GIỮA HAI THẾ GIỚI

Một buổi tối đẹp trời, trong khi dạo bộ trên bờ hồ Xuân Hương của thành phố mộng mơ, tôi vô tình gặp gỡ một người bạn đồng hành bất đắc dĩ – một nhà báo chuyên nghiên cứu về Tin Lành ở Tây Nguyên. Sau cuộc gặp gỡ và trao đổi sôi nổi về niềm tin và cuộc sống, chú nhà báo kết lại bằng một nhận định: “Một điều chú vẫn chưa hiểu là tại làm sao mà người Tin Lành có thể sống một cuộc đời crazy (điên rồ) như thế. Họ phụ thuộc vào sự dẫn dắt nào đó của Chúa Trời để sống và làm việc, sẵn sàng di chuyển thay vì xây dựng cuộc sống ổn định như bao người khác”.

Lững thững chạy tiếp về nhà, tôi ngẫm nghĩ về cái sự crazy ấy. Vâng, không crazy sao được khi thế giới mà người tin Chúa sống là thế giới đã được đổi mới và bảo đảm bởi những lời hứa về một tương lai vĩnh cửu, nhưng thế giới ấy vẫn thực hữu ngay trong hiện tại, để người tin Chúa dù đang sống trong thế giới thực của những đau khổ và bất toàn của loài người có thể vừa nếm trải vừa rao báo phước hạnh thiêng liêng mà Đức Chúa Trời hứa ban trong vương quốc của Ngài. Nói cách khác, là một cộng đồng thuộc về giao ước mới của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ, người tin Chúa đang sống giữa hai thế giới. Về mặt thời gian, đó là thế giới ở giữa quá khứ và tương lai; về mặt không gian, đó là giữa Hội Thánh và xã hội; về mặt siêu hình, đó là giữa thế giới loài người và Vương quốc Thiên đàng; và về mặt nội tâm, đó là giữa bản ngã và con người mới trong Đấng Christ. Để có thể sống động giữa hai loại hình thế giới trên nhiều phương diện ấy, người tin Chúa nhận thấy mình là mắt xích kết nối giữa ký ức và lời hứa. Ký ức giúp họ luôn ghi nhớ mình là ai và thuộc về ai để làm sống lại ký ức ấy trong thực tại. Lời hứa của Đức Chúa Trời đem lại cho họ sự bảo đảm trong cuộc sống hiện tại và niềm hi vọng cho tương lai.

1. Một thực tế cho tất cả mọi người là mặc dù chúng ta đang sống trong hiện tại, bỏ qua quá khứ để hướng đến tương lai, nhưng thật ra, trong mỗi một khoảnh khắc của hiện tại, chúng ta đang sống trong tương lai của quá khứ và trong quá khứ của tương lai. Điều ta từng mong ước trước đây có thể giờ đây đang được ta trải nghiệm, chẳng phải như vậy là ta đang sống trong tương lai của ngày trước là gì? Và điều ta đang trải nghiệm trong hiện tại sẽ mau chóng qua đi cùng với thời gian, và nó sẽ sớm trở thành quá khứ khi ngày mai đến. Vậy thì, cuộc sống trong hiện tại của người tin Chúa có điều gì khác biệt với thực tại của người không thuộc về Chúa? Chắc hẳn, họ không để từng ngày trôi qua một cách vô nghĩa giữa những bộn bề của kiếp nhân sinh, hay đo lường ý nghĩa của thời gian bằng những số cộng trong thông báo của tài khoản ngân hàng hay số lượng những người hâm mộ đang ‘theo dõi’ trong đời sống thường nhật lẫn trên các trang mạng xã hội. Họ cũng không vì nhận biết cuộc đời ngắn ngủi mà sống một lối sống hưởng thụ theo bản năng của con người, một tư tưởng đang được quảng bá và ca ngợi trong thế giới ngày nay, đó là, bởi vì ‘you only live once’(bạn chỉ sống một lần) nên phải sống ‘thật’ với chính mình, bất kể cái ‘thật’ đó là tư dục xui khiến hơn là trở về với con người đích thực được Tạo Hoá ban cho từ buổi sáng thế.

