Bạn Đồng Hành Với Phao-lô

Si-la

“Ba-na-ba, và Si-la, là hai người đứng đầu trong hàng anh em.” Công vụ 15:22.

Những người bạn đồng hành với Phao-lô đều rất được quý trọng, điều đó thật hợp lẽ bởi vì ở họ có những nét đặc trưng mà Kinh thánh đề cao cho công tác của họ vì phúc âm Đấng Christ. Đời sống kiên định và hy sinh của họ là tấm gương cho tất cả chúng ta, bởi vì nếu chúng ta chọn con đường truyền giáo của Phao-lô thì chúng ta cũng là “những người bạn đồng hành” của ông. Khao khát của những người bạn, những người đồng hành và những người giúp đỡ cho Phao-lô đó là giúp truyền giảng lẽ thật vinh quang đã được bày tỏ cho Phao-lô từ Đấng làm đầu của Hội Thánh là Đức Chúa Giê-su Christ. Là những người bạn đồng hành của Phao-lô, chúng ta cũng cần có chung một khao khát đó là đem phúc âm ân điển của Đức Chúa Trời đi xa hơn và khiến cho mọi người được nhìn thấy cùng một lẽ thật về mục đích của Chúa trong Hội Thánh ngày nay.

Nhưng bây giờ chúng ta sẽ đề cập đến Si-la – một bạn đồng công với Phao-lô. Khi Phao-lô và Ba-na-ba có bất đồng và phân rẽ nhau, Phao-lô chọn Si-la làm bạn đồng hành với mình trong hành trình truyền giáo lần thứ hai. Phao-lô muốn thăm lại các thành phố mà trước đó ông đã đến để biết các tín hữu tại đó như thế nào. Phao-lô có tấm lòng của một người chăn thật. Ông không thỏa lòng khi chỉ truyền giáo và rồi bỏ đi. Ông muốn đàn chiên được nuôi dưỡng, mạnh mẽ, vững vàng trong đức tin và tiếp tục theo Chúa. Tại những thành phố nơi các hội thánh được thành lập, Phao-lô sẽ nán lại cho đến khi các tân tín hữu được vững lập trong lẽ thật, hoặc nếu không thể nán lại, Phao-lô sẽ để một người bạn đồng hành của ông ở lại để làm công việc này. Phương pháp của Phao-lô đó là khiến những linh hồn được cứu qua sự rao giảng phúc âm và sau đó dạy dỗ họ, hướng dẫn họ trong lẽ thật để họ có thể trở thành người dạy đạo cho những người khác. Một số người được huấn luyện cho vị trí lãnh đạo và được hướng dẫn để chăm lo cho đàn chiên mà họ được lập nên để coi sóc. Và khi Phao-lô rời đi đến những cánh đồng khác, ông vẫn để tâm đến những cánh đồng ở phía sau, cụ thể ông đã viết cho người Phi-líp rằng: “Tôi nghĩ đến hết thảy anh em dường ấy, là phải lắm; vì anh em ở trong lòng tôi.”. Ngày nay nhiều người sử dụng cụm từ “môn đồ hóa – discipling.” Đây không phải là thuật ngữ mà Phao-lô sử dụng trong các sách của ông. Những người sử dụng thuật ngữ này cho rằng họ đang thực thi đại mạng lệnh và được dạy dỗ phải môn đồ hóa muôn dân.

