khi còn ở trên đất này, trong khi trông đợi Chúa trở lại, mỗi Cơ Đốc nhân phải sống xứng đáng với Tin Lành, tận dụng mọi cơ hội để rao truyền Tin Lành của Chúa, hầu cho nhiều người cũng ăn năn và nhận được sự cứu chuộc. Về ngày Chúa trở lại, chỉ một mình Đức Chúa Trời biết, không ai trong chúng ta có thể biết được.

Trách nhiệm của mỗi chúng ta là luôn luôn sẵn sàng với đời sống xứng đáng, đẹp lòng Chúa, bày tỏ danh Chúa trong thế gian này, để đến ngày Chúa đến, chúng ta có thể nhận được lời khen tặng từ Chủ mình rằng: Hỡi đầy tớ ngay lành và trung tín, Được lắm. Hãy vào chung hưởng niềm vui của chủ ngươi.

Bảng tóm tắt so sánh sự khác biệt giữa Hội Thánh của Đức Chúa Trời và tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ, dựa trên những cáo buộc đề cập bởi một số bài báo gần đây:

HỘI THÁNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI TÀ GIÁO ĐỨC CHÚA TRỜI MẸ
Biết quan tâm đến lợi ích của người khác:

Đấng Christ là mối quan tâm hàng đầu của Cơ Đốc nhân, vì vậy Cơ Đốc nhân sẽ vâng phục Chúa yêu thương, tôn trọng, quan tâm đến lợi ích của người khác. Cơ Đốc nhân mang tâm tình của Đấng Christ, phục vụ người khác trong tinh thần khiêm nhường, sẵn sàng hy sinh vì người khác.

Cơ Đốc nhân là những người yêu thương, có trách nhiệm với gia đình, bà con, người khác:

Trước khi tin Chúa: họ có thể là những người nghiện ngập, trộm cắp cũng như mọi thành phần tệ nạn xã hội khác. Nhưng sau khi tin Chúa: họ trở nên những người có ích cho xã hội, quan tâm, chăm sóc gia đình mình.

– Những người con hiếu kính cha mẹ,

– Người chồng yêu thương vợ, có trách nhiệm với gia đình,

– Người vợ tôn trọng chồng, thuận phục chồng trong tinh thần kính sợ Chúa,

– Cha mẹ yêu thương, nuôi nấng dạy dỗ con bằng tình yêu,

– Biết quan tâm đến người bà con, những người goá bụa, khó khăn trong Hội thánh và xã hội. Đời sống của một người Cơ Đốc được biến đổi theo chiều hướng tích cực hơn.

Làm việc hết sức mình với tinh thần trách nhiệm cao 1. Làm việc hết sức mình như làm việc cho chính Chúa là Đấng đã yêu và cứu chuộc mình.

2. Làm việc trong tinh thần vui vẻ, biết ơn Chúa về mọi điều Chúa ban như cơ hội việc làm, tài chính, sức khoẻ, công việc.

3. Chăm chỉ làm việc nuôi sống chính mình, người nhà và giúp đỡ người khác.

Sự cứu rỗi, sự sống đời đời chỉ có được bởi đức tin, nhờ ân điển được ban cho qua sự hy sinh chết thay của Chúa Giê-xu.

Ngài là Đấng đắc thắng sự chết, Đấng sống đời đời, có quyền ban sự sống đời đời cho người tin Ngài.
Tất cả trên tinh thần tự nguyện của từng cá nhân. Ai tin thì được sự sống đời đời, ai không tin thì chịu sự đoán phạt.

Sự tái lâm của Đấng Christ là ý định của Đức Chúa Trời, không một con người nào có thể điều khiển Chúa.

Tiệc thánh là một thánh lễ thiêng liêng, chỉ dành cho người thực sự hiểu được ý nghĩa của sự cứu chuộc bởi sự hy sinh của Chúa Giê-xu và cam kết sống xứng đáng với Tin Lành, và rao truyền Tin Lành về Đấng Christ cho nhiều người biết.

