II Sử Ký 20:5-17
“…Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng tôi! Ngài há chẳng phải là Chúa ở trên các từng trời sao? Há chẳng phải Đấng quản trị muôn dân muôn nước sao? Ở nơi tay Chúa có quyền thế năng lực, chẳng ai chống trả Chúa cho nổi” (II Sử Ký 20:6).
Câu hỏi suy ngẫm: Vua Giô-sa-phát và dân Chúa đang làm gì? Vua nhận biết Đức Chúa Trời là Đấng thế nào? Vua dùng lý do nào để cầu xin sự giải cứu? Quí vị để mắt và lòng mình nơi đâu khi gặp khó khăn?
Vua Giô-sa-phát kêu cầu cùng “Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng tôi” (câu 5-6) nói lên mối liên hệ giữa Chúa với dân Ngài. Vua nhận biết Chúa là Đấng quản trị hoàn vũ, chẳng ai chống trả nổi quyền năng Ngài. Vua ý thức Ngài không chỉ là Đức Chúa Trời của tổ phụ họ mà còn là của chính họ (câu 7). Ngài đã làm ơn cho họ khi ban xứ này “cho dòng dõi Áp-ra-ham, là bạn hữu Chúa”. Họ đã nhận lãnh, ở trong xứ và cất một Đền thánh cho Danh Chúa để thờ phượng Ngài. Nơi đây, khi gặp tai họa, chiến tranh… họ đến để kêu cầu, Ngài luôn lắng nghe và giải cứu.
Giờ đây, đối diện với kẻ thù, vua cùng toàn dân kêu cầu Chúa. Vua nhắc lại lịch sử dân Y-sơ-ra-ên lúc từ xứ Ê-díp-tô đi lên, Chúa không cho phép họ tấn công ba dân tộc này. Dân Chúa đã vâng lời. Nhưng giờ đây, họ không màng đến công ơn ấy mà lại tấn công dân Ngài, chẳng lẽ Ngài không đoán phạt họ sao? (câu 12). Kết quả lời kêu cầu của vua và dân chúng là họ được Chúa lắng nghe, yên ủi, khích lệ qua lời của ông Gia-ha-xi-ên, được “Đức Giê-hô-va ở cùng” (câu 17) và chiến thắng (câu 24).
Ở đây, chúng ta thấy mối liên hệ mật thiết giữa Chúa với dân Ngài. Chúa đã làm ơn cho họ trong quá khứ và Ngài sẽ còn làm ơn khi họ tiếp tục tin cậy và vâng lời Ngài. Tổ tiên của họ là bạn của Chúa thì giờ đây họ vẫn còn là bạn của Ngài khi họ tiếp tục thờ phượng, giữ mối tương giao với Ngài và vâng lời Ngài (Giăng 15:14). Vua cũng đã cất lên lời cầu xin với một lương tâm trong sạch, biết mình và dân chúng đang ở cùng một phía với Chúa, họ không làm điều sai quấy, tội lỗi. Vua cầu xin Chúa nhìn thấy họ là những người làm theo lẽ phải và nhìn thấy hành động vô ơn của kẻ thù.
Trong cơn hoạn nạn vua và dân chúng nhìn biết Chúa là Đấng đem lại an toàn, giải thoát khỏi mọi khó khăn, Đấng đoán xét để đem lại công bằng cho họ. Họ đã kêu cầu Chúa và nhận được lời an ủi của Ngài “Chớ sợ, chớ kinh hãi… Vì trận giặc này… là của Đức Chúa Trời” (câu 15). Ngài sẽ là Đấng đánh trận cho họ. Khi gặp khó khăn chúng ta cũng phải học theo gương của Vua Giô-sa-phát để không nhìn vào khó khăn của mình nhưng nhìn vào Đấng trong tay có quyền thế, năng lực, chẳng ai chống trả nổi (câu 6) và để mắt mình “ngửa trông Chúa” (câu 12).
Bạn có tuyệt vọng khi nhìn vào hoàn cảnh hết sức khó khăn không?
Lạy Chúa, nguyện xin trong lúc khó khăn con không nhìn vào những nan đề nhưng biết ngửa trông Chúa với một lương tâm trong sạch và lòng tin chắc sẽ được Ngài lắng nghe, giải cứu theo cách của Ngài.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Mác 1:1-39
Kênh Youtube BHKTHN:
The post Ngửa Trông Chúa Khi Gặp Khó Khăn – 26/5/2023 appeared first on Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.