Mặc Khải Phổ Quát

Sự Khải Thị Phổ Quát Là Gì?

Theo một nghĩa nào đó, chủ đề của Kinh Thánh là thực tế về sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời làm cho chính Ngài được nhận biết để chúng ta là những tạo vật thông minh của Ngài có thể hiểu biết Ngài và thiết lập mối liên hệ cá nhân với Ngài. Bởi vì Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo và bảo tồn hoàn vũ. Các tạo vật tự làm chứng về lẽ thật này. Do đó, Kinh Thánh mô tả sự khải thị của Đức Chúa Trời thông qua những con đường – có thể được phân loại là sự mặc khải phổ quát và sự mặc khải đặc biệt. Sự mặc khải chung hay khải thị phổ quát thì luôn có sẵn cho tất cả mọi người trong suốt mọi thời đại. Còn sự khải thị đặc biệt là khải thị mà Đức Chúa Trời ban cho những con người cụ thể trong một thời gian đặc biệt. Những phạm trù này đôi khi được dán nhãn tương ứng là mặc khải “tự nhiên” và “siêu nhiên”, cho thấy rằng mặc khải phổ quát được truyền đạt thông qua các hiện tượng tự nhiên trong khi mặc khải đặc biệt được truyền đạt thông qua sự can thiệp siêu nhiên. Cả hai hình thức mặc khải này được đề cập trong Thi thiên 19. Đa-vít viết, “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời,

Bầu trời giãi tỏ công việc tay Ngài làm.

Ngày nầy giảng cho ngày kia,

Đêm nầy tỏ sự tri thức cho đêm nọ.

Chẳng có tiếng, chẳng có lời nói;

Cũng không ai nghe tiếng của chúng nó.

Dây đo chúng nó bủa khắp trái đất,

Và lời nói chúng nó truyền đến cực địa.

Nơi chúng nó Ngài đã đóng trại cho mặt trời” (câu 1-4)

Các câu này bày tỏ rằng các tạo vật bày tỏ ra sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Đa-vít cũng viết, “Luật pháp của Đức Giê-hô-va là trọn vẹn, bổ linh hồn lại; Sự chứng cớ Đức Giê-hô-va là chắc chắn, làm cho kẻ ngu dại trở nên khôn ngoan.  Giềng mối của Đức Giê-hô-va là ngay thẳng, làm cho lòng vui mừng; Điều răn của Đức Giê-hô-va trong sạch, làm cho mắt sáng sủa.  Sự kính sợ Đức Giê-hô-va là trong sạch, hằng còn đến đời đời; Các mạng lịnh của Đức Giê-hô-va là chân thật, thảy đều công bình cả.  Các điều ấy quí hơn vàng, thật báu hơn vàng ròng; Lại ngọt hơn mật, hơn nước ngọt của tàng ong.  Các điều ấy dạy cho kẻ tôi tớ Chúa được thông hiểu;

Ai gìn giữ lấy, được phần thưởng lớn thay.” (câu 7-11) Trong những câu này tác giả đề cập đến những giá trị của “luật pháp Đức Giê-hô-va.”

CÁC HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG CỦA KHẢI THỊ PHỔ QUÁT