Sống trong thực tại đối với người Cơ Đốc là sống với nhận thức mình được tạo dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, được cứu chuộc bởi Chúa Cứu Thế Giê-xu và được đổi mới bởi Đức Thánh Linh. Nhận thức đó kết nối người theo Chúa với ký ức của đời sống trước đây – ký ức về một đời sống cũ được tha thứ, được chấp nhận và được cứu chuộc – với lời hứa của đời sống tương lai – lời hứa về sự sống mới đời đời trong Đấng Christ. Cũng vì đó mà ông Phao-lô đã nhắc nhở Tít rằng: “chính chúng ta trước đây cũng ngu muội, không vâng phục, bị lừa dối, nô dịch cho đủ thứ dục vọng và lạc thú, sống trong sự gian ác, ghen tị, đáng ghét và coi thường nhau. Nhưng khi lòng khoan dung và nhân ái của Đức Chúa Trời, Cứu Chúa chúng ta, được bày tỏ thì Ngài cứu chúng ta, không phải bởi việc công chính chúng ta đã làm, nhưng bởi lòng thương xót của Ngài, qua việc thanh tẩy của sự tái sinh và đổi mới của Đức Thánh Linh, là Đấng mà Ngài đã tuôn đổ dồi dào trên chúng ta bởi Đức Chúa Jêsus Christ, Cứu Chúa chúng ta, để chúng ta nhờ ân điển Ngài mà được xưng công chính, trở nên người thừa kế niềm hi vọng về sự sống đời đời” (Tít 3:3-7, TTHĐ).

Ký ức về sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời không chỉ được kinh nghiệm bởi Cơ Đốc nhân mà đã từng được vui mừng trải nghiệm bởi tuyển dân Y-sơ-ra-ên trong cuộc Xuất Hành có một không hai. Lễ Vượt Qua là kỷ niệm tưởng nhớ lại ký ức về sự cứu rỗi tuyệt vời ấy đối với người Do Thái và được Đức Chúa Trời răn dạy họ giữ gìn cho đến ngày nay (Xuất 12). Ký ức ấy trong giao ước mới được lặp lại qua sự chết thân thể và sự đổ huyết của Chúa Giê-xu, để mỗi khi Cơ Đốc nhân kỷ niệm Tiệc Thánh, ăn bánh và uống chén, thì nhớ lại mình đã được cứu chuộc hoàn toàn bởi ân sủng trong Đấng Christ (Math 26). Trong cuộc sống hiện đại đầy bon chen, ký ức về một buổi nhóm lễ bái gia đình chung quanh ngọn đèn dầu tù mù một thời ấu thơ có thể làm sống lại trong một ai đó niềm tin yêu nơi Đấng Cứu Chuộc và niềm hi vọng để bước tiếp trong cuộc đời. Phải chăng sự chuyển biến không ngừng của cuộc sống ngày nay đã khiến chúng ta lãng quên việc Chúa làm và xem nhẹ những truyền thống đức tin mà ta đã và đang lớn lên trong đó? Hay phải chăng những nhu cầu đời sống đã che khuất mất thực tế là ngay lúc này, chúng ta đang tạo nên ký ức cho thế hệ mai sau? Thật vậy, chỉ khi được kết nối với ký ức, chúng ta mới nắm bắt hiện tại và không bỏ lỡ tương lai.

2. Trên phương diện không gian, người theo Chúa thuộc về Thân Thể của Đấng Christ, tức Hội Thánh, và sống trong xã hội loài người. Giống như Đấng đã đến và sống giữa chúng ta, Hội Thánh dù không thuộc về thế gian nhưng không tách rời khỏi thế gian. Lời cầu nguyện của Chúa Giê-xu cho các môn đồ trước lúc Ngài chịu thương khó và hi sinh trên thập tự giá nhắc nhở họ rằng “họ không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian,” nhưng không có nghĩa là Hội Thánh sống thu mình với những hoạt động tôn giáo của riêng mình, bởi vì “Con không cầu xin Cha đem họ ra khỏi thế gian nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi điều ác” và “như Cha đã sai Con vào thế gian thì Con cũng sai họ vào thế gian” (Giăng 17:15-18). Làm thế nào để Cơ Đốc nhân sống giữa xã hội loài người với danh tính là Thân Thể của Đấng Christ, để vừa giữ mình mà vừa gắn kết? Đó là nhờ Lời Cha thánh hoá (Giăng 17:17) và noi gương Chúa Giê-xu về đời sống nhập thể của Ngài.

