THẬP TỰ GIÁ VÀ SỰ PHỤC SINH

Từ xưa cho đến nay không ai biết chắc hình dáng của cây thập tự trên đó Chúa Giê-xu bị đóng đinh là thế nào. Ngay từ những thế kỷ đầu tiên, Hội Thánh Chúa đã lựa chọn những kiểu thập tự khác nhau, mang ý nghĩa thuộc linh khác nhau.

• Hình cây thập tự Giê-ru-sa-lem: hình cây thập tự lớn, bốn góc có bốn hình thập tự nhỏ, tượng trưng cho bốn vết thương của Chúa khi bị đóng đinh.
• Hình cây thập tự Hy-lạp: có bốn cánh đều nhau, tượng trưng cho bốn phương mà Phúc Âm của Chúa cần được rao truyền; một kiểu khác, thêm bốn chiếc neo ở bốn đầu cánh, tượng trưng cho bốn tác giả của sách Phúc Âm: Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng.
• Hình cây thập tự đặt trên một cái giá ba bậc: tượng trưng cho đức tin, hy vọng và tình yêu.

Cho dù thập tự được chọn theo hình dáng nào vẫn biểu tượng sự hy sinh của Chúa vì tội lỗi nhân loại. Tuy nhiên, thập tự chỉ có giá trị và ý nghĩa khi Đấng Christ sống lại. Vì nếu Chúa không sống lại thì đức tin của chúng ta vào thập tự là dại dột và việc rao truyền về thập tự giá là vô ích.

Trong Mùa Thương Khó – Phục Sinh năm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu để suy niệm, học biết thế nào về Thương khó và sự Phục sinh của Chúa.

NGƯỜI BỊ KẾT ÁN (Giăng 19:1-16). Đọc Phúc Âm, chúng ta nhận biết trong ngày chuẩn bị Lễ Vượt Qua, người ta dẫn Chúa Giê-xu đến quan tổng binh Phi-lát để yêu cầu xét xử. Phi-lát nhận biết Chúa Giêxu vô tội và tìm cách trả tự do cho Chúa nhưng cuối cùng ông bị đẩy vào tình thế khó xử và buộc phải làm theo yêu cầu của đám đông cuồng nộ. Ông lo sợ trước tiếng gào thét vang dội giữa ban trưa của đoàn dân: “Đóng đinh hắn trên cây thập tự”. Cuối cùng, Phi-lát giao Chúa Giê-xu cho người Do Thái đem đóng đinh Ngài trên cây thập tự.

Điều lầm lẫn lớn lao của dân Do Thái và Phi-lát đều nghĩ rằng họ có quyền tha tội hoặc buộc tội, cho dù họ đã nghe Chúa Giêxu khẳng định: “Nếu chẳng phải từ trên cao đã ban cho ngươi, thì ngươi không có quyền gì trên ta; vậy nên, kẻ nộp ta cho ngươi là có tội trọng hơn nữa” (Giăng 19:11).

Buổi xử án xảy ra trong ngày chuẩn bị Lễ Vượt Qua. Đối với dân Do Thái, đây là kỳ lễ rất quan trọng nhằm kỷ niệm Chúa giải thoát họ khỏi tình trạng nô lệ nhà Aicập; nhưng họ đã sai lầm khi cử hành Lễ Vượt Qua, một nghi thức thờ phượng Đức Chúa Trời mà không biết đến Con Đức Chúa Trời đang đứng giữa họ. Họ giết con chiên Lễ Vượt Qua, một nghi thức thờ phượng Đức Chúa Trời nhưng lại không biết người mà họ chuẩn bị giết chính là Chiên Con Lễ Vượt Qua, Đấng duy nhất có thể đưa họ vào sự hiện diện với Đức Chúa Trời. Họ giữ lễ nhưng lại đánh mất mối liên hệ sâu xa và thật sự với Đức Chúa Trời.

Dân Do Thái còn sai lầm khi không nhận biết Chúa Giê-xu là vị Vua thật của họ. Họ đã từ chối Chúa Giê-xu và chấp nhận Sê-sa là vua của họ, Phi-lát cũng tôn sùng Sê-sa vì là người được Sê-sa sử dụng. Dân Do Thái công khai suy tôn, thuần phục quyền bính của Sê-sa, họ tuyên bố: “chúng tôi không có vua nào khác ngoài Sê-sa”. Tất cả đều không nhận biết rằng người họ sắp đóng đinh là Đấng Chúa Tể muôn vật mà rồi đây mọi đầu gối trên trời dưới đất, bên dưới đất thảy đều quỳ xuống suy tôn.

