-Chú ơi, cho phép cháu đánh giày của chú nhé.
-Được rồi mày hãy làm cho tốt.
Dũng Cầu Mật là tên gọi của thằng bé đánh giày. Cầu Mật là cây cầu bắc ngang một dòng kênh đen sì, hôi hám trên đường Phạm Thế Hiển Quận 8, Sài Gòn. Trong băng nhóm đánh giày gọi nó là Dũng Cầu Mật để phân biệt với Dũng Vườn Chuối, Dũng Đa-kao và những Dũng khác sống lang thang trên các vỉa hè đường phố hành nghề đánh giày kiếm cơm. Dũng cư trú ở Cầu Mật nên có biệt danh đó. Nó nhanh chóng ngồi bệt xuống sàn, lấy đồ nghề từ trong cái thùng gỗ nhỏ và chuẩn bị đánh bóng đôi giày của một người đàn ông trung niên.
-Không cần ngồi đây, mày tháo chiếc giày bên trái ra rồi đến góc hè kia làm việc, xong rồi thì lại đây làm tiếp chiếc còn lại.
-Ô-kê chú, cháu sẽ làm đôi giày này trở thành một đôi giày mới.
Dũng Cầu Mật tháo một chiếc giày của vị khách và đi ra một góc hè bên ngoài của quán ăn bắt đầu công việc. Đầu tiên nó dùng một miếng giẻ lau sạch các bụi bẩn trên chiếc giày. Bước kế tiếp nó dùng một tép chanh chà xát lên toàn bộ phần da giày, lúc này chiếc giày trông có vẻ sạch và sáng lên. Phần đế giày cũng được chải sạch hết bụi bẩn, rồi nó cẩn thận dùng một miếng vải có tẩm xi chà lên phần bề mặt đứng của đế. Bấy giờ nó mới dùng bàn chải trét một lớp xi KIWI rồi chà xát lên bề mặt của chiếc giày, thỉnh thoảng nó dừng lại xịt một tí nước rồi tiếp tục công đoạn này. Sau cùng nó đánh bóng chiếc giày bằng một loại dầu chuyên dụng. Khi nó hoàn thành chiếc giày thứ hai, người đàn ông cũng vừa ăn xong tô phở của mình, ông ta nhìn đôi giày rất hài lòng và đưa cho nó tờ giấy năm mươi ngàn đồng với một nụ cười:
-Mày không cần thối lại tiền.
-Cháu xin cám ơn chú. Thằng bé vui mừng trả lời.
Dũng Cầu Mật vốn là một đứa trẻ thông minh lanh lợi. Nó bắt đầu khởi nghiệp từ ba tháng nay sau khi học xong lớp sáu. Ba nó là một tài xế xe container, mẹ là y tá của Trạm y tế Phường 13, Quận 8. Nó là đứa con đầu lòng trong gia đình, sau nó còn có bé Mai sáu tuổi. Ba mẹ luôn cãi nhau sau khi sanh nó ra, gia đình biến thành một địa ngục trần gian. Thế là Dũng lên đường “bôn tẩu giang hồ” để khỏi phải ngày nào cũng xem phim bạo hành gia đình. Má nó thường xuyên u đầu sứt trán với những trận ra đòn của ba nó. Còn ba nó thì xem như bó tay.com vì hết lái xe là cầm chai rượu. Chiều nào cũng lai rai, say xỉn với bạn bè. Người ta cũng nói ba nó có số đào hoa, lái xe tới đâu là có vợ tới đó. Lục tỉnh miền Tây, nơi nào xe đi qua nơi đó ba nó cũng có tình yêu. Lãng mạn đến thế là cùng!
Trong hoàn cảnh đó Dũng không bỏ nhà ra đi mới là chuyện lạ!
Dũng lang thang từ cầu Chánh Hưng về đường Phạm Hùng rồi rẽ phải vào quán café WIN. Đây là một quán café tương đối lớn ở khu vực này được quản lý bởi một cô chủ quán xinh đẹp. Vài chiếc ô-tô và một dãy các xe hai bánh đủ loại đậu phía trước quán. Dàn nhạc âm thanh vừa phải đang phát những bản tình ca của Trịnh Công Sơn. Nơi đây có vẻ như là một điểm hẹn của nhiều người. Như thường lệ, Dũng quan sát mọi người trong quán bằng cặp mắt nhà nghề, nó dừng lại trước một thanh niên mang đôi giày hiệu Nike:
-Cho phép em đánh đôi giày này anh nhé? Thằng bé rụt rè nói.