Kinh Thánh dạy rằng Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài cho tất cả mọi người xuyên qua các công trình sáng tạo kỳ diệu của Ngài và đặc biệt là xuyên qua con người của chúng ta. Nhận thức về thế giới và vũ trụ mênh mông rộng lớn vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta chắc chắn sẽ gợi lên câu hỏi, “tất cả những điều này đến từ đâu?” Cho đến nay những nhà tư tưởng suy ngẫm về câu hỏi đó đã luôn trả lời rằng chúng đến bởi Đức Chúa Trời. Chính sự tồn tại của vũ trụ đòi hỏi một “nguyên nhân” cuối cùng – phải có một Đấng sáng tạo. Tất cả sự hài hòa, phức hợp của toàn thể vũ trụ chỉ chúng ta đến với một Đấng thiết kế vô cùng khôn ngoan.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa duy vật, cả hai đều phủ nhận những gì thuộc về siêu nhiên, đã ảnh hưởng đến một số người khiến họ phủ nhận sự tồn tại của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên những bằng chứng từ công trình sáng tạo thuyết phục chúng ta nhận biết sự thực hữu của Ngài. Thuyết Big Bang phổ biến về nguồn gốc của vũ trụ chỉ ra sự khởi đầu và vô hình trung chỉ về một Đấng Sáng tạo. Các thiết kế phức hợp và phức tạp trong tự nhiên ngày càng đưa ra bằng chứng về việc có một Nhà thiết kế cực kỳ thông minh cho cả vũ trụ này.

Tất cả những sự bày tỏ trên đây khiến cho Henry Wadsworth Longfellow đã viết, “Thế giới tự nhiên là sự mặc khải về Đức Chúa Trời; nghệ thuật là sự bày tỏ về con người.” Những công việc  của cá nhân bày tỏ ra khả năng của người đó, vì vậy toàn thể vũ trụ phô bày ra các thuộc tính của Đức Chúa Trời. “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời,

Bầu trời giãi tỏ công việc tay Ngài làm.”

(Thi thiên 19:1)

“Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” đề cập đến chính bản chất của Đức Chúa Trời được hiển hiện. Đây là sự phô bày các đặc tánh của Ngài.

Phao-lô viết rằng thế giới tự nhiên bày tỏ ra các thuộc tính của Thiên Chúa. Khi giảng dạy cho những người mà không nhận được bất kỳ sự mặc khải đặc biệt nào, ông nói, “Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được, vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm.” (Rô-ma 1:19-21)

Sự sáng tạo của Đức Chúa Trời bày tỏ “quyền năng đời đời” và “bản chất thần thánh” – các phẩm chất này bày tỏ Ngài là Đức Chúa Trời và Ngài xứng đáng để các tạo vật thờ phượng. Mặc dù Ngài không phải là một phần của tự nhiên, như một số tôn giáo khẳng định, và mặc dù Ngài vô hình, nhưng Đức Chúa Trời vẫn được bày tỏ trong công việc của Ngài. Chúng mang dấu ấn của Ngài rõ ràng đến nỗi không ai có thể thoát khỏi sự thật về sự tồn tại của Ngài. Richard Wurmbrand (1909-2001), một người nổi tiếng về sự chịu khổ vì Phúc âm trong tư cách là một nhà truyền giáo dưới chế độ cộng sản tại đất nước Romania, ông đã kể một cuộc đối thoại của cặp vợ chồng người Nga là những nhà điêu khắc và đã được dạy cả đời rằng không có Chúa sau đây:

Một lần nọ, chúng tôi thực hiện việc điêu khắc pho tượng của Stalin, vợ tôi hỏi: “Chồng ơi, ngón tay cái thế nào? Nếu chúng ta không thể đối lập ngón tay cái với các ngón tay khác – nếu các ngón tay của bàn tay giống như ngón chân – chúng ta không thể cầm một cái búa, một cái vồ, một cuốn sách, một mẩu bánh mì hay bất kỳ dụng cụ nào. Cuộc sống của con người sẽ là cực kỳ khó khăn nếu không có ngón tay cái nhỏ bé này. Nào, ai đã tạo ra ngón tay cái? Cả hai chúng ta được học về chủ nghĩa Mác ở trường dạy rằng bầu trời và mặt đất tự nhiên mà có. Chúng không phải là tạo vật của Thiên Chúa. Tôi học như thế và được bảo phải tin như thế. Nhưng nếu Thiên Chúa không sáng tạo bầu trời và mặt đất, và Ngài chỉ tạo ra ngón tay cái mà thôi, thì Ngài cũng sẽ đáng được ca ngợi vì điều nhỏ bé này.