Sự mù lòa tâm linh vẫn còn bao trùm khiến họ không nhìn ra Chúa Cứu Thế của họ. Vì thế trước khi chết, Chúa Giê-xu đã cầu nguyện xin Đức Chúa Cha tha cho họ vì họ không biết mình làm điều gì. (Lu-ca 23:34). Chúng ta nhiều lúc cũng lầm lẫn, cũng phán xét trên căn bản những gì mình đã làm. Chúng ta cũng có thể sai lầm khi giữ những nghi lễ tôn giao bề ngoài, nhưng bên trong đã đánh mất mối tương giao thật với Đức Chúa Trời. Xin Chúa cho chúng ta thật sự nhận biết Chúa để hết lòng tôn thờ và thuần phục ý chỉ của Ngài.

THẬP TỰ GIÁ (Mat 27:32-44) Đối với người Lamã, đóng đinh trên thập tự giá là một hình phạt kinh khiếp và sĩ nhục, còn đối với người Do Thái, ai bị treo trên thập tự là người bị Đức Chúa Trời rủa sả (Phục 21:22,23). Như điều ghi lại trong các sách Phúc Âm. Chúa Giê-xu đã thực sự bị đóng đinh. Ngài đã chết trên thập tự. Ngài đã bị loài người rủa sả. Nhưng điều quan trọng là Chúa Giê-xu bị đóng đinh, chịu chết, chịu rủa sả vì cớ tội lỗi chúng ta. Người bị treo trên thập tự không phải là người bình thường nhưng chính là Con Đức Chúa Trời, Ngài chính là Đức Chúa Trời mang lấy thân xác con người, ở với loài người và chịu khổ cho loài người. Trên thập tự giá, Chúa Giê-xu trở thành hiện thân của tội lỗi vì “mọi tội lỗi chúng ta đều chất lên Ngài” (Ê-sai 53:6). Trên thập tự giá, Chúa Giê-xu trở thành người cô đơn nhất. Khi tất cả tội lỗi nhân loại chồng chất trên cây thập tự, Đức Chúa Trời quay mặt và Chúa Giê-xu đã kêu lên: “Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?” (Mac 15:34). Giữa hai tên trộm cướp cùng bị hành hình, thập tự của Chúa không những vượt cao hơn nhưng cũng vượt thời gian để kéo mọi người đến với Ngài. Thập tự giá của Chúa Giê-xu mang được cắm từ con tim của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu bằng lòng đi con đường thập tự để vâng phục trọn vẹn ý chỉ Đức Chúa Trời, dâng hiến chính Ngài, hành động cao nhất của tình yêu.

Suy niệm về thập tự giá của Chúa, chúng ta cần nhớ lời của Phao-lô: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ,” (Ga-la-ti 2:20). Chúng ta giống với Chúa Cứu Thế trong sự sống, trong chức vụ và trong sự chết của Ngài. Dĩ nhiên, chúng ta không thể chết như cách Ngài đã chết nhưng chúng ta có thể quỳ dưới chân thập tự của Ngài để xưng nhận tội lỗi, để được tha thứ, chữa lành. Tại đó chắc chắn chúng ta sẽ nhận biết ân sủng và tình yêu kỳ diệu của Đấng đã chết vì tội lỗi chúng ta trên cây gỗ để rồi sẵn sàng bước đi theo dấu chân Ngài.

NIỀM VUI PHỤC SINH (Giăng 20:1-18). Đọc Kinh Thánh Tân Ước, cả bốn sách Phúc Âm đều nhắc đến Ma-ri Ma-đơ-len là một trong những người phụ nữ đến thăm mộ Chúa Giê-xu. Riêng sách Phúc Âm Giăng tường thuật khá chi tiết cuộc tiếp xúc đặc biệt của Ma-ri với Chúa trong buổi sáng Phục Sinh.

Trong buổi sáng, trời mờ mờ sương, các bà Ma-ri trên đường đến mộ với tâm trạng nặng nề trước cái chết của người thân yêu. Chính Chúa Giê-xu đã khóc trước mộ La-xa-rơ và bây giờ Ma-ri Ma-đơ-len cũng khóc trước mộ Chúa. Tuy nhiên, có một sự khác biệt ở đây là nhìn vào trong ngôi mộ, bà không thấy xác Chúa, các bà Ma-ri không nghĩ Chúa mình đã sống lại, họ nghĩ rằng xác của Ngài đã bị ai đó dời đi. Cái nhìn của con người về quyền năng vô hạn của Chúa vẫn còn hạn chế. Nhưng với sự Phục Sinh của Chúa, Ngài mở mắt cho các Ma-ri, cho chúng ta thấy Chúa là: “sự sống lại và sự sống đời đời”, điều mà Ngài đã tuyên bố khi Ngài kêu La-xa-rơ sống lại.

Ma-ri và các phụ nữ đi đến mộ với nan đề thực thế mà họ lo lằng: Ai sẽ lăn hòn đá ra khỏi mộ để cho họ vào xức thuộc thơm cho xác Chúa? Đây là tâm trạng của Ma-ri trước Phục Sinh. Nhưng khi đến nơi, họ thấy hòn đá đã lăn ra rồi, họ lại khóc vì không thấy xác Chúa. Họ thắc mắc: người ta đã dời xác Chúa đi đâu? Trước ngôi mộ trống, họ lại đối diện với một loạt những câu hỏi của Thiên sứ: Sao ngươi khóc? Ngươi tìm ai? Sao tìm Đấng sống trong vòng kẻ chết? Nhưng tất cả câu hỏi đó đã được giải đáp khi Ma-ri đối diện với Chúa Phục Sinh.