Trong Công vụ 15:22 chúng ta biết rằng Si-la là một trong số những người đứng đầu trong hàng anh em tại hội thánh Giê-ru-sa-lem. Si-la rất được tôn trọng và là một trong những người được giao trách nhiệm đem nghị định của giáo hội nghị đến với hội thánh người ngoại quốc tại An-ti-ốt, và đảm bảo với hội thánh ngoại quốc này rằng họ không cần phải vâng theo luật pháp Môi-se và họ không bị bắt buộc phải thực hiện phép cắt bì. Giờ đây, Phao-lô và Si-la bắt đầu khởi hành từ An-ti-ốt. Họ đi phía bắc, và rồi hướng về phía đông, trải qua xứ Sy-ri và xứ Si-li-si, và chắc chắn trong hành trình đó họ đã dừng lại ở Tạt-sơ để chăm lo cho những người bà con của Phao-lô và những người khác đã được chinh phục cho Đấng Christ trong những năm Phao-lô ở tại đó. Rời thành Tạt sơ, hai nhà truyền giáo đi qua một cung đường đèo có tên Cổng xứ Si-li-si, đây là một cung đường đèo dài khoảng tám mươi dặm (khoảng 127 km) chạy xuyên qua các dãy núi Taurus. Khoảng 300 năm trước đó, Alexander đại đế đã đi qua cung đường đèo này cùng với quân lính trong hành trình xâm lược miền Đông. Giờ đây, một người vĩ đại hơn Alexander, cùng đồng hành với Si-la, cũng đang đi qua con đường đèo này mang theo một thông điệp làm biến đổi thế giới. Mặc dù Alexander không nhận ra, nhưng Đức Chúa Trời đã sử dụng ông để chuẩn bị con đường cho công tác rao giảng phúc âm của các nhà truyền giáo sau đó. Cuộc chinh phục của ông đã đem ngôn ngữ Hy Lạp ra thế giới và chính trong ngôn ngữ này mà Kinh thánh Tân Ước được viết ra và được Phao-lô sử dụng khi ông đến với người ngoại quốc.

Đến thành Đẹt-bơ và thành Lít-trơ, Phao-lô và Si-la dùng Lời Chúa giảng dạy và kết quả là “các Hội thánh được vững vàng trong đức tin, và số người càng ngày càng thêm lên” (Công vụ 16:5). Trong số các tín hữu có một chàng trai trẻ tên Ti-mô-thê, có lẽ ông đã tin đạo trong chuyến thăm lần đầu của Phao-lô. Ti-mô-thê được các anh em làm chứng tốt, đã tăng trưởng trong đời sống Cơ-đốc và trở nên thật hữu ích đến nỗi Phao-lô muốn đem người theo cùng với ông và Si-la trong hành trình tiếp theo. Sau khi đi ngang qua xứ Ga-la-ti, Phao-lô có ý định rao giảng Lời Chúa tại vùng A-si. Tuy nhiên, họ bị Đức Thánh Linh ngăn cấm. Kế đến họ dự định đến Bi-thi-ni, một khu vực đông dân cư ở vùng biển đen, nhưng một lần nữa Chúa đã không cho phép. Vậy chỉ còn một con đường cho họ đó là đến thành Trô-ách, bên bờ biển Aegean. Cũng tại Trô-ách mà Bác sĩ Lu-ca đã tham gia vào đoàn truyền giáo này. Có lẽ Bác sĩ Lu-ca cùng đi bởi vì lý do sức khỏe của Phao-lô. Nói về thời gian đó, Phao-lô đã viết rằng: “Anh em biết rằng ấy là đương lúc xác thịt yếu đuối mà tôi truyền Tin lành cho anh em lần thứ nhứt” (Ga-la-ti 4:13).