Là Chúa quyền năng và oai nghi, nhưng Chúa Giê-xu đã sống như một người thợ mộc để kiếm sống như bao người (Mác 6:3). Là Chúa công bình và thánh khiết, nhưng Ngài đã kết bạn và bênh vực những người bị xã hội ruồng bỏ, như người thu thuế (Lu 19) và những phụ nữ lầm lỡ (Giăng 4, 8). Ngài không ngại rờ chạm đến những người bị cho là ô uế, dơ bẩn (Mác 1:40-45). Ngài vượt qua định kiến xã hội để nâng đỡ người già cả (Mác 1:29-31). Ngài không ngại đối chất với tầng lớp trí thức (Giăng 3) hay dành thì giờ cho trẻ con (Math 19:13-15). Ngài cũng không quên trách nhiệm xã hội của mình (Mác 12:14-15). Đặc biệt, Ngài tuân giữ những nét đặc trưng của văn hoá Do Thái nhưng cũng sáng suốt để phân định điều nào nên từ bỏ. Chúng ta không kể hết tất cả những tương tác của Chúa Giê-xu trong xã hội Ngài đang sống. Luôn có sự chủ động, tích cực bảo vệ người yếu thế và chữa lành người tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần trong sứ mạng của Ngài; và trong mọi thời điểm, Ngài là một người Do Thái chính thống. Người tin Chúa ngày nay đang được kêu gọi để tiếp nối sứ mạng ấy. Việc rao giảng Phúc Âm luôn đi kèm với trách nhiệm xã hội và không chối bỏ văn hoá dân tộc trong một chừng mực cơ bản nhất định. Danh tính là con cái Đức Chúa Trời hay thân thể Đấng Christ không phải là rào cản để người tin Chúa không gắn kết với xã hội mà chính là động lực để họ gắn kết ngày càng sâu sắc và hiệu quả hơn. Vẫn cần lắm những giáo viên, y bác sỹ, luật sư, nhà kinh tế, thợ lành nghề… đi vào xã hội và sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc Việt Nam, cũng như cần nhiều người chăn bầy để dẫn dắt Hội Thánh Chúa vậy. Thế giới giữa Hội Thánh và xã hội của người tin Chúa có thể được kết lại bằng lời dạy của chính Chúa Giê-xu: “Hãy trả cho Sê-sa những gì của Sê-sa, và hãy trả cho Đức Chúa Trời những gì của Đức Chúa Trời” (Math 22:21). Sống có trách nhiệm với xã hội con người trong trách nhiệm lớn hơn đối với Đức Chúa Trời là sứ mạng của người tin Chúa.

3. Trên phương diện siêu hình, người tin Chúa đang sống trong Thiên đàng trên đất, tức là giữa thế giới của loài người và Vương quốc Thiên đàng. Những khổ đau, hoạn nạn của cuộc sống không làm họ đánh mất đi niềm hi vọng trong cuộc sống hiện tại và về tương lai toàn vẹn trong Chúa. Đó là bởi vì họ tin đinh ninh vào lời hứa của Đức Chúa Trời dành cho họ. Đấng thành tín đã giữ lời Ngài hứa với tổ phụ đầu tiên của loài người về sự cứu chuộc bởi Chiên Con; với Y-sơ-ra-ên trong thời Cựu Ước về sự giải phóng; với Hội Thánh Chúa từ buổi ban đầu về sự hiện diện của Ngài; và với mỗi cá nhân gặp Chúa về sự quan phòng, an ủi, hướng dẫn thông qua Đức Thán Linh, và sự sống đời đời được đảm bảo trong Đấng Christ. Nếu không có lời hứa, cuộc sống con người không có hi vọng. Chúng ta làm việc và hi vọng được trả lương theo lời hứa trong hợp đồng lao động. Chúng ta chữa bệnh và hi vọng được lành theo lời hứa của bác sỹ. Chúng ta yêu và hi vọng chia sẻ cuộc đời với người yêu theo lời hứa của hôn nhân. Chúng ta xây dựng và gìn giữ những mối liên hệ nhờ những lời hứa đã được giữ gìn. Nhưng sự bất toàn của con người lắm lúc khiến chúng ta thất vọng và mất lòng tin. Nhưng lời hứa về sự sống đời đời trong Vương quốc Thiên đàng – nơi luôn có sự tể trị của Đấng Christ – là bảo đảm chắc chắn, như tác giả thư Hê-bơ-rơ đã mô tả: “Cũng vậy, khi Đức Chúa Trời muốn bày tỏ rõ ràng hơn cho những người thừa hưởng lời hứa biết được mục đích không thay đổi của Ngài, thì Ngài xác nhận bằng một lời thề; để nhờ hai điều chẳng thay đổi đó — hai điều ấy Đức Chúa Trời không thể nói dối — mà chúng ta là những người chạy đến ẩn náu nơi Ngài, được sự an ủi lớn và nắm chắc niềm hi vọng đã đặt trước mặt mình” (Hêb 6:17-18). “Và sự sống đời đời là điều chính Ngài đã hứa cho chúng ta” (I Giăng 2:25). Theo lời hứa đó của Chúa, người tin Chúa vừa “chờ đợi trời mới đất mới, là nơi sự công bình ăn ở,” vừa “phải làm hết sức mình” để “ở bình an, không dấu vít, chẳng chỗ trách được” (II Phi 3:13). Như vậy, thế giới của người tin Chúa là điểm giao thoa giữa Thiên đàng và trần thế, là sự nếm trải một phần Thiên đàng và sống giữa trần thế để trông đợi sự thành toàn của Vương quốc Thiên đàng khi Đấng Christ trở lại. Một cuộc sống như vậy chỉ khả dĩ bởi đức tin đặt nơi lời hứa của Đức Chúa Trời.