Kinh nghiệm Phục Sinh trả lời tất cả nhưng nan đề, những câu hỏi trong đời sống chúng ta. Đây là một kinh nghiệm mầu nhiệm, là “điều mắt chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, lòng chưa từng nghĩ đến thì Chúa đã sắm sẵn cho những kẻ yêu mến Ngài.” (1 Cô-rinh-tô 2:9). Cũng như Ma-ri kinh nghiệm Chúa Phục Sinh, chúng ta sẽ kêu lên với niềm vui: “Ra-ba-ni”. Quyền năng Phục Sinh biến đổi cũ thành mới, tội lỗi thành thánh khiết, chết thành sống, tuyệt vọng thành hy vọng, từ đất lên trời. Niềm tin vào Chúa Phục Sinh sẽ mang lại niềm vui và giải quyết mọi nan đề trong cuộc sống chúng ta.

SỰ SỐNG MỚI (Cô-lô-se 3:1-4). Sự kiện Phục Sinh của Chúa Giê-xu là điều hiển nhiên được các tác giả các sách Phúc Âm ký thuật. Các môn đồ của Chúa nổ lực rao truyền biến cố lịch sử này. Tuy nhiên, trong cuộc rao truyền, các môn đồ của Chúa không chỉ nhắc lại một sự kiện lịch sử đã qua nhưng họ còn nhấn mạnh một điều quan trọng, đó là sự kiện Phục Sinh của Chúa liên hệ và tác dụng thế nào đến đời sống của những người tin nhận Ngài.

Trong Cô-lô-se 3:1, Sứ đồ Phao-lô bắt đầu bằng chữ “vậy nếu” để nói đến hiệu quả sự Phục Sinh của Chúa trong đời sống chúng ta. Khi chúng ta liên hiệp với Chúa Cứu Thế, cũng liên hiệp với sự chết và sự sống lại của Ngài. Khi nói “Anh em được sống lại với Đấng Christ”, Phao-lô cho thấy từ khi tiếp nhận Chúa, chúng ta bắt đầu sống bằng sự sống mới của Chúa ban thay cho con người cũ của chúng ta đã chết. Khi chúng ta thực sự liên kết với Ngài, “được sống lại với Ngài” thì đời sống chúng ta có những thay đổi.

Trước hết, nếu chúng ta tin rằng Chúa đã Phục Sinh và chúng ta đã “sống lại” với Ngài thì những ước muốn của chúng ta sẽ thay đổi. Chúng ta không còn ham muốn, tìm kiếm những “sự ở dưới đất” thuộc về thế gian; trái lại, chúng ta tìm kiếm những “sự ở trên trời”, tức những việc thiên thượng. Sự ham muốn của chúng ta thay đổi đến nỗi chúng ta đặt ưu tiên “trước hết tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài,” (Ma-thi-ơ 6:33).

Nhưng ước muốn của chúng ta thay đổi khi nào tâm trí của chúng ta thay đổi. Vì thế, Phao-lô khuyên: “hãy tập trung tâm trí” vào những việc thiên thượng. Sự sống mới trong chúng ta được Chúa Phục Sinh ban cho sẽ thay đổi cái nhìn của chúng ta về cuộc đời cũng như cách chúng ta đối phó với những sự việc xảy ra trong cuộc đời. Chúng ta sẽ thấy những việc thuộc trần gian chỉ là tạm bợ nhưng những gì thuộc về thiên thượng sẽ có giá trị trường tồn. Chính quan niệm này sẽ giúp chúng ta vui mừng và bình an khi đối diện với những khó khăn, đồng thời khiến chúng ta khao khát tìm kiếm những việc nơi thiên thượng.

Khi ước muốn và tâm trí chúng ta thay đổi thì nếp sống của chúng ta cũng thay đổi trong hiện tại cũng như tương lai. Trong hiện tại, con người cũ của chúng ta đã chết và bây giờ càng lúc càng được biến đổi để trở nên giống Chúa. Hiện tại, chúng ta đang sống bằng sự sống của Chúa. Trong tương lai, đời sống chúng ta sẽ hoàn toàn được biến đổi khi Chúa Cứu Thế hiện ra. Chúng ta được bảo đảm rằng đến bấy giờ chúng ta sẽ được hiện ra với Ngài trong sự vinh hiển.

Nguyền xin Chúa ban cho mỗi chúng ta kinh nghiệm diệu kỳ trong dòng huyết báu của Chúa và sức sống Phục Sinh của Ngài để chúng ta vững vàng bước đi theo dấu chân Ngài cho đến ngày gặp Chúa tái lâm. Amen.

Trúc ly

 

Print Friendly, PDF & Email

Comments are closed.