Suy Niệm Về Lễ Tiệc Thánh Đầu Tiên

Là con cái của Chúa, những người đã kết ước đồng chết và đồng chôn với Chúa qua thánh lễ báp tem, và chúng ta đã từng cùng nhau dự thánh lễ Tiệc Thánh vào những ngày đầu tháng hoặc trong dịp lễ Thương khó hay những kỳ hội đồng. Nhưng có lần nào chúng ta thắc mắc, suy niệm và được giải đáp để thấm nhuần ý nghĩa sâu sắc của thánh lễ Tiệc Thánh như thế nào, từ đó, chúng ta hứa nguyện sống cuộc đời thánh khiết và quyết tâm rao truyền sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến hay chưa?

Tại sao Chúa Giê-xu lập lễ Tiệc Thánh nhằm kỳ lễ Vượt Qua?

Trước khi bước lên Thập Tự Giá, Chúa Giê-xu đã lập lễ Tiệc Thánh trong đêm dự lễ Vượt Qua. Đây cũng là bữa ăn tối cuối cùng, là thời điểm Chúa cho các môn đồ biết sẽ có người phản Ngài. Điều này khiến hầu hết các môn đồ đều buồn bực lắm (Ma-thi-ơ 26:20-22).

Sự kiện này xảy ra vào ngày chuẩn bị cho lễ Vượt Qua, tức là ngày 14 tháng Ni-san cũng là ngày thứ nhứt ăn bánh không men. Các môn đồ thưa cùng Chúa Giê-xu “Thầy muốn chúng tôi dọn cho thầy ăn lễ Vượt Qua tại đâu? 18 Ngài đáp rằng: Hãy vào thành, đến nhà một người kia, mà nói rằng: Thầy nói: Giờ ta gần đến; ta và môn đồ ta sẽ giữ lễ Vượt Qua trong nhà ngươi” (Ma-thi-ơ 26:17-18). Bởi vì, người Do Thái ăn lễ Vượt Qua vào tối ngày 14, sau khi mặt trời lặn. Lễ Bánh không Men tiếp theo sau đó từ ngày 15 đến ngày 21 tháng Ni-san.

Không ít người thắc mắc tại sao Chúa Giê-xu lại lập Lễ Tiệc Thánh vào đúng kỳ Lễ Vượt Qua. Có ít nhất 3 lý do:

Thứ nhất: Vì lễ Vượt Qua kỷ niệm ngày Đức Chúa Trời giải phóng dân Y-sơ-ra-ên khỏi ách nô lệ tại Ai-cập, thì lễ Tiệc Thánh được lập để kỷ niệm cuộc giải cứu con người thoát khỏi án phạt của tội lỗi bằng sự chết của Đức Chúa Giê-xu. “Vả, tôi có nhận nơi Chúa điều tôi đã dạy cho anh em: Ấy là Đức Chúa Giê-xu, trong đêm Ngài bị nộp, lấy bánh, 24 tạ ơn, rồi bẻ ra mà phán rằng: Nầy là thân thể ta, vì các ngươi mà phó cho; hãy làm điều nầy để nhớ ta” (I Cô-rinh-tô 11:23).

Thứ hai: Chúa Giê-xu đã thiết lập lễ Tiệc Thánh đúng vào kỳ lễ Vượt Qua trước khi Ngài bước lên Thập Tự để hoàn thành “Giao ước mới”. Vì trong “Giao ước cũ” con người chỉ được đến gần Chúa qua trung gian là thầy tế lễ và con sinh tế chỉ có giá trị tạm thời. Nhưng trong “Giao ước mới” Chúa Giê-xu là sinh tế có giá trị trọn vẹn và Ngài cũng là Thầy tế lễ thượng phẩm để con người có thể đến gần Đức Chúa Trời qua chính Ngài: “không như những thầy tế lễ thượng phẩm khác, cần phải hằng ngày dâng tế lễ, trước vì tội mình, sau vì tội dân;Ngài làm việc đó một lần thì đủ cả, mà dâng chính mình Ngài làm tế lễ” (Hê-bơ-rơ 7:27).

Thứ ba: Việc ăn bánh, uống chén trong lễ Vượt Qua để kỷ niệm sự kiện dân Y-sơ-ra-ên được cứu khỏi ách nô lệ tại Ai-cập. Nhưng khi Chúa Giê-xu lập lễ Tiệc Thánh, việc ăn bánh uống chén có giá trị vĩ đại hơn. Vì hành động đó chứng tỏ chúng ta đang kỷ niệm việc Đức Chúa Giê-xu Christ đã chịu chết vì chúng ta. Mỗi lần ăn bánh, uống chén chúng ta lặp lại một lần nữa lời hứa nguyện tận hiến sống và phục vụ Ngài. Lễ Tiệc Thánh đã thay thế cho lễ Vượt Qua để kỷ niệm một sự giải cứu vĩ đại trải qua các thời đại. I Cô-rinh-tô 11:26 Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến.

Điều gì xảy trong Lễ Tiệc Thánh đầu tiên?