-Không được, tao không có nhu cầu, mày đi chỗ khác chơi.
Dũng thẫn thờ nhìn chung quanh. Đột nhiên từ trong quày tiếp tân cô chủ quán đi ra tươi cười:
-Ồ, Khánh mới về Việt Nam phải không, nhìn giày của em kìa, không được sạch lắm, ủng hộ thằng bé đi.
-À chào chị Hồng Sâm, em về được ba ngày rồi, sáng nay đi ngang qua đây không vào quán chị không được. Chị đã bênh vực cho thằng bé. Thôi được nhóc kia, bắt đầu công việc đi.
Dũng từ buồn trở thành vui, nó thầm biết ơn cô chủ quán tốt bụng. Lấy ra từ trong thùng đồ nghề một đôi dép Thái Lan cũ đặt xuống cạnh đôi giày Nike, rồi nhẹ nhàng tháo đôi giày của chàng thanh niên Việt kiều bằng đôi tay điệu nghệ, nó ôm đôi giày đi tới một góc khuất trong quán bắt đầu công việc. Hồng Sâm nói với Khánh:
-Chị biết thằng bé đó – cả lai lịch lẫn tay nghề, em an tâm. Mười phút nữa đôi giày của em sẽ giống như mới.
Khánh cười:
-Thằng bé đó có lẽ nhờ hồng phúc của chị. Đã lâu rồi em không để cho những đứa trẻ chạm tới giày của em. Năm ngoái về Việt Nam, đi ăn trong một quán ở Quận 1, em bị mất đôi giày thật là vô duyên vì tin tưởng những thằng bé đánh giày đường phố.
-Vậy sao, chia buồn với em về chuyện năm ngoái. Bây giờ có kinh nghiệm rồi phải không?
Câu chuyện của hai người đang rôm rả thì thằng bé đánh giày cũng vừa xong công việc, nó mang đôi giày lại cho chủ nhân. Cô chủ quán cười với chàng thanh niên:
-Hôm nay chị sẽ trả tiền đánh đôi giày này xem như là khuyến mãi em đến đây.
Cô chủ quán đưa Dũng tờ hai mươi ngàn. Nó trả lại cho cô mười ngàn:
-Con chỉ xin phép lấy mười ngàn là đúng giá.
-Thế sao, thằng này lịch sự ta, thưởng cho con luôn đó.
Dũng cười gượng gạo, đôi mắt nhìn xa xăm không biết nó vui hay buồn. Nó cũng có một ít lòng tự trọng, không muốn người khác thương hại.
Một hôm quán vắng khách, Dũng Cầu Mật chỉ tay vào tấm bảng hiệu cafe WIN và hỏi chuyện cô chủ quán:
-Chữ WIN có nghĩa là gì hả cô?
-Có nghĩa là chiến thắng.
-Nhưng cô chiến thắng ai?
-Thì chiến thắng bản thân mình, chiến thắng những khó khăn trong cuộc sống. Nói chung là chiến thắng tất cả, vậy đó. Nhưng còn có một ý tưởng khác là hai bên cùng thắng nếu như đang có một tranh chấp nào đó.
-Cô nói như vậy có nghĩa là cả ba và mẹ con cùng thắng được sao?
-Được chứ nếu họ thực sự muốn như thế.