Một đêm nọ tại thành Trô-ách, có khải tượng hiện ra cho Phao-lô. Ông thấy một người Ma-xê-đoan nài xin ông hãy đến và giúp đỡ họ. Người đàn ông này là ai? Một số người cho rằng người đàn ông này chính là Đức Chúa Giê-su. Ngài chính là Con Người và rất có thể Ngài đã ở đó, hóa thân thành một người Ma-xê-đoan với những nhu cầu của họ và cầu xin sự giúp đỡ. Bất luận người đó là ai, Phao-lô đã tiếp nhận khải tượng như là sự dẫn dắt từ Chúa và ngay lập tức nhóm truyền giáo này lên tàu đến thành Nê-a-bô-li, thành phố cảng Phi-líp. Đây là một “cuộc xâm lược” vào lãnh thổ Châu Âu, cuộc chiến này không được thực hiện bởi quân đội nhưng bởi bốn con người mang theo vũ khí là Lời Chúa, là vũ khí nhanh chóng, mạnh mẽ và sắc bén hơn bất kỳ thanh gươm nào. Chúng ta không đủ lời cảm tạ Chúa vì đã dẫn dắt đầy tớ của Ngài theo hướng này, bởi vì nếu Chúa cho phép họ đi về phía đông thì có lẽ Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ trở thành những vùng đất Cơ-đốc, còn những người ở thế giới phương tây sẽ vẫn sống trong sự tối tăm của ngoại giáo.

Công tác truyền giáo tại Châu Âu có khởi đầu rất khiêm tốn. Phi-líp không phải là một thành phố giao thương nên không được người Do Thái quan tâm, chính vì vậy không có nhà hội của người Do Thái tại thành phố này. Tuy nhiên một số người tin kính vẫn họp lại bên bờ sông mà cầu nguyện vào ngày Sa-bát. Các giáo sĩ này sớm nghe được về điều đó nên vào ngày Sa-bát tiếp theo họ đã đến gặp những người nữ mộ đạo mà rao giảng về Đấng Christ cho họ. Một trong số những người phụ nữ ấy có Ly-đi, nữ doanh nhân, “Chúa mở lòng cho người, đặng chăm chỉ nghe lời Phao-lô nói.” Hãy lưu ý cụm từ này: “Chúa mở lòng cho người.” Chúng ta cần nắm rõ điều này, đó là sự cứu rỗi thuộc về Chúa, và khi chúng ta rao truyền Lời Chúa, chúng ta phải trông cậy vào công tác của Đức Thánh Linh. Chúng ta cần cầu nguyện cho người lắng nghe, để Chúa mở lòng họ, soi sáng con mắt thông hiểu của họ, và bày tỏ lẽ thật cho họ. Không chỉ Ly-đi được cứu mà cả gia đình bà, những người tin đạo đầu tiên trên đất Châu Âu.

Cũng có một người nữ khác tại thành Phi-líp, cô là một tớ gái bị quỷ bói khoa ám vào. Vì lý do nào đó cô gái này bị thu hút bởi Phao-lô và các cộng sự của ông mà đi theo họ và la lớn: “Những người đó là đầy tớ của Đức Chúa Trời Rất Cao, rao truyền cho các ngươi đạo cứu rỗi. (Công vụ 16:17). Chưa ai từng làm chứng tốt hơn về Phao-lô và các cộng sự của ông trước đây. Họ quả thật là đầy tớ của Đức Chúa Trời chí cao, và họ đến thành Phi-líp để bày tỏ cho dân thành này con đường cứu rỗi. Tuy nhiên Phao-lô lấy làm cực lòng bởi vì hành động này ngăn cản lời chứng phúc âm. Hơn nữa, công việc Chúa không cần có sự tán thành của thế gian, đặc biệt là của thế giới tà linh. Và có lẽ Phao-lô nhìn thấy nơi cô gái bị rối loạn tâm thần này một niềm khao khát Chúa. Dù lý do gì, Phao-lô nhân danh Đức Chúa Giê-su Christ mà truyền lệnh cho tà linh phải ra khỏi cô gái, và nó đã ra khỏi cô gái này. Danh uy quyền của Đức Chúa Giê-su Christ thật rất linh nghiệm.