Chúng ta ca ngợi Edison, Bell và Stephenson là những người phát minh ra bóng đèn điện, điện thoại, đường ray xe lửa và những điều khác. Nhưng tại sao chúng ta không ca ngợi người làm ra ngón tay cái? Nếu Edison không có ngón tay cái, liệu ông ta có phát minh ra được thứ gì không? Vậy nên điều đúng đắn là thờ phượng Thiên Chúa là Đấng làm nên ngón tay cái.

Ông chồng nghe vợ nói và trở nên rất giận dữ… “Đừng nói cách ngu muội. Bà đã được dạy rằng không có Đức Chúa Trời. Bà không biết là ngôi nhà chúng ta có bị nghe trộm hay sao, chúng ta sẽ có thể gặp vào rắc rối với những lời nói của bà. Hãy ghi nhớ một lần và mãi mãi rằng không có Thiên Chúa. Ở trên thiên đường không có ai cả.”

Người vợ trả lời, “Đây là một điều ngạc nhiên hơn nữa. Nếu trên thiên đàng có Đức Chúa Trời toàn năng mà tổ tiên chúng ta tin tưởng trong sự ngu ngốc, và điều tự nhiên là chúng ta có những ngón tay cái. Đức Chúa Trời toàn năng có thể làm được mọi điều, vì vậy Ngài có thể tạo ra ngón tay cái nữa. Nhưng nếu trên thiên đàng không có ai, thì đối với tôi, tôi quyết định tôn thờ hết cả tấm lòng mình với “Không có ai” là người đã tạo ra ngón tay cái.

Bạn nghĩ sao về câu chuyện này?

Ngay cả các quá trình liên tục của tự nhiên để duy trì sự sống và hoạt động cũng cung cấp bằng chứng về sự hiện diện của Đức Chúa Trời.  “Ngài cứ làm chứng luôn về mình, tức là giáng phước cho, làm mưa từ trời xuống, ban cho các ngươi mùa màng nhiều hoa quả, đồ ăn dư dật, và lòng đầy vui mừng.” (Công vụ 14:17, cũng xem 17:24-27). Chúng ta thường gọi các thảm họa là “hành động của Chúa” nhưng các sứ đồ công bố rằng những hoạt động bình thường có lợi của thiên nhiên mà chúng ta thường coi là bằng chứng về sự thực tại của Chúa. Ví dụ như Chúa Giê-su dạy rằng chim trời và hoa huệ ngoài đồng vẫn được Cha thiên thượng chăm sóc (Ma-thi-ơ 6:26-30). Các hiện tượng của tự nhiên bày tỏ ra sự thực hữu của Thiên Chúa và một số điều về thuộc tánh của Ngài cho tất cả mọi người, “Mặt trời ra từ phương trời nầy. Chạy vòng giáp đến phương trời kia; Chẳng chi tránh khỏi hơi nóng mặt trời được.” (Thi thiên 19:6)

Vượt ra ngoài sự phức tạp của cơ thể, như chúng ta thấy trong cuộc đàm thoại của cặp vợ chồng người Nga về ngón tay cái, bản chất con người chúng ta bày tỏ ra các thuộc tánh của Đức Chúa Trời. Khi nói chuyện với cư dân thành A-thên, là những người thờ vô số thần tượng, trong đó có “thần không biết,” Phao-lô phản đối việc thờ phượng tất cả các bàn thờ do con người tạo ra bằng cách chỉ vào bản chất của chúng ta. “Vì tại trong Ngài, chúng ta được sống, động, và có, y như xưa một vài thi nhân của các ngươi có nói rằng: Chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài. Vậy, bởi chúng ta là dòng dõi Đức Chúa Trời, thì chớ nên ngờ rằng Chúa giống như vàng, bạc, hay là đá, bởi công nghệ và tài xảo của người ta chạm trổ nên” (Công vụ 17:28-29). Phao-lô nói rằng nếu chúng ta là những tạo vật của Đức Chúa Trời, thì ít nhất Ngài cũng kỳ diệu như chúng ta, và điều đó có nghĩa rằng Ngài là một thân vị sống động.