Dũng ngồi thừ người ra, nghĩ ngợi. Hai bên cùng thắng. Hay quá, mình phải trở về nhà giúp cho ba mẹ cùng thắng mới được. Dũng hồi tưởng lại những gì đã xảy ra với ba mẹ nó trước đây …
Ba nó thường xuyên đi xa, có lúc ông phải chở hàng đi tới Cà Mau. Ba thường sống xa nhà trên những chuyến đi, thỉnh thoảng mới về nhà một hai ngày rồi đi tiếp. Về đến nhà, mẹ thường hỏi ba chuyện tiền bạc. Ba bao giờ cũng có đủ lý do để chỉ đưa ra một ít tiền nhỏ giọt cho mẹ. Số tiền còn lại ông mặc sức ăn chơi hoang phí. Tiền bạc làm cho hai người cãi nhau không ngớt. Mẹ luôn luôn nói về ba như một người đàn ông bỏ bê vợ con. Nhưng bà cũng không vừa gì, ở nhà vắng chồng, đôi lúc rảnh rỗi nên sanh ra nông nỗi: chơi số đề, cờ bạc. Có bao nhiêu tiền mẹ đầu tư vào những cuộc đỏ đen. Đó cũng là lý do làm cho ba từ chối đưa thêm tiền cho mẹ. Hai người cãi vả nhau. Sự xung đột trong gia đình lớn dần theo năm tháng. Người chồng theo đuổi những mối quan hệ bất chính với những phụ nữ khác. Người vợ ham mê cờ bạc. Con cái không được giáo dưỡng ngay từ trong gia đình. Rồi ba mẹ mâu thuẫn đánh nhau, con cái lãnh đủ. Ba đã từng đánh đập mẹ, gây thương tích đến nỗi phải đưa vào bệnh viện. Có lần ông nổi nóng quăng hết tất cả đồ đạc trong nhà ra đường. Ba nhất định phải trấn áp và chiến thắng mẹ. Còn mẹ thì không bao giờ chịu khuất phục trước một người chồng vũ phu. Hai người đã “chiến đấu” với nhau đến đổ máu từ khi Dũng biết mở mắt quan sát sự đời. Dũng học các bài học ở Trường nhưng về nhà nó không học được gì với khuôn mặt buồn bã của mẹ và vẻ mặt cau có của ba. Trong hoàn cảnh đó nó tự giải thoát cho mình là ra khỏi nhà, sống bụi đời để trốn chạy một thực tế thương đau.
Địa bàn hoạt động của Dũng chỉ giới hạn tại Q. 8, chỗ nó thường đến là quán café WIN. Trong một phương diện thì số phận của nó có thể thay đổi tùy thuộc vào những con người mà nó tiếp xúc hàng ngày. Và vận may dành cho nó đã đến.
Vào một buổi chiều kia, cô chủ quán café WIN đang ngồi nói chuyện với một người đàn ông là bạn học cũ của cô từ thời tiểu học. Dũng bước vào quán như thường lệ và nó nhìn thấy đôi giày hàng hiệu dưới chân người đàn ông:
-Xin phép bác cho cháu đánh đôi giày của bác?
Người đàn ông còn đang phân vân, thì cô chủ lên tiếng:
-Anh Cường có thể ủng hộ thằng bé này, còn tiền thù lao cho nó quán chúng tôi sẽ trả.
Người đàn ông cao lớn mỉm cười:
-Như vậy không công bằng, tôi sẽ trả tiền cho đôi giày của tôi.
Ông Cường im lặng quan sát thằng bé có khuôn mặt sáng sủa đang chăm chỉ làm việc ngay dưới chân của mình rồi hỏi:
-Nè cháu có muốn đi học nữa không? Tại sao lại bỏ học đi đánh giày?
Dũng chưa kịp trả lời, cô chủ quán mau miệng liền giải thích đầy đủ về hoàn cảnh của thằng bé. Ông Cường lắng nghe chăm chú với vẻ cảm thông và đưa ra một lời đề nghị:
-Nếu cháu muốn, bác có thể giới thiệu cho cháu một mái ấm tình thương mà nơi đó cháu có thể tiếp tục việc học tập thay vì phải đi đánh giày.
Dũng như mở cờ trong bụng:
-Thưa bác cháu muốn.
Từ lần gặp gỡ đó số phận của Dũng đã thay đổi. Ông Cường, một doanh nhân hào phóng đã giới thiệu và đứng ra bảo trợ cho nó đến với mái ấm tình thương được cô Kim Tuyến quản lý ở đường Dương Bá Trạc, Q. 8. Đây là một ngôi nhà nuôi trẻ em đường phố của một Hội từ thiện Cơ đốc. Tại đây Dũng được đi học trở lại sau nửa năm lang thang trên các vỉa hè. Trở về với mái ấm Dũng còn được học Kinh Thánh và không bao lâu sau đó nó đã cầu nguyện tiếp nhận Chúa Jesus làm chủ cuộc đời của mình.