Các chủ của cô gái này thấy không còn hy vọng kiếm lợi được nữa bèn toan tính trả thù và họ đã bắt Phao-lô và Si-la. Họ bắt hai người ra tòa mà cáo buộc rằng Phao-lô và Si-la là những người Do Thái đang giảng dạy những phong tục không đúng với người La-mã. Việc này đã khuấy động dân chúng và quan tòa đã không hỏi gì thêm cũng không thực hiện một phiên xét xử mà truyền lệnh xé áo và đánh đòn họ. Kinh thánh ghi lại rằng: “Sau khi người ta đánh nhiều đòn rồi” (Công vụ 16:23). Có lẽ đây là một trong năm lần Phao-lô bị đánh thiếu một đòn thì đủ bốn mươi. Sau khi đánh đòn, Phao-lô và Si-la bị bỏ vào ngục, họ đặt một viên cai ngục canh giữ thật nghiêm nhặt. Viên cai ngục đưa Phao-lô và Si-la vào ngục tối là phần ngục thấp có nền bùn đất, tại đó họ phải nằm đặt lưng trên nền đất còn chân thì bị cùm lại. Trải qua mọi việc, người bạn đồng hành Si-la vẫn sát cánh bên Phao-lô và chịu mọi đau đớn như Phao-lô phải chịu. “Bằng hữu thương mến nhau luôn luôn, và anh em sanh ra để giúp đỡ trong lúc hoạn nạn” (Châm ngôn 17:17).

Đây là hai tôi tớ trung tín của Đấng Christ, tấm lưng của họ rỉ máu đầy đau đớn, nằm trong một tư thế kém thoải mái nhất ở phần ngục hôi thối và dơ bẩn. Nỗi đau đớn và khốn khổ của họ khó có thể lớn hơn được nữa, song hai sứ đồ phản ứng thế nào với sự đối đãi đầy hận thù này? “Lối nửa đêm, Phao-lô và Si-la đương cầu nguyện, hát ngợi khen Đức Chúa Trời; và những tù phạm đều nghe.” Họ hát gì? Có lẽ là một Thi Thiên như Thi Thiên 46: “Đức Chúa Trời là nơi nương náu và sức lực của chúng tôi, Ngài sẵn giúp đỡ trong cơn gian truân.” Những tù nhân khác điều có thể nghe họ. Chốn lao tù vốn hay vang vọng tiếng chửi rủa mắng nhiếc của những tội nhân cứng đầu thì nay vang vọng tiếng hát ngợi khen của hai nhà truyền giáo tràn đầy niềm vui. Đột ngột tiếng hát bị gián đoạn: một cơn động đất thật lớn xảy ra làm rung chuyển các bức tường nhà lao, các cửa mở tung và xiềng các tù nhân đều rớt ra khỏi chân họ. Viên cai ngục bị đánh thức và nhìn thấy các cánh cửa đều mở toang, tưởng rằng các tù nhân đều trốn thoát bèn có ý định tự sát bởi vì ông biết rằng nếu các tù nhân thật đã trốn thoát thì sáng hôm sau ông sẽ phải đền mạng. Phao-lô dường như cảm nhận được ý định của viên cai ngục nên la lớn tiếng mà nói rằng họ vẫn còn ở đó. Người cai ngục bèn lấy đèn chạy nhanh vào trong ngục, ông run rẩy sợ hãi mà quỳ trước Phao-lô và Si-la và hỏi một câu hỏi vô cùng quan trọng: “Các chúa ơi, tôi phải làm chi cho được cứu rỗi?”

Viên cai ngục ngoại đạo này biết gì về việc được cứu? Chắc chắn ông ấy đã nghe người đầy tớ gái la lớn rằng những người đàn ông này đến để nói về con đường cứu rỗi hay phương cách để được cứu. Phao-lô và cộng sự của ông đã ở trong thành nhiều tuần liền và rất có thể viên cai ngục đã nghe họ giảng đạo. Tuy nhiên viên cai ngục này đã từ chối lời giảng dạy ấy, ông không cảm thấy mình cần được cứu. Giờ đây, khi bị cáo trách về tội lỗi, từ sâu trong tâm hồn ông đã kêu lên: “Tôi phải làm chi cho được cứu rỗi?”

