Cơn Đại Nạn Và Hội Thánh (bản hiệu đính)

CƠN ĐẠI NẠN VÀ HỘI THÁNH

Hội Thánh sẽ trải qua cơn đại nạn?

MỤC LỤC

Lời giới thiệu
Chương 1
Hai cơn đại nạn
Chương 2
Bảy mươi tuần lễ
Chương 3
Sự cất lên của Hội Thánh
Chương 4
Sách Khải huyền
Chương 5
Quyền lực ngăn trở
Chương 6
Những tiếng kèn
Chương 7
Sự phục sinh đầu tiên
Chương 8
Tỉnh thức và sẵn sàng
Chương 9
Thời điểm cuối cùng
Chương 10
Sự chuẩn bị

Vì lúc ấy sẽ có hoạn nạn lớn,
đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy,
mà sau nầy cũng không hề có nữa.
Ma-thi-ơ 24:21

Chúa Jesus trả lời câu hỏi,
“Lúc nào những sự đó sẽ xảy ra? Và có điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận thế?”

LỜI GIỚI THIỆU

Bạn có thể tưởng tượng những tảng băng 50 cân Anh rơi xuống từ bầu trