Emmanuel – Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta

Mùa đông là mùa lạnh, cho nên Giáng sinh thì phải lạnh. Nếu Giáng sinh không lạnh thì chắc Giáng sinh buồn. Nhưng tác giả của một bài biệt Thánh ca lại nói lên rằng “Giáng sinh là mùa ấm áp nhất trong năm!”… không phải mùa Đông là mùa ấm áp. Theo tác giả mặc dù ngoài trời rét mướt, nhưng trong lòng của mình có Chúa Giáng Sinh nên cảm thấy ấm áp. Hy vọng chúng ta – những Tôi tớ, con cái Chúa – cũng thấy ấm áp trong mùa Đông lạnh lẽ này bởi vì Chúa Giê-xu đã Giáng Sinh.
Mỗi lần Giáng sinh về, mỗi người mang một tâm trạng khác nhau. Quý vị đang mang tâm trạng như thế nào? Vui hay buồn, thỏa lòng hay chán nãn trong hoàn cảnh của mình? Không khí của mùa Giáng sinh đã được bắt đầu vào cuối tháng mười một hàng năm trên toàn thế giới. Ca khúc Giáng sinh được phát lên trong từng nhà, ngoài phố… hướng lòng mọi người vào dịp lễ trọng đại nhất trong năm. Qua các phương tiện hiện đại ngày nay, đôi lúc con người chúng ta lạm dụng đến mức quá nhiều đến nỗi các ca khúc Giáng sinh du dương và nhiều ý nghĩa đó đã không còn mang lại niềm vui và sâu lắng nữa, mà giờ đây đã trở thành mệt mỏi và nhàm chán!… rồi quà tặng, rồi trang hoàng, rồi bận rộn… Có phải chăng Giáng Sinh nhiều khi trở thành một nỗi phiền phức chứ không còn là niềm vui nữa? Nhưng điều đó không thể xảy ra cho Cơ Đốc nhân trong mùa Giáng sinh.
Đối với Cơ Đốc nhân, sinh nhật của Chúa có một ý nghĩa đặc biệt và tươi mới đối với mỗi người trong chúng ta. Chúng ta hy vọng rằng tinh thần chào đón Chúa Cứu Thế Giáng Sinh không phải là tinh thần “Giáng Sinh này như Giáng Sinh qua…” hoặc quá bận rộn, làm đủ thứ việc nhưng lại không có ý nghĩa gì cả. Và vì vậy, trong tinh thần hướng lòng về lễ Kỷ niệm Chúa Giê-xu Giáng Sinh – đó là một ngày mà Đức Chúa Trời cao cả, quyền năng, vĩ đại bước xuống trần gian, cho dù chúng ta đang ở trong tâm trạng nào, thì ngay thì giờ này chúng ta hãy đến với Lời của Chúa một cách tươi mới. Chúng ta hãy xem như đây là buổi lễ Kỷ niệm Chúa Giê-xu Giáng sinh đầu tiên của cuộc đời mình – Trong Hội Thánh chúng ta có một số tân tín hữu đã tiếp nhận Chúa trong năm nay thì đây là lễ Giáng Sinh đầu tiên trong đời mình được tham dự. Chúng ta còn nhớ buổi Giáng Sinh đầu tiên mà chúng ta được tham dự như thế nào không? – Hãy trở về với tinh thần đó để những nhàm chán, những thông lệ, những bận rộn hiện tại không còn trong chúng ta trong thì giờ này nữa. Nhưng, chúng ta sẽ đón mừng Chúa Cứu Thế Giáng Sinh với một tinh thần hoàn toàn mới trong đời sống của chúng ta hôm nay. Trong sinh nhật của bất cứ ai, hai điều được quan tâm nhiều nhất đó là tên và tuổi. Giáng Sinh là sinh nhật của Chúa Giê-xu. Đức Chúa Giê-xu đã giáng sinh hơn hai ngàn năm trước. Vì Đức Chúa Giê-xu đã Giáng Sinh và làm dấu mốc cho dòng lịch sử của nhân loại – dù tin Chúa hay chưa tin Chúa – không ai được phủ nhận điều này. Trong thì giờ này, chúng ta suy gẫm đến Danh xưng của Chúa trong sinh nhật của Ngài.