Để trả lời câu hỏi của viên cai ngục, hoặc bất kỳ câu hỏi khác liên quan đến Kinh thánh, chúng ta phải phân biệt đúng lẽ thật trong Lời Chúa và đảm bảo rằng câu trả lời của chúng ta dựa trên phần Kinh thánh liên quan đến thời kỳ ân điển của Đức Chúa Trời. Lẽ thật Kinh thánh cho dân sự của Đức Chúa Trời trong một thời kỳ có thể không đúng trong thời kỳ khác. Chẳng hạn như khi Giăng Báp-tít “giảng phép báp-têm ăn năn, cho được tha tội” và khi dân chúng đến với ông, ông đã nói rằng: “hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn.” Đây không phải là điều chúng ta nói với tội nhân tìm kiếm sự cứu rỗi ngày nay. Khi một thầy dạy luật đến với Đức Chúa Giê-su hỏi rằng ông cần phải làm gì để nhận được sự sống đời đời, Ngài nhắc ông về luật pháp và phán rằng: “Hãy làm điều đó, thì được sống.” Tuy nhiên ngày nay chúng ta sẽ nói với thầy dạy luật ấy rằng sự sống đời đời là món quà miễn phí từ Đức Chúa Trời, món quà ấy không đến từ việc làm của chúng ta. Khi những người nghe Phi-e-rơ giảng trong ngày Lễ Ngũ Tuần hỏi rằng họ cần phải làm gì, Phi-e-rơ đáp: “Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-têm, để được tha tội mình.” Đó không phải là sứ điệp của Chúa Giê-su lúc Ngài còn trên đất. Để phân biệt đúng đắn, chúng ta phải nhận ra rằng Đức Chúa Trời đã đem đến một thời kỳ mới của ân điển và dẫn Phao-lô vào một chương trình hoàn toàn mới.

Phao-lô đã trả lời gì với câu hỏi của viên cai ngục? Ông trả lời cách đơn giản rằng: “Hãy tin Đức Chúa Jêsus, thì ngươi sẽ được cứu rỗi.” Dĩ nhiên hai sứ đồ đã nói với ông nhiều hơn thế; họ nói cho ông biết phải tin gì nơi Đức Chúa Giê-su. Kinh thánh chép: “Hai người truyền đạo Đức Chúa Trời cho người, và cho những kẻ ở nhà người nữa.” Họ đã giảng cho viên cai ngục rằng Đức Chúa Giê-su bởi sự chết nơi thập giá đã chuộc lấy tội lỗi của chúng ta; Ngài đã phó dâng chính Ngài làm sinh tế chuộc tội, Đức Chúa Giê-su đã cất tội lỗi của chúng ta; vậy chúng ta không còn trông cậy vào công việc của bản thân mà phụ thuộc hoàn toàn vào những gì Đấng Christ đã làm cho chúng ta. Một trong số những chủ đề lớn của Phao-lô đó là xưng công bình bởi đức tin, đối lập với việc tuân giữ luật pháp, sự mộ đạo hay việc làm của con người. Lời giảng dạy về thập giá thì người đời cho là ngu muội. Khi nói rằng sự cứu rỗi hoàn toàn đến bởi đức tin, lòng tin của mình vào công việc của một Đấng đã làm, sự giảng dạy đó trái ngược với lý lẽ con người và bị cho là ngu muội. Với lòng kiêu hãnh đáng thương, con người nghĩ rằng họ cần phải dự phần vào công tác cứu chuộc. Nhà thơ vĩ đại người Anh, William Cowper, trong đoạn trích sau đã mô tả thật đúng đắn thái độ của con người đối với tín lý duy đức tin.

Chẳng như công việc phức tạp của loài người

Kế hoạch của thiên đàng thật dễ dàng, chân thật, không hề có trở ngại.

Chẳng lôi cuốn bằng vẻ đẹp hào nhoáng,

Chẳng có những đồ trang trí chất thành đống.