Trước đó nhiều thế kỷ, tiên tri Ê-sai cảnh báo những người nghĩ rằng họ sẽ thoát khỏi trách nhiệm về những hành động xấu xa của họ. Ông viết, “Khốn thay cho những kẻ giấu kín mưu mình cách thẳm sâu khỏi Đức Giê-hô-va, làm việc mình trong xó tối, và nói rằng: Ai thấy ta, ai biết ta?  Các ngươi thật là trái ngược quá, há nên xem người thợ gốm như đất sét sao? Đồ vật há được nói về kẻ làm nên mình rằng: Nó chẳng làm ra ta? Cái bình há được nói về kẻ tạo mình rằng: Nó chẳng có trí hiểu đâu” (Ê-sai 29:15-16). Tương tự như vậy, trước giả Thi thiên cũng viết, “Hỡi kẻ ngu dại, bao giờ các ngươi mới khôn ngoan?

Đấng đã gắn tai há sẽ chẳng nghe sao? Đấng đã nắn con mắt há sẽ chẳng thấy ư?”  (Thi thiên 94:8-9). Về bản chất, Đức Chúa Trời phán, “Hãy nhìn vào chính các ngươi. Bản chất và những khả năng của các ngươi chỉ đến Ta, Đấng tạo dựng các ngươi, Đấng vĩ đại hơn các ngươi.”

Một cách khác mà sự mặc khải phổ quát khẳng định sự hiện hữu của Đức Chúa Trời là tiến trình lịch sử loài người, mà Ngài luôn kiểm soát. Là Đấng kiểm soát lịch sử, Ngài bày tỏ chính Ngài trong những sự kiện của con người. Khi giảng cho cư dân A-thên trên ngọn đồi Mars, Phao-lô công bố rằng, “Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người và khiến ở khắp trên mặt đất, định trước thì giờ đời người ta cùng giới hạn chỗ ở, hầu cho tìm kiếm Đức Chúa Trời, và hết sức rờ tìm cho được, dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta.  Vì tại trong Ngài, chúng ta được sống, động, và có, y như xưa một vài thi nhân của các ngươi có nói rằng: Chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài” (Công vụ 17:26-28). Nê-bu-cát-nết-sa là vua của đế quốc Ba-by-lôn phải học tập khó khăn để cuối cùng nhận biết rằng “Đấng Rất Cao cai trị trong nước của loài người, và Ngài muốn ban cho ai tùy ý” (Đa-ni-ên 4:32, cũng xem 4:34-37). Lẽ thật trong Châm ngôn 14:34, “Sự công bình làm cho nước cao trọng; Song tội lỗi là sự hổ thẹn cho các dân tộc” là điều hiển nhiên đối với tất cả những học sinh có tư duy về lịch sử.

Luật pháp mà Đức Chúa Trời viết một cách tự nhiên trong lòng con người là một sự khẳng định khác về mặc khải phổ quát. Đấng sáng tạo quyền năng cũng là Đấng ban cho luật đạo đức và phán xét. Mỗi người đều có cảm nhận về điều đúng và sai. “Vả, dân ngoại vốn không có luật pháp, khi họ tự nhiên làm những việc luật pháp dạy biểu, thì những người ấy dầu không có luật pháp, cũng tự nên luật pháp cho mình.  Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: Chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình” (Rô-ma 2:14-15).