Trong Kinh Thánh, tên hay là danh hiệu có ý nghĩa rất là quan trọng. Vì tên của một người và bản tánh của người đó luôn đi chung với nhau. Tên của ông A-đam nghĩa là “người” vì đó là con người đầu tiên. Chúng ta thấy tên của một người luôn luôn có ý nghĩa nào đó khi mình được cha mẹ đặt tên. Môi-se nghĩa là “được cứu khỏi nước” vì ông được cứu khỏi nước, Ghẹt-sôn – một trong những người con của Môi-se – bởi vì ông được sinh ra tại đất khách quê người. Ông Áp-ram được đổi tên thành Áp-raham với ý nghĩa từ “cha cao quí” sang “cha của nhiều dân tộc”. Gia-cốp nghĩa là “nắm gót” đổi thành Y-sơ-ra-ên nghĩa là “vật lộn cùng Đức Chúa Trời”. Si-môn khi đến gặp Chúa, Chúa đổi tên thành Sê-pha (Phi-e-rơ) có nghĩa là “Đá”,… Mỗi tên đi liền với con người. Danh của Chúa hay Danh hiệu của Chúa cũng vậy. Khi Môi-se đến với Chúa, ông hỏi rằng Danh của Chúa là gì để ông bày tỏ cho mọi người biết, Chúa nói rằng: “Ta là Đấng Tự hữu và Hằng hữu”. Vì vậy, tên không những chỉ là tên gọi mà còn là tất cả các ý nghĩa đi kèm theo đó.
Kinh Thánh Ma-thi-ơ 1:21: “Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là Giê-xu, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội” cho chúng ta biết tên của Chúa Giêxu nghĩa là “Sự Cứu rỗi hay là Đấng Cứu Rỗi”. Có một danh xưng trong Chúa Cứu Thế chúng ta cùng nhau suy gẫm trong mùa Giáng sinh hôm nay là “Emmanuel” hay “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta”. “Nầy, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, và sanh một con trai, Rồi người ta sẽ đặt tên con trai đó là Em-ma-nu-ên; nghĩa là: Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta”. Ma-thi-ơ 1:23 Chúng ta thấy trong Ma-thi-ơ 1:22 chép: “Mọi việc đã xảy ra như vậy, để cho ứng nghiệm lời Chúa đã dùng đấng tiên tri mà phán…”. Sự ra đời của Chúa Giê-xu không phải là một sự ngẫu nhiên mà nằm trong chương trình đời đời của Đức Chúa Trời và tên của Chúa đã được đặt 700 năm trước khi Chúa Giáng Sinh là “Emmanuel” (Ê-sai 7:14). “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” nghĩa là thế nào? Có ít nhất 4 ý nghĩa.
I. Đức Chúa Trời HIỆN DIỆN với chúng ta (NHẬP THỂ). Ngày mà Đức Chúa Trời là Đấng Vô Hạn, Thánh Khiết đến với con người hữu hạn, tội lỗi đó là ngày Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta. Đấng ở cùng chúng ta là Đức Chúa Trời. Đây không phải là một việc tầm thường. Chúng ta hãy tưởng tượng xem, một Đức Chúa Trời Cao Cả, Vô Hạn lại đến với con người tội lỗi, xấu xa, hữu hạn là quý giá chừng nào. Trong ca dao, tục ngữ dân gian của Việt Nam có câu “rồng đến nhà tôm” diễn đạt một điều to lớn, giá trị, quan trọng đi vào một chỗ tầm thường, nhỏ bé, không xứng đáng. Nhưng Đức Chúa Trời đến với chúng ta còn có giá trị lớn hơn gấp nhiều lần câu ca dao đó nữa. Có quan niệm sai lầm cho rằng Đức Chúa Trời ở xa cách với chúng ta và Ngài sẽ không biết gì và sẽ không thể nào giúp đỡ gì được cho chúng ta “… kêu trời, trời chẳng thấu…”. Trong vũ trụ bao la của Ngài, trái đất của chúng ta chỉ là một hạt cát rất rất nhỏ mà thôi. Nhưng chúng ta cũng biết rằng đã có một lần Đức Chúa Trời đến tại trái đất chúng ta. Một Đức Chúa Trời Quyền năng, Cao cả, Vô hạn có thể trở thành một em bé yếu ớt nằm ở trong máng cỏ chuồng chiên nghèo hèn. Sứ đồ Phao-lô đã nói về sự nhập thể của Chúa Giê-xu trong thư Phi-líp “…chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người…” (Phi-líp 2:7). Chúa đã trở nên một người giống như chúng ta. Không có một hình ảnh nào có thể mô tả cho việc này được. Có thể chúng ta hình dung ra những việc như sau: Trên các phương tiện thông tin đại chúng, thỉnh thoảng chúng ta được thấy những hình ảnh thương tâm do nghèo đói ở các nước Châu Phi. Những trẻ gầy yếu trơ xương, thiếu ăn, dịch bệnh tràn lan…. Và bây giờ, chúng ta gởi con mình qua bên đó sống với nhữngngười đó? Chúng ta đồng ý không?. Và thưa quý vị, đó chính là hình ảnh giúp chúng ta thấy được Đức Chúa Trời Cao cả, Quyền năng, Thánh khiết nhìn xuống xã hội loài người đầy tội lỗi, xấu xa như thế nào, và Chúa đã từ bỏ tất cả để đến với con người. Chúa đến để cho con người biết rằng: Đức Chúa Trời không phải là Đấng xa lạ, nhưng là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta, yêu thương chúng ta và đến gần với chúng ta. Chúa Giê-xu mà chúng ta cùng nhau kỷ niệm sinh nhật trong tháng này chính là Đức Chúa Trời đó. Chúa cao cả vĩ đại, nhưng là Đức Chúa Trời rất gần với chúng ta. Ngài ở cùng chúng ta, ở trong chúng ta khi chúng ta tiếp nhận Chúa. Vì vậy, “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” nghĩa là Chúa hiện diện với chúng ta hay là Chúa Nhập Thể. Đức Chúa Trời nhập thể, cao cả vĩ đại “Trời trở thành người”.