4. Mặc dù vậy, trong đức tin nơi lời hứa về sự sống đời đời, và trong khi chờ đợi sự sống ấy, người tin Chúa mỗi ngày luôn đấu tranh với bản ngã của con người cũ. Chừng nào con người còn sống trên đất, thì chừng ấy cuộc chiến giữa bản ngã và con người mới được tái tạo bởi Đức Thánh Linh trong Đấng Christ vẫn còn dai dẳng. Chúng ta đắc thắng, rồi lại vấp ngã; chúng ta vấp ngã, rồi lại đắc thắng. Quả thật, khi nhìn vào sự yếu đuối của mình, chẳng có hi vọng nào cho sự tiến bộ và tốt lành của cá nhân người theo Chúa, bởi khi ta muốn “làm điều thiện thì điều ác bám theo” ta (Rô 7:21). Tin mừng là khi được bao phủ bởi dòng huyết cứu chuộc của Chúa Giê-xu, người theo Chúa không còn bị cai trị bởi tội lỗi nữa, “bởi anh em không ở dưới luật pháp mà ở dưới ân điển” (Rô 6:14). Dưới ân điển ấy, với sự cư ngụ của Đấng Christ bởi Thánh Linh trong đời sống, người theo Chúa giờ đây “đã được giải phóng khỏi tội lỗi và trở nên nô lệ của Đức Chúa Trời,” để nhận được kết quả “là sự thánh hóa, và cuối cùng được sự sống đời đời” (Rô 6:22). Tạ ơn Chúa, vì nhờ có Đấng An Ủi và Thần Lẽ Thật, chúng ta được bình an và được hướng dẫn để được cáo trách (Giăng 14:17; 15:26). Chúng ta bình an trong sự bảo đảm về sự sống đời đời, chúng ta được cáo trách để ăn năn và tiếp tục tuỳ thuộc ân sủng trong cuộc chiến mỗi ngày.

Sống với Lời Chúa hứa, người theo Chúa nhận thức rằng mình luôn bị giằng co ở giữa hai thế giới trên nhiều mặt trận trong cuộc đời trên đất. Cuộc đời của họ là điểm giao thoa giữa quá khứ và tương lai, giữa Hội Thánh và xã hội, giữa trần thế và Thiên đàng, giữa cái tôi và con người được tái sinh. Nhận thức được sự giằng co ấy trong lăng kính của đức tin và đem đặt nó vào lời hứa về sự sống đời đời trong Vương quốc Thiên Đàng sẽ giúp họ trở thành người tiếp nối và tạo nên lịch sử, gắn kết với xã hội hiện tại, vượt qua những trở ngại của đời sống thế tục, và đắc thắng tội lỗi trong cuộc chiến tâm linh mỗi ngày. Cuộc sống giữa hai thế giới ấy, trong mắt nhiều người, ắt sẽ vô cùng “crazy”, một sự “crazy” đầy vinh dự và phước hạnh.

Karis Đỗ

The post GIỮA HAI THẾ GIỚI appeared first on Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.

Comments are closed.