Vị sứ đồ cũng nói rằng chúng ta dùng tri thức về đúng sai để phán xét người khác, nhưng tiếc rằng nó không có sức mạnh để khiến chúng ta thực hiện những gì đúng. Ông kết luận, “hỡi người kia, ngươi là ai mặc lòng, hễ đoán xét kẻ khác thì không thể chữa mình được; vì trong khi đoán xét họ, ngươi cũng lên án cho chính mình ngươi nữa, bởi ngươi đoán xét họ, mà cũng làm các việc như họ” (2:1). Immanuel Kant đi tới kết luận rằng có hai điều  lấp đầy tấm lòng con người: “bầu trời đầy sao ở trên và luật đạo đức bên trong.” Mặc dù  từ chối thẩm quyền của Kinh Thánh, cảm giác về “lẽ phải” này đã khiến ông  tin vào thực tại của Chúa. C. S. Lewis đã làm chứng rằng thực tế về luật đạo đức này đã đưa Immanuel Kant ra khỏi chủ nghĩa vô thần.

Một số nhà khoa học xã hội phản đối rằng luật đạo đức mà chúng ta tìm cách vận hành thông qua lương tâm của mình chỉ là sản phẩm của xã hội chúng ta. Họ nói rằng chúng được đặt ở đó bởi môi trường giáo dục của chúng ta. Đúng vậy, chúng ta có thể đã học được một số quy tắc cư xử có thể chấp nhận được từ cha mẹ mình hoặc từ những người khác, nhưng điều này không chứng minh rằng: thực tế của các qui luật này là sản phẩm của thầy giáo, hay bảng cửu chương, mà chúng ta đã học ở trường học, là sản phẩm của giáo viên chúng ta.

Hơn nữa, mặc dù có sự khác biệt đáng kể về quy tắc đạo đức giữa các xã hội, nhưng có những điểm tương đồng đáng kinh ngạc ở các cấp độ cơ bản. Chúng ta thường nghe rằng ở một số nền văn hóa, kẻ trộm hoặc kẻ gian xảo được đánh giá cao, trong khi ở những nền văn hóa khác, chúng bị xem là những kẻ vô lại, bị ruồng bỏ. Ngày hôm nay nhiều người tin rằng các tiêu chuẩn đạo đức là hoàn toàn mang tính cá nhân. Họ nói không có mã phổ quát của điều đúng và sai ràng buộc tất cả mọi người. Nhưng thử nghiệm thực sự về ý thức đạo đức của chúng ta với tư cách là con người không nằm ở những gì chúng ta đưa ra trong các hành động đối với người khác hoặc thậm chí ở những gì bản thân chúng ta nghĩ là đạo đức hay vô đạo đức. Sự mặc khải thực sự của các qui luật đánh giá điều đúng điều sai đến trong những gì chúng ta giải thích có liên quan đến chính bản thân. Một kẻ cắp có thể nhận được sự tôn trọng giữa vòng một số người của nó, khi nó ăn cắp của người khác, nhưng nó không chấp thuận ăn cắp khi điều đó chống lại chính bản thân! Tương tự như vậy, việc giết người khác có thể là một điều vinh dự đối với một số người, nhưng có ai cảm thấy điều đó là tốt khi người bạn thân nhất của mình bị giết hoặc chính bản thân mình bị giết không? Khi được đánh giá theo cách này, chúng ta nhanh chóng thấy rõ rằng mặc dù các tiêu chí đạo đức của chúng ta có phần bị xoay chuyển vì tội lỗi, nhưng các tiêu chuẩn sâu xa của đúng và sai vẫn là điều phổ biến đối với tất cả mọi người.

Cảm giác đúng và sai, và cảm giác khó chịu xuất hiện khi chúng ta vi phạm tiêu chuẩn nào đó, thì làm chứng cho mọi người về một Đức Chúa Trời tạo ý thức đạo đức trong tâm trí con người. “ý thức ở trong tôi là tôi mắc một món nợ,” Robert Browning đã viết, “Bạn phải bảo đảm rằng phải có một ai đó sẵn sàng trả món nợ khi đến hạn. Tất cả đều đi đến điều này: đến hạn phải trả nợ. Chúng ta phải tìm kiếm người chấp nhận trả nợ khi đến hạn.”