II. Đức Chúa Trời HÒA MÌNH với chúng ta (NHẬP THẾ). Thư Hê-bơ-rơ chép: “Nhân đó, Ngài phải chịu làm giống như anh em mình trong mọi sự,…” (Hê-bơ-rơ 2:17a). Nghĩa là Đức Chúa Giê-xu chịu làm giống như chúng ta trong mọi khía cạnh. Rô-ma 8:3 chép: “…Ngài đã vì cớ tội lỗi sai chính Con mình lấy xác thịt giống như xác thịt tội lỗi chúng ta, và đã đoán phạt tội lỗi trong xác thịt,”. Đức Chúa Giê-xu đã mang thân xác con người giống như chúng ta. Thần linh của Đức Chúa Trời không có thịt và xương, là Đấng Vô hình, nhưng Đức Chúa Giê-xu mang hình hài thể xác như chúng ta. Vì thế Đức Chúa Trời đã dùng trinh nữ Ma-ri để mang thai Chúa Giê-xu. Chúa giống như chúng ta trong mọi hoàn cảnh (đau, mệt, khóc,…). Chỉ một điều duy nhất Chúa không như chúng ta là Chúa không bao giờ phạm tội. “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” là như vậy. Chúa đã hiện diện trong chúng ta, ở bên cạnh chúng ta, cũng mang thân xác như chúng ta và còn thông cảm cho chúng ta. Chúa đã Nhập Thế, Chúa đã đi vào đời, vào trong mỗi khía cạnh trong cuộc đời của chúng ta nữa. Có người nói rằng “nỗi khổ lớn nhất của con người là cô đơn, thiếu thông cảm”. Mùa Giáng Sinh là mùa vui vẻ, nhưng nếu chúng ta chú ý một chút thì chúng ta thấy rằng một vài người đằng sau sự vui đó là một đau buồn. Đó là mùa cô đơn nhất cho những ai cô đơn giữa những bận rộn của thế giới. Nhưng Cơ Đốc nhân chúng ta thì sẽ không bao giờ cô đơn vì “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” luôn luôn. Đó là Emmanuel. Đó là Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta và hòa mình với chúng ta để thông cảm cho chúng ta, và đảm bảo sự cứu rỗi cho chúng ta. Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời làm người mới có thể cứu được chúng ta. Giáng sinh là một biến cố quan trọng nhất trong lịch sử của nhân loại. “Giáng Sinh là ngày Con Trời trở thành con người để con người trở thành con Trời” và nếu ai tin sẽ nhận lấy được sự cứu rỗi. Nan đề lớn nhất của con người đó là “ngăn cách”. Ngăn cách giữa Đức Chúa Trời Thánh Khiết và con người đầy tội lỗi. Khi con người được tạo dựng thì không có sự ngăn cách đó. Con người và Đức Chúa Trời luôn luôn gần gũi với nhau. Nhưng tội lỗi đã chen vào và có một khoảng cách giữa con người và Đức Chúa Trời. Ngày xưa muốn đến cùng Đức Chúa Trời, loài người phải dùng của lễ. Nhưng khi đến đúng kỳ hạn, Đức Chúa Trời đã đến để bắc lại nhịp cầu và khoảng cách đó không còn nữa. Qua Chúa Giê-xu chúng ta ở với Đức Chúa Trời, ở cùng Đức Chúa Trời và được tương giao với Ngài. Khoảng cách được nối liền. Đó là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.