Những người chỉ sống ích kỷ, vì mình, không quan tâm người khác:

Chỉ sống cho riêng mình, không quan tâm đến nhu cầu của người khác, thậm chí người thân, gia đình.

 

Những người từ bỏ gia đình, thiếu trách nhiệm:

Sau khi gia nhập hội viên của tà giáo này, hầu hết rời bỏ gia đình, sống cách ly với các hoạt động xã hội bên ngoài, đồ ăn thức uống sơ sài và chế biến khác thường, tối đến ngủ tập thể cùng nhau, di chuyển theo nhóm đến bất cứ đâu, gia đình ly tán…

Trước khi gia nhập hội, họ có thể là những người bình thường, thậm chí là những người con ngoan, những người vợ, người chồng có trách nhiệm.

Nhưng sau khi gia nhập hội, họ bỏ bê gia đình mình.

Đời sống của những hội viên theo tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ cũng có sự biến đổi nhưng theo chiều hướng ngược lại, trở thành nỗi buồn, sự lo lắng cho xã hội.

Những người lười biếng lao động:

Hội viên của tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ được hứa thoát khỏi mọi bệnh tật, cuộc sống tươi sáng, không phải làm gì vẫn có tiền, sống hạnh phúc. Vì vậy, họ cũng trở nên những người lười biếng, không chịu làm ăn, có lối sống bất thường.

Dùng hình thức thôi miên, yêu cầu đóng phí để sớm nhận được sự sống vĩnh cửu:

Sự tái lâm của Christ tuỳ thuộc vào số tiền đóng góp của hội viên.

Việc truyền bá, níu kéo người gia nhập hội thực chất là một hình thức lừa gạt người khác nhằm trục lợi.

Để gia nhập hội, ứng viên bị buộc phải uống nước màu đỏ, ăn bánh. Và sau khi dùng loại thuốc hướng thần này, con người sẽ trở nên ngu muội, làm theo mọi điều người truyền đạo yêu cầu, bao gồm cả bán cả nhà cửa, để nộp phí cho hội, với lý do thời gian họ nhận được sự sống vĩnh cửu sớm hay muộn tuỳ thuộc vào số tiền phí tích luỹ.

 

Kết Luận:

Tóm lại, từ những điều đã đề cập ở trên, rõ ràng sự thực hành đức tin Cơ Đốc của Hội Thánh Tin Lành hoàn toàn khác biệt và cao trọng hơn nhiều, bởi đối tượng chúng ta tin và thờ phượng là chính Chúa, không phải là một nhân vật do con người tạo nên. Động cơ chúng ta làm những việc lành, đóng góp cho xã hội không phải vì lợi ích, danh tiếng của bất kỳ con người hay tổ chức nào, nhưng xuất phát từ tấm lòng biết ơn Chúa, bày tỏ nếp sống làm vinh hiển danh Chúa. Nguyện danh Chúa luôn được tôn cao.

Sự xuất hiện của những tiên tri giả, những đạo lạ là điều Kinh Thánh đã cảnh báo trước cho chúng ta. Và khi chúng ta thấy những điều này xảy ra càng nhiều, chúng ta càng phải chú ý về nếp sống của chúng ta hơn hết. Bên cạnh đó, trước sự tấn công mạnh mẽ của đạo lạ, tà giáo, mỗi Cơ Đốc nhân cần trang bị chính mình, vững vàng trong đức tin, trong sự hiểu biết Chúa và lời Ngài để không bị lừa dối và:

Hãy tôn cao Đấng Christ là thánh, là Chúa trong lòng anh em. Luôn sẵn sàng để trả lời những kẻ chất vấn về niềm hy vọng trong anh em, nhưng phải ôn tồn và trân trọng. Khi bị nói xấu, anh em phải giữ lương tâm mình trong sáng, để những kẻ xuyên tạc cách cư xử tốt đẹp của anh em trong Đấng Christ phải hổ thẹn. Vì nếu đó là ý muốn của Đức Chúa Trời thì thà làm điều thiện mà chịu khổ còn hơn làm điều ác. (I Phi-e-rơ 3:15-17).

Comments are closed.