Nếu một mình chúng ta là người xây dựng nên bản chất đạo đức của chúng ta, thì tội lỗi sẽ không có vấn đề gì – chỉ cần thay đổi tiêu chuẩn, và ý thức về đạo đức sẽ không còn nữa, cùng với cảm giác tội lỗi cho những hành động không phù hợp. Nhưng chỉ những kẻ giết người – mà chúng ta thừa nhận là bất thường – mới có khả năng sống mà không có lương tâm đạo đức. Mỗi người bình thường đều có một ý thức về “trách nhiệm” đạo đức, đó là định nghĩa rằng họ đang “đáp trả” một người nào đó bên ngoài mình- Một ai đó đã viết ra một tiêu chuẩn về sự công bình trong tấm lòng của tất cả mọi người.

KẾT QUẢ (HIỆU ỨNG) CỦA MẶC KHẢI PHỔ QUÁT

Bởi vì có sự mặc khải phổ quát dẫn đến thực tế là mọi người có một số kiến thức không chỉ đơn giản về một vị thần, nhưng là một Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật của Kinh Thánh. Phao-lô đã giải thích điều này cho cư dân ở A-thên, “Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong đó, là Chúa của trời đất, chẳng ngự tại đền thờ bởi tay người ta dựng nên đâu. Ngài cũng chẳng dùng tay người ta hầu việc Ngài dường như có cần đến sự gì, vì Ngài là Đấng ban sự sống, hơi sống, muôn vật cho mọi loài. Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người và khiến ở khắp trên mặt đất, định trước thì giờ đời người ta cùng giới hạn chỗ ở » (Công vụ 17 :24-26). Vì vậy mọi người phải “tìm kiếm Đức Chúa Trời, và hết sức rờ tìm cho được, dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta” (câu 27).

Những lời của Phao-lô về sự khải thị của Đức Chúa Trời cho những ai từ chối Ngài thậm chí còn rõ ràng hơn kiến thức của họ về Đức Chúa Trời: “Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được, vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm” (Rô-ma 1:19-21). Đó là tri thức về Đức Chúa Trời chân thật được nhìn thấy từ những lời của vị sứ đồ nói với những người “biết Đức Chúa Trời mà không làm sáng danh Ngài.”  Họ biết Đức Chúa Trời, nhưng không tôn kính Ngài (câu 21). Họ là những người “không tin kính và mọi sự không công bình của những người dùng sự không công bình mà bắt hiếp lẽ thật” (câu 18). Các hình tượng và những tà thần họ thờ lạy là kết quả của hành động từ chối Đức Chúa Trời, và thay thế vào đó là các triết lý, suy nghĩ của riêng họ và lựa chọn thờ lạy các thần hư không khác. “Họ tự xưng mình là khôn ngoan, mà trở nên điên dại…vì họ đã đổi lẽ thật Đức Chúa Trời lấy sự dối trá, kính thờ và hầu việc loài chịu dựng nên thế cho Đấng dựng nên, là Đấng đáng khen ngợi đời đời! A-men” (1:22, 25)

Mục đích của mặc khải phổ quát là khiến con người tìm kiếm Đức Chúa Trời trong tình trạng tội lỗi của mình.  Vấn đề cơ bản ở đây không nằm trong trí tuệ, nhưng là ý chí. Tội lỗi đã đi vào thế giới khi tổ phụ con người bị cám dỗ muốn trở nên ngang bằng Đức Chúa Trời (Sáng. 3:5). Con người từ chối đầu phục Đức Chúa Trời chân thật. Họ chọn chính mình làm trung tâm thay vì nhường vị trí đó cho Đấng tối cao. Từ cơ sở không đúng đắn và biến thái này, họ tìm cách xây dựng một triết lý sống thỏa mãn. Họ đưa ra ý nghĩa riêng của họ cho dữ liệu của sự mặc khải chung hơn là thừa nhận Đức Chúa Trời và tìm cách hiểu mọi thứ từ quan điểm của Ngài.