III. Đức Chúa Trời THAY THẾ cho chúng ta (GÁNH TỘI). “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta,hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời.” (II Cô-rinh-tô 5:21). “Đấng vốn chẳng biết tội lỗi” là Chúa Giê-xu “không bao giờ biết tội lỗi” và đã “trở nên tội lỗi” vì chúng ta. Đó là Chúa ở cùng chúng ta là như vậy. Chúng ta là nhữngcon người tội lỗi, Chúa đã đến trần gian này để dùng thân xác Ngài mang che phủ lên chúng ta, huyết của Ngài đã đổ ra thay thế tội cho chúng ta. Khi Đức Chúa Trời nhìn xuống con người chúng ta, Đức Chúa Trời chỉ thấy huyết của Chúa Giê-xu chan hòa che phủ lên tất cả chúng ta. Chúa Giê-xu đã gánh tất cả tội lỗi chúng ta ở trên thân của Ngài trên cây gỗ. Kinh Thánh nói rằng “… Ngài đã mang tất cả tội lỗi của chúng ta trong thân Ngài ở trên Thập Tự giá”. Ngài đã bằng lòng gánh lấy những án phạt của chúng ta trên mình Ngài. Chúa đứng vào chỗ của chúng ta và nhận bản án thay thế cho chúng ta. Ngài làm điều đó để thỏa mãn tính công chính của Đức Chúa Trời khi Chúa Giê-xu chịu chết trên cây thập tự. Đức Chúa Giêxu phải trả giá cứu chuộc cho chúng ta qua chính sự chết của Ngài “… chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời”. Đây là một cụm từ pháp lý: Thay vì chúng ta chết vì tội lỗi của chúng ta, chịu hình phạt vì những tội lỗi đã gây ra thì giờ đây Chúa thay thế cho mình, đứng vào chỗ của chúng ta và Đức Chúa Trời hình phạt Chúa Giê-xu cho nên chúng ta không phải chịu hình phạt. Chúa đến thế gian để chịu chết thay thế cho chúng ta. Đó là ý nghĩa của lễ Giáng Sinh. Giáng Sinh là Đức Chúa Trời trở thành người gọi là Nhập Thể. Giáng Sinh là Nhập Thế Đức Chúa Trời trở thành người và hòa mình và thông cảm cho chúng ta. Giáng Sinh là Gánh tội, Đức Chúa Trời trở thành người và gánh lấy tội lỗi cho chúng ta.

IV. Đức Chúa Trời BÊNH VỰC cho chúng ta. “Đã vậy thì chúng ta sẽ nói làm sao? Nếu Đức Chúa Trời vùa giúp chúng ta, thì còn ai nghịch với chúng ta? Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao?” (Rô-ma 8:31-32). Trong bất cứ một cuộc chiến trận nào, khi có một người nào đó giỏi hơn, mạnh hơn đứng về phía chúng ta thì chúng ta sẽ thấy yên tâm và thích thú hơn. “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” có nghĩa là Đức Chúa Trời ở về phía chúng ta. Chúa bênh vực chúng ta. Đức Chúa Trời Thánh Khiết không thể ở cùng với con người tội lỗi, nhưng bây giờ Chúa đã ở gần, ở bên cạnh, ở trong và ở cùng phía với chúng ta. Khi chưa tin Chúa, chúng ta đứng về phe nghịch thù với Chúa, nhưng khi chúng ta tiếp nhận Chúa thì chúng ta được ở về phía của Ngài. Chúa Giê-xu đã đến để giải hòa cho chúng ta với Đức Chúa Trời, để bắt lại nhịp cầu. Chúa ở cùng một phía với mình để bảo vệ, bênh vực, hướng dẫn cuộc đời của chúng ta. Câu chuyện “Dấu chân trên cát” nhắc lại cho chúng ta nhớ rằng: những lúc chúng ta đau yếu, khổ sở trăm bề, không ai có thể giúp đỡ được thì chính những lúc đó Chúa bồng ẫm chúng ta trong tay yêu thương của Ngài. Đời sống là một cuộc tranh chiến. Chúng ta luôn luôn bị tấn công. Kẻ thù của chúng ta là trần gian, là ma quỉ và là chính bản ngã của chúng ta. Nhưng Chúa bênh vực, Chúa tranh đấu cho chúng ta. Kinh Thánh Rô-ma 8:38-39 cho chúng ta biết: “Vì tôi chắc rằng bất kỳ sự chết,sự sống, các thiên sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền phép, bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta”. Chúa ở với mình cho nên chúng ta không còn sợ, không còn buồn, không còn cô đơn nữa. Tóm lại, Giáng Sinh là gì? Giáng Sinh là “Emmanuel” nghĩa là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta. Chúa hiện diện với chúng ta, hòa mình với chúng ta, thay thế cho chúng ta và bênh vực cho chúng ta. Chúng ta có ở cùng Đức Chúa Trời không? Đây là câu hỏi cho chúng ta trong mùa Giáng Sinh năm nay. Xin Chúa ban cho chúng ta một mùa Giáng Sinh phước hạnh, niềm vui và một đức tin đắc thắng vì “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta”./-
Tác giả: MS. Nguyễn Thỷ

Print Friendly, PDF & Email

Comments are closed.