Dũng đã bỏ nhà ra đi để trốn chạy cảnh bạo lực gia đình, nhưng rồi nó cũng đã trở về dưới một mái nhà khác: nhà của tình thương và hy vọng. Nó bắt đầu sống và học tập ở đó nhờ lòng hảo tâm của các nhà tài trợ.
Sáu năm sau đó….
Mùa Thu năm 2013 Dũng thi đậu vào Trường Đại Học Bách Khoa của thành phố. Trước khi nhập học, mục sư Nguyễn Phi, chồng của cô Kim Tuyến dẫn Dũng về nhà thăm ba mẹ, Dũng thưa chuyện:
-Con đã thi đậu Đại Học và chuẩn bị nhập học. Đây là niềm vui của con, nhưng con sẽ vui hơn khi nhìn thấy ba mẹ tin Chúa giống như con vậy. Trong thời gian vừa qua cô Kim Tuyến cũng đã nhiều lần ghé thăm ba mẹ và giới thiệu về Phúc Âm cứu rỗi của Chúa Jesus cho gia đình ta. Hôm nay con về thăm ba mẹ để báo tin vui về việc học tập của con và con cũng rất muốn ba mẹ hãy theo sự hướng dẫn của mục sư đây mà cầu nguyện tiếp nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa.
Mục sư Nguyễn Phi chủ động khai mở câu chuyện:
-Anh chị đã sống cảnh cơm chẳng lành canh chẳng ngọt trong nhiều năm qua. Chúng tôi đã nhiều lần ghé thăm anh chị trước đây. Chúng tôi thấu hiểu và rất thương anh chị trong hoàn cảnh này. Để giải quyết cho những nan đề trong cuộc sống, anh chị cần tình yêu của Chúa Jesus. Có Ngài anh chị sẽ khôi phục được những giá trị gia đình đã vỡ nát. Không có Ngài mọi lời khuyên cũng chỉ là lời khuyên mà thôi. Tôi đến đây hôm nay để hướng dẫn anh chị cầu nguyện tin Chúa?
Ba mẹ của Dũng tự nhiên rơi lệ trước những lời chân tình từ mục sư Phi. Họ bằng lòng cầu nguyện nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa trong ngày hôm đó. Dũng thầm tạ ơn Chúa, trong suốt sáu năm qua không có ngày nào mà nó không cầu nguyện cho ba mẹ. Bây giờ Chúa đã nhậm lời.
Dũng vào Đại Học trong một tâm trạng vui mừng khôn xiết. Chúa Jesus đã thay đổi định mệnh của gia đình nó. Tiếng cười trở lại trong mái ấm của ba mẹ nó. Người ta có thể nào sống được một cuộc đời ý nghĩa nếu không có gia đình? Dũng đã tìm lại được mái nhà của mình trong cả hai phương diện: nhà thuộc thể – tổ ấm của gia đình và nhà thuộc linh chính là Hội thánh địa phương mà nó đang sinh hoạt.
TƯỜNG VI
Dù xa tít nửa tinh cầu
Ta về quận tám thăm người quán Win
Bạn tôi ngày ấy bây giờ
Gặp nhau dưới phố chắc nhìn không ra
Cường Lê – Sâm Nguyễn – Thai Huy
Và chàng Vinh Út một thời xa xôi…
Gặp nhau tại Hồ Kỳ Hòa
Cuộc đời duyên phận nào cùng nâng ly…
Ngày xưa xa thật là xa
Chung Trường Phù Đổng – những ngày tắm mưa
Hồng Sâm rất thích nhảy dây
Cường Lê bi lắc bánh mì cà – rem
Cuộc đời một thoáng mây trôi
Sắc xưa kỷ niệm nhạt nhòa thời gian…
The post Về Dưới Mái Nhà appeared first on Hướng Đi Ministries.