Tuy nhiên, sự mặc khải phổ quát vẫn phục vụ các mục đích của Đức Chúa Trời. Bởi vì tri thức về Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật đã được ban cho các tạo vật và đến với mỗi người. “bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được” (1:20). Không ai có thể biện minh được trước mặt Thiên Chúa là tôi không biết Ngài. “Vả, dân ngoại vốn không có luật pháp, khi họ tự nhiên làm những việc luật pháp dạy biểu, thì những người ấy dầu không có luật pháp, cũng tự nên luật pháp cho mình.  Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: Chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình.  Ấy là điều sẽ hiện ra trong ngày Đức Chúa Trời bởi Đức Chúa Giê-su Christ mà xét đoán những việc kín nhiệm của loài người, y theo Tin lành tôi” (2:14-16). Một ngày trong tương lai mọi người sẽ ra trước mặt Chúa để được phán xét – đây là điều mà Phao-lô luận giải. Vị trí không thể bào chữa của mọi người được thể hiện rõ ràng bởi thực tế là tất cả họ đều có xu hướng đánh giá người khác bằng ý thức bẩm sinh của họ về đúng và sai. Họ cáo buộc người khác làm điều sai, thì chính những cáo buộc này cũng chỉ thẳng về phía họ. “Vậy, hỡi người kia, ngươi là ai mặc lòng, hễ đoán xét kẻ khác thì không thể chữa mình được; vì trong khi đoán xét họ, ngươi cũng lên án cho chính mình ngươi nữa, bởi ngươi đoán xét họ, mà cũng làm các việc như họ. Vả, chúng ta biết rằng sự phán xét của Đức Chúa Trời đối với kẻ làm những việc như thế, là hiệp với lẽ thật.  Hỡi người đoán xét kẻ phạm những việc dường ấy mà mình cũng phạm kia, vậy ngươi tưởng rằng chính mình ngươi sẽ tránh khỏi sự phán xét của Đức Chúa Trời sao?” (2:1-3). Trong khi mặc khải phổ quát không nói với chúng ta về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời và giải pháp xử lý vấn đề tội lỗi của con người, thì nó chỉ ra nhu cầu này.

Sự mặc khải phổ quát cũng   góp phần bảo tồn xã hội và văn hóa loài người. Những ý tưởng về lẽ thật và sự giả dối, công lý và bất công, giúp duy trì trật tự giữa các dân tộc, có nguồn gốc từ sự mặc khải này. Nói ngắn gọn, sự mặc khải phổ quát giúp kiểm tra xu hướng tội lỗi ngăn ngừa sự hỗn loạn và thoái hóa của xã hội loài người. Còn nếu để bản chất con người phóng túng theo tội lỗi thì sẽ sớm đưa nền văn minh đến chỗ kết thúc.

Ngoài ra, thực tế là tất cả mọi người nhận thức về Thiên Chúa qua sự mặc khải phổ phục vụ cho nhiệm vụ truyền giáo. Phao-lô nhận thấy cư dân ở A-thên có “đầy dẫy các hình tượng” trong đó bao gồm luôn vị “thần không biết”. Vì vậy ông sử dụng nhận thức này của người A-thên để chỉ cho họ một Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật được bày tỏ qua Chúa Giê-su Christ (Công vụ 17:16-31). Mặc dù thực tế là nhiều người trong thời gian gần đây không đưa ra cùng một bằng chứng công khai về bản chất tôn giáo như người A-thên với các thần tượng của họ. Kinh Thánh dạy về sự mặc khải phổ quát nói rằng khi họ nhận thức về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, và điều này đóng vai trò như một điểm liên hệ khi chúng ta làm chứng cho họ.

admin

The post Mặc Khải Phổ Quát appeared first on Hướng Đi Ministries.

Print Friendly, PDF & Email

Comments are closed.