Phô trương như chẳng hề có điểm yếu,

Như vòm trời xanh ta thấy.

Tráng lệ trong sự đơn giản.

Được khắc trên cánh cổng ở xa,

Nổi bật như ánh sáng của một ngôi sao,

Những nét chữ dễ đọc nhờ ánh sáng phát ra,

Những lời làm hồi sinh tâm hồn: TIN VÀ SỐNG.

Quá nhiều người, bàng hoàng trước điều khiến họ bị cuốn hút,

Họ lạc bước dẫu chỉ dẫn thật rõ ràng,

“Thiên đàng có những điều khoản thế ư!” họ nói giọng đầy kiêu ngạo khinh bỉ,

Thật không thể tin được, không thể như vậy, thật hão huyền.

Người ta chống đối vì nó thật dễ làm,

Họ khinh miệt con đường ân điển.

Đến sáng, có lẽ các quan án lo lắng vì những hành động của họ ngày hôm trước nên đã sai lính nói cùng viên cai ngục rằng: “Hãy thả các người ấy đi.” Nhưng Phao-lô từ chối. Ông tuyên bố rằng hành động của các quan án là không đúng luật bởi vì cả ông và Si-la đều là công dân La-mã. Hơn thế nữa, ông nói rằng các quan án đã đánh đòn và tống giam Phao-lô và Si-la một cách công khai mà giờ đây họ lại âm thầm thả hai vị sứ đồ này. Nếu các quan án muốn thả hai vị sứ đồ ra thì chính họ phải công khai xin lỗi và hộ tống hai vị sứ đồ ra khỏi ngục. Các quan án buộc phải làm vậy. Khi bắt buộc các vị quan án thực hiện hành động này, Phao-lô không chỉ nghĩ cho ông và Si-la mà quan trọng hơn là những người còn ở lại tại thành phố này. Các quan án sẽ không còn tự do gây phiền nhiễu đến những tân tín hữu nữa. Họ nài xin Phao-lô và Si-la rời khỏi thành bởi vì họ không muốn có thêm rắc rối, song Phao-lô và Si-la thì không vội đi. Họ đến nhà Ly-đi, tại đó họ được gặp gỡ, khích lệ và làm cho vững chắc đức tin nơi tất cả các tín hữu. Chúng ta không rõ Phao-lô và Si-la đã nán lại với các tín hữu tại thành Phi-líp trong bao lâu, nhưng cuối cùng thì hai vị sứ đồ cũng rời đi, để lại Hội Thánh mà Phao-lô yêu quý hơn mọi Hội Thánh khác.

Lu-ca và Ti-mô-thê không được kể đến trong bản ký thuật tại thành Phi-líp. Có lẽ họ đã tham dự một buổi nhóm cầu nguyện xuyên đêm tại nhà Ly-đi, và có lẽ qua lời cầu nguyện của họ mà Chúa làm một trận động đất. Lu-ca rời phái đoàn truyền giáo tại đây còn Phao-lô, Si-la và Ti-mô-thê thì tiếp tục cuộc hành trình. Rời thành Phi-líp, đoàn truyền giáo tiến về phía tây trên các cung đường La-mã cổ, đường Via Egnatia chạy qua Ma-xê-đoan đến biển Adriatic. Sau tất cả những đòn vọt và bị đối xử hà khắc, chắc hẳn Phao-lô và Si-la rất khó khăn trong cuộc hành trình này, nhưng với niềm vui trong tấm lòng họ cứ tiến lên phía trước. Họ băng qua một số thành phố nhỏ để đến với thành phố quan trọng hơn đó là Tê-sa-lô-ni-ca nơi có một nhà hội của người Do Thái. Họ bắt đầu mục vụ tại thành phố này, giảng dạy từ Kinh thánh rằng Đấng Christ (Đấng Mê-si) đã đến thế gian, Ngài đã chịu thương khó, chịu chết và sống lại từ cõi chết, đó chính là Đức Chúa Giê-su, Đấng mà họ rao giảng, và Ngài chính là Đấng Christ. Ngoài những người Do Thái trong nhà hội còn có những người Hy Lạp kính sợ Chúa và một số lượng lớn những người Hy Lạp đó đã chăm chú lắng nghe sứ điệp của Phao-lô mà tin đạo. Điều này khiến cho những người Do Thái không tin đạo giận dữ mà gây náo loạn trong thành. Điều gì đã khiến cho những người Do Thái này tức giận? Họ “đầy lòng ghen ghét.” Đây là một trong số các tội lỗi đã dẫn đến sự chết của Đức Chúa Giê-su. Khi người Do Thái đem Ngài đến Phi-lát, Kinh thánh ghi lại rằng Phi-lát “biết bởi lòng ghen ghét nên chúng đã nộp Ngài.” Lòng ghen ghét, ganh tị với người khác là một tội thật đáng trách song lại thường thấy giữa vòng Cơ Đốc nhân. Bởi lòng ghen ghét mà cả thành Tê-sa-lô-ni-ca bị náo loạn và người ta truy tìm các đầy tớ của Đức Chúa Giê-su để hãm hại, nhưng trong đêm các anh em đã đưa Phao-lô và Si-la ra khỏi thành và họ tiến đến thành Bê-rê.

