Xuất Ê-díp-tô Ký 32:9-14
“Đức Giê-hô-va bèn bỏ qua điều tai họa mà Ngài nói rằng sẽ giáng cho dân mình” (câu 14).
Câu hỏi suy ngẫm: Kết quả lời cầu thay của ông Môi-se là gì? Bạn nhận biết gì về tầm quan trọng của sự cầu thay? Điều này khích lệ bạn thế nào trong chức vụ cầu thay?
Lời nài xin của ông Môi-se đã đem đến kết quả to lớn, “Đức Giê-hô-va bèn bỏ qua điều tai họa mà Ngài nói rằng sẽ giáng cho dân mình”. Từ ngữ “bỏ qua” có thể dịch là “đổi ý” (BTTHĐ). Đức Chúa Trời toàn hảo không bao giờ thay đổi hay “đổi ý” (Dân Số Ký 23:19). Do đó, câu Kinh Thánh này được hiểu là vì yêu thương nên Chúa đã không trừng phạt dân Ngài như đã răn đe.
Bên cạnh đó, việc Chúa “đổi ý” sau lời nài xin của ông Môi-se cho thấy Ngài đã chọn lời cầu nguyện hoặc cầu thay của những người kính sợ Chúa để bày tỏ quyền năng và lòng thương xót của Ngài. Điều này bày tỏ rõ ràng khi Chúa tuyên bố sự phán xét của Ngài: “Hãy để mặc Ta làm” (câu 10). Nếu Chúa không muốn ông Môi-se can thiệp thì tại sao Ngài lại nói với ông như vậy? Thật ra, Đức Chúa Trời đang muốn đem ông Môi-se vào sự cầu thay cho dân Chúa, vì chỉ có cầu thay mới có thể cứu được dân Ngài. Qua đó, Chúa đã dạy dỗ dân Chúa và cả chúng ta ngày nay về tầm quan trọng của lời cầu thay. Nói cách khác, Đức Chúa Trời đã đặt sự cầu thay của ông Môi-se giữa dân chúng và Ngài, hay ông Môi-se được đặt ở vị trí làm người cầu thay giữa Chúa và dân chúng.
Ông Môi-se có thể cầu thay cho dân Chúa để tìm kiếm sự tha thứ của Đức Chúa Trời trên tội lỗi của họ vì chính ông đã tha thứ cho họ. Ông hết lòng yêu thương dân Chúa, đặt lợi ích của họ lên trên lợi ích của chính mình, và trên hết mọi sự là vì ông luôn xem sự vinh hiển của Đức Chúa Trời là ưu tiên. Nhiều năm sau đó, Đức Chúa Giê-xu Christ – Đấng Cầu Thay vĩ đại – cũng đã cầu nguyện xin sự tha thứ cho những kẻ đóng đinh Ngài trên cây thập tự (Lu-ca 23:34). Cũng giống như người đầy tớ trong Ma-thi-ơ 18:23-35, chúng ta nợ Chúa món nợ yêu thương không bao giờ trả nổi, đồng thời người khác cũng nợ chúng ta những món nợ nhỏ bé. Nếu biết ơn Chúa vì đã tha nợ tội cho mình thì chúng ta cũng phải tha thứ cho anh chị em khi họ phạm lỗi với mình, yêu thương họ, mang lấy gánh nặng và cầu thay cho họ (Ga-la-ti 6:1-2).
Ngày nay, Chúa Giê-xu vẫn tiếp tục cầu thay cho chúng ta (Hê-bơ-rơ 7:25; I Giăng 2:1-2), và chúng ta cũng được kêu gọi vào chức vụ cầu thay cho người khác (Ê-phê-sô 6:18; I Ti-mô-thê 2:1-2). Hãy nhớ rằng nhiều người đã từng cầu nguyện cho đời sống thuộc linh và thuộc thể cũng như những sai phạm của chúng ta, vậy thì chúng ta hãy học theo gương Chúa Giê-xu và ông Môi-se, cầu thay cho những người quanh ta để họ cũng nhận được sự tha thứ và giải hòa từ Đức Chúa Trời.
Bạn đang cầu thay cho ai, về điều gì?
Lạy Chúa, con cảm ơn Chúa về ân sủng Ngài ban cho con, cảm ơn Chúa vì Ngài đã nhậm lời cầu thay của nhiều người khác cho con. Xin cho con cũng tiếp nối cho chức vụ cầu thay cho nhiều người. Nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ, Amen!
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-sai 3-4
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org
Kênh Youtube BHKTHN:
The post Được Tha Thứ – 10/5/2025 appeared first on Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.