Xuất Ê-díp-tô Ký 33:7-10
“Vì sự giận Ngài chỉ trong một lúc, Còn ơn của Ngài có trọn một đời” (Thi Thiên 30:5a).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Môi-se đã làm gì để giúp dân chúng tìm cầu Chúa? Tấm lòng lúc ấy của dân Chúa đối với Ngài như thế nào? Sự hiện diện của trụ mây giáng xuống cửa trại có ý nghĩa gì với dân Y-sơ-ra-ên ngày ấy và với chúng ta ngày nay?
Trong khi Chúa còn giận vì tuyển dân đã thờ tượng bò con vàng, Ngài từ chối đi cùng họ vào xứ Ca-na-an cũng như từ chối lời khẩn xin của ông Môi-se, ông Môi-se đã dựng một lều tạm phía ngoài trại quân dùng làm nơi khẩn nguyện cho những ai thành tâm muốn tìm cầu Đức Giê-hô-va (câu 7). Ông Môi-se cho dựng lều tạm xa ngoài trại quân vì Đức Chúa Trời thánh khiết không ngự giữa dân phạm tội thờ hình tượng như Lời Ngài đã phán. Tuy nhiên, ông Môi-se tin vào bản tính yêu thương của Ngài, Chúa ắt nguôi giận và đáp lời cầu xin khi họ hết lòng tìm cầu Ngài.
Khi thấy ông Môi-se không dựng lều tạm giữa trại quân như Lời Chúa phán (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:8), dân Chúa đã nhận ra sự nghiêm trọng là Đức Chúa Trời không muốn ở giữa họ. Họ trở nên cảnh giác hơn, dõi theo từng bước của ông Môi-se cho đến khi ông vào trong lều hội mạc. Ngay lúc ấy, trụ mây giáng xuống và ngừng ở ngay cửa Trại, cả dân chúng đều đứng dậy, mỗi người đều sấp mình xuống nơi cửa trại mình. Trụ mây quen thuộc, biểu tượng cho sự hiện diện của Chúa lập tức giáng xuống trước lều tạm, đây là niềm hy vọng cho họ. Chúa vẫn còn thương xót họ. Sự hiện diện của Chúa đem tuyển dân đến sự ăn năn, Chúa mở mắt giúp họ nhận ra sự mù lòa thuộc linh khi họ gọi bò con vàng là thần của họ. Mọi người đều đứng lên tại cửa trại, rồi sấp mình thờ lạy Chúa. Thật tuyển dân đã trải nghiệm Đức Giê-hô-va như lời Vua Đa-vít: “Đức Giê-hô-va có lòng thương xót, hay làm ơn, Chậm nóng giận, và đầy sự nhân từ. Ngài không bắt tội luôn luôn, Cũng chẳng giữ lòng giận đến đời đời. Ngài không đãi chúng tôi theo tội lỗi chúng tôi. Cũng không báo trả chúng tôi tùy sự gian ác của chúng tôi” (Thi Thiên 103:8-10).
Khi phạm tội cùng Chúa, chúng ta cảm nhận sự ngăn cách trong mối tương giao của mình với Chúa rất rõ rệt. Theo tâm lý bình thường, những lúc như vậy chúng ta thiếu tự tin và lo sợ khi đối diện với Đức Chúa Trời thánh khiết. Tuy nhiên, như người Cha đầy lòng yêu thương, Chúa nôn nả kêu gọi chúng ta trở về, nối lại mối tương giao mật thiết với Ngài: “Hỡi Y-sơ-ra-ên bội nghịch; hãy trở về! Ta sẽ không lấy nét mặt giận nhìn ngươi đâu, vì ta hay thương xót, ta chẳng ngậm giận đời đời, Đức Giê-hô-va phán vậy” (Giê-rê-mi 3:12). Hãy ăn năn xưng tội mình và khẩn cầu với Chúa để được Ngài tha thứ (I Giăng 1:9).
Bạn thường làm gì mỗi khi phạm tội với Chúa?
Cảm tạ Chúa vì sự nhân từ và lòng kiên nhẫn của Chúa không ngừng theo đuổi con. Con cảm nhận được ân sủng của Chúa phủ che con và tiếng Chúa gọi vang vọng những khi con lạc lối. Xin giúp con luôn tìm cầu Chúa, tiếp tục gắn kết với Ngài như nhánh nho cứ ở trong gốc nho để được sinh ra lắm trái.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giê-rê-mi 17
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org
Kênh Youtube BHKTHN:
The post Khẩn Cầu Chúa – 28/11/2022 appeared first on Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.