Tại Bê-rê, vẫn theo cách thức cũ đoàn truyền giáo bắt đầu từ nhà hội, nhưng tại đây họ được tiếp nhận tốt hơn. Trong việc này, Kinh thánh ghi lại rằng: “Những người nầy có ý hẳn hoi hơn người Tê-sa-lô-ni-ca, đều sẵn lòng chịu lấy đạo, ngày nào cũng tra xem Kinh thánh, để xét lời giảng có thật chăng” (Công vụ17:11). Con cái Chúa được khích lệ noi gương các tín hữu tại Bê-rê và thật vậy, có đôi tai lắng nghe lời giảng dạy và không dừng tại đó: tra xem Kinh thánh để biết chắc những điều được nghe đúng với Kinh thánh. Chúng ta cũng cần lưu ý rằng vẫn có những người Tê-sa-lô-ni-ca có tinh thần tích cực. Kinh thánh không ghi lại một hội thánh cụ thể nào tại Bê-rê nhưng viết rất nhiều về Tê-sa-lô-ni-ca và một hội thánh được thành lập tại đó, đây là nơi nhận được hai thư tín của Phao-lô và rất nhiều lời khen về đức tin và công việc yêu thương của họ.

Chúa ban phước cho công việc giảng đạo tại Bê-rê, nhiều người tin Chúa trong đó có một số người đàn bà thuộc tầng lớp cao trong xã hội cũng như một số người đàn ông tin kính. Mặc dù vậy, khi tin tức về phúc âm được rao giảng tại Bê-rê lan truyền đến Tê-sa-lô-ni-ca, những người Do Thái đã sai mấy tên côn đồ của họ đến Bê-rê để khuấy động dân chúng chống lại Phao-lô. Trước khi vấn đề trầm trọng xảy ra, các anh em nghĩ rằng cần phải đưa Phao-lô đi. Họ đã hộ tống ông đến cảng biển rồi bắt chuyến tàu đến thành A-thên. Các anh em chia tay vị sứ đồ tại đây, khi trở về họ mang theo lời nhắn của Phao-lô dành cho Si-la và Ti-mô-thê rằng hãy đến với ông càng sớm càng tốt.

