II Sử Ký 20:1-4
“Giô-sa-phát sợ hãi, rắp lòng tìm cầu Đức Giê-hô-va, và rao khắp xứ Giu-đa phải kiêng ăn một ngày” (câu 3).
Câu hỏi suy ngẫm: Vua Giô-sa-phát đang trong hoàn cảnh nan giải nào (xem thêm II Sử Ký 19:1-4)? Phản ứng của ông ra sao khi nhận biết nguyên nhân của nan đề? Bạn cần làm gì khi có quyết định sai lầm và đối diện với sự cáo trách của Đức Chúa Trời?
Giô-sa-phát là vị vua thứ tư của Vương quốc Giu-đa. Ông là một vị vua kính sợ Đức Chúa Trời và được Ngài ban phước (II Sử Ký 17:3-4). Nan đề trong chương 20 xảy ra “sau các việc này” (câu 1), nghĩa là sau khi Vua Giô-sa-phát đã liên minh với vị vua gian ác của Vương quốc Y-sơ-ra-ên là A-háp để tấn công Sy-ri (II Sử Ký chương 18), và Tiên tri Giê-hu đã rao báo cho ông về cơn giận của Đức Chúa Trời, giúp ông nhận biết sai lầm của mình nên đã cùng với dân chúng ăn năn (II Sử Ký 19:2-4). Sau đó, liên quân ba nước Mô-áp, Am-môn, và người Mao-nít hiệp lại tấn công Y-sơ-ra-ên. Đây là một đoàn quân rất đông đã vượt qua Biển Chết để tiến chiếm Ên-Ghê-đi, một vùng đất của Giu-đa. Như vậy, có thể thấy trận chiến này xuất phát từ tội lỗi trước đó của Vua Giô-sa-phát. Vấn đề là tại sao Vua Giô-sa-phát đã ăn năn nhưng Đức Chúa Trời vẫn trừng phạt? Hãy nhớ rằng sự tha thứ của Đức Chúa Trời không đồng nghĩa với việc miễn trừ hậu quả của tội lỗi. Hơn nữa, thái độ đón nhận sự sửa phạt đem lại lợi ích cho người phạm tội, giúp họ nhận biết sự nghiêm trọng của tội lỗi, đồng thời giúp họ chứng minh đã ăn năn thật.
Đối diện với nan đề to lớn này khiến Vua “Giô-sa-phát sợ hãi” và bởi đó “quyết định tìm kiếm Đức Giê-hô-va” (câu 3). Ông nhận biết trận chiến này đến từ tội lỗi của ông, đây là vấn đề thuộc linh, nên giải pháp cũng phải là thuộc linh. Hơn nữa, phản ứng của Vua Giô-sa-phát cũng cho thấy sự ăn năn của ông là thật. Từ đây, chúng ta học biết rằng khi quyết định sai lầm và đối diện với sự cáo trách của Đức Chúa Trời thì phải ăn năn ngay, không tìm cách biện hộ hay đổ lỗi, phải chấp nhận những hậu quả của tội lỗi mình gây ra và chạy ngay đến với Đức Chúa Trời khi đối diện với nan đề.
Vua Giô-sa-phát không chỉ ăn năn với Chúa nhưng còn “kêu gọi toàn thể Giu-đa kiêng ăn” và họ đã đáp ứng lại lời kêu gọi của ông (câu 3-4). Cho dù trận chiến này đến từ tội lỗi trực tiếp của Vua Giô-sa-phát nhưng cả dân Giu-đa nhận biết rằng tội lỗi của người lãnh đạo có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho cả dân chúng. Vì vậy, đối diện với nan đề này, không phải chỉ người phạm tội mới ăn năn và tìm kiếm Đức Chúa Trời nhưng phải là cả dân chúng. Đây là thái độ Hội Thánh cần có khi đối diện với tội lỗi và những thất bại của anh chị em mình. Hãy yêu thương, nâng đỡ nhau trong trận chiến thuộc linh khi cùng hiệp lòng ăn năn tìm kiếm Chúa.
Khi phạm tội, bạn thường biện hộ, đổ lỗi hay ăn năn ngay?
Lạy Chúa, con cảm ơn Chúa vì lòng nhân từ của Ngài trên con cả những khi con phạm tội cùng Ngài. Xin ban cho con tấm lòng khiêm nhường ăn năn để nhận được sự tha thứ.
Nhân danh Chúa Giê-xu Christ, Amen!
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-phê-sô 1
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org
Kênh Youtube BHKTHN:
The post Đối Diện Nan Đề – 7/7/2025 appeared first on Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.