Chính trong lễ Tiệc Thánh đầu tiên do Chúa Giê-xu thiết lập, Ngài đã nói một điều khiến tất cả các môn đồ đều buồn bực và sửng sốt “Khi đương ăn, Ngài phán rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi rằng: Có một người trong các ngươi sẽ phản ta” (Ma-thi-ơ 26:21). Họ không biết Chúa đang nói về ai, họ cũng không dám tin có thể là chính mình “Lạy Chúa, có phải tôi không?” (Ma-thi-ơ 26:22b). Chúng ta không thể biết tất cả ý nghĩ của các môn đồ, nhưng nếu là môn đồ đã theo Chúa hơn ba năm, thì hành động phản thầy của mình là điều không thể chấp nhận được. Dù Chúa Giê-xu biết rõ người đó là ai, nhưng Ngài không chỉ ra một cách công khai mà chỉ đáp “Kẻ nào để tay vào mâm với ta, ấy là kẻ sẽ phản ta.” (Ma-thi-ơ 26:23).  Câu nói này của Chúa Giê-xu nói với các môn đồ ngày trước, nhưng Ngài cũng nhắc nhở chúng ta ngày nay, vì tất cả các môn đồ và chúng ta đều có nguy cơ phản Chúa.

Con người đi, y theo lời đã chép về Ngài; song khốn nạn thay cho kẻ phản Con người! Thà nó chẳng sanh ra thì hơn!” (Ma-thi-ơ 26:24). Sự kiện Chúa Giê-xu sẽ bị bắt và đóng đinh trên Thập Tự là điều chắc chắn sẽ xảy ra như Ngài đã báo trước “18 Nầy, chúng ta đi lên thành Giê-ru-sa-lem, và Con người sẽ bị bắt nộp cho các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo, bọn đó sẽ luận giết Ngài. 19 Họ sẽ nộp Ngài cho dân ngoại hầu để nhạo báng, đánh đập, và đóng đinh trên cây thập tự; đến ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại” (Ma-thi-ơ 20:18-19). Chúa cho người sẽ phản Ngài có cơ hội thay đổi, vì trước đó “14 Bấy giờ có một người trong mười hai sứ đồ, tên là Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, đến tìm các thầy tế lễ cả, 15 mà nói rằng: Các thầy bằng lòng trả cho tôi bao nhiêu đặng tôi sẽ nộp người cho? Họ bèn trả cho nó ba chục bạc. 16 Từ lúc đó, nó tìm dịp tiện để nộp Đức Chúa Giê-xu” (Ma-thi-ơ 26:14-16). Quyết định phản Chúa của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt không làm thay đổi kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua sự chết của Chúa Giê-xu, nhưng thật khốn nạn và tội nghiệp cho người  học trò mà phản thầy “khốn nạn thay cho kẻ phản Con người! Thà nó chẳng sanh ra thì hơn” (Ma-thi-ơ 26:24b).

Vừa nghe Chúa Giê-xu nói vậy, Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã thốt lên “Thưa thầy, có phải tôi chăng?” (Ma-thi-ơ 26:25b). Một số nhà thần học cho rằng đây là câu nói riêng tư giữa Chúa Giê-xu và Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Lẽ ra, Giu-đa Ích-ca-ri-ốt phải thay đổi thái độ và hành động, nhưng ông vẫn không từ bỏ âm mưu phản thầy của mình. Ông cũng không tham dự trọn vẹn lễ Tiệc Thánh đầu tiên ấy, và chắc chắn ông cũng không thể hiểu được ý nghĩa sâu sắc của Thánh lễ này khi Chúa giải thích trong những câu sau đó “Còn Giu-đa, khi lãnh lấy miếng bánh rồi, liền đi ra. Khi ấy đã tối” (Giăng 13:30).

Tôi dự lễ Tiệc Thánh với tinh thần thế nào?

Chữ Tiệc Thánh chỉ được nhắc đến một lần trong I Cô-rinh-tô 11:20. Nhưng ý nghĩa lễ Tiệc Thánh đầu tiên vẫn còn có giá trị mãi đến lúc Đức Chúa Giê-xu Christ trở lại, khi chúng ta cùng Ngài dự Tiệc Cưới Chiên Con. Nhưng hiện nay, mỗi lần dự Thánh lễ này chúng ta cần nhớ đây là lễ cảm tạ (Eucharist) như lời Chúa phán “Hãy lấy ăn đi, nầy là thân thể ta. 27 Ngài lại lấy chén, tạ ơn rồi, đưa cho môn đồ mà rằng: Hết thảy hãy uống đi; 28 vì nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội” (Ma-thi-ơ 26:26b-28). Chúng ta tạ ơn Đức Chúa Trời về công lao cứu chuộc của Đức Chúa Giê-xu Christ vì tội lỗi của chúng ta.

Hãy dự lễ với tinh thần tương thông, tương giao (Communion) với Chúa theo chiều đứng từ dưới lên trên của Thập tự giá và với các tín hữu khác theo chiều ngang của Thập tự giá.

Trong lúc ăn bánh và uống chén chúng ta cần cung kính, lặng lẽ, thầm nguyện, ngẫm về sự chết của Chúa Giê-xu và lời hứa Ngài sẽ tái lâm. Từ đó, chúng ta cần tri ân Đức Chúa Trời bằng hành động cụ thể như lời của sứ đồ Phao-lô “Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến” (I Cô-rinh-tô 11:26). Dự Tiệc Thánh cũng là dịp chúng ta được tương giao với Chúa và thông công với anh em cùng đức tin trong tình yêu thương và sự chia sẻ.

Ti-mô-thê Tạ

The post Suy Niệm Về Lễ Tiệc Thánh Đầu Tiên appeared first on Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.

Print Friendly, PDF & Email

Comments are closed.