Trong lúc chờ đợi các bạn đồng hành, Phao-lô đi vòng quanh thành A-thên và tâm linh ông bị khuấy động khi nhìn thấy những tượng chạm. Khắp nơi đều có những đền thờ và bàn thờ dựng lên để thờ các thần, điều này khiến cho ông thật tức giận đến nỗi ông bắt đầu biện luận với những người Do Thái tại nhà hội. Rồi ở nơi họp chợ Phao-lô gặp các triết gia theo trường phái Khắc kỷ và Khoái lạc đang tranh luận với nhau. Phao-lô nắm lấy cơ hội để tham gia vào cuộc tranh luận mà làm chứng về Đức Chúa Trời có một và thật, và ông cũng giảng về Đức Chúa Giê-su và sự phục sinh. Phao-lô phát biểu rất quyết liệt và mạnh mẽ khiến một số người cho ông là người nói nhiều. Những người khác muốn nghe điều mới lạ bèn đem Phao-lô đến A-rê-ô-ba và tại Đồi Sao hỏa. Tại đây Phao-lô đã phát biểu về những sự khôn ngoan thế gian và đề cập đến các học giả của chủ nghĩa nhân văn.  Ông nói rằng có rất nhiều thần nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời chân thật, và chính Ngài đã tạo dựng nên muôn loài và không cần điều gì từ con người. Đức Chúa Trời không cần loài người xây dựng đền đài, tượng chạm, bàn thờ hay bất kỳ công trình nào do tay người làm ra. Và Ngài là Đấng cai trị hoàn vũ, tất cả đều dưới sự kiểm soát và trị vì của Ngài, và một ngày trong tương lai khi người chết sống lại Ngài sẽ đoán xét tất cả. Nói đến đây một số người cắt ngang, nhạo báng Phao-lô, đám đông giải tán. Sự việc này mô tả thật rõ ràng cho câu Kinh thánh: “Vì, tại thế gian cậy sự khôn ngoan mình, chẳng nhờ sự khôn ngoan Đức Chúa Trời mà nhận biết Đức Chúa Trời, nên Ngài đành lòng dùng sự giảng rồ dại của chúng ta mà cứu rỗi những người tin cậy” (1Cô 1:21). Tuy nhiên Lời Chúa chẳng trở về trống không, một số người tin đạo trong đó có Đê-ni là một quan tòa ở A-rê-ô-ba và một người phụ nữ tên Đa-ma-ri.  

Phao-lô không dành quá nhiều thời gian tại A-thên bởi việc xây dựng một hội thánh tại đây có vẻ còn xa vời, vậy ông rời đi đến thành Cô-rinh-tô cách đó khoảng bốn mươi dặm (64 km) về phía tây. Si-la và Ti-mô-thê gặp Phao-lô tại A-thên trong một thời gian rất ngắn rồi được sai trở về Tê-sa-lô-ni-ca, và giờ đây họ lại hiệp cùng Phao-lô tại thành Cô-rinh-tô. Tại đây họ đã dành mười tám tháng để giảng dạy Lời Chúa. Chính trong thời gian này hai thư tín gửi cho người Tê-sa-lô-ni-ca được viết, trong mỗi thư tín đều có tên Si-la trong phần lời chào như là một người bạn đồng công của Phao-lô.

Một chương nữa khép lại, chúng ta chia tay người đồng công Si-la trên chiến tuyến truyền giáo của Phao-lô. Ông đã đứng nơi tiền tuyến cùng với Phao-lô và những vết sẹo nơi chiến trường đã chứng minh điều đó. Đối với Phao-lô, Si-la quả là một niềm an ủi và khích lệ khi cùng chung vai sát cánh giữa trận chiến. Đó là nhờ vì những người sẵn sàng mạo hiểm mạng sống và sự bình an của họ mà chúng ta có được lẽ thật ngày nay. Si-la là người luôn sẵn lòng chịu đựng khó nhọc như một người lính giỏi của Đức Chúa Giê-su Christ. Ông đã vác thập tự giá, không màn đến bản thân, và một ngày kia sẽ đội mão triều thiên.

(còn tiếp những người bạn đồng công khác của Phao-lô)

Vinh Hien- Tuong Vi biên soạn

The post Bạn Đồng Hành Với Phao-lô appeared first on Hướng Đi Ministries.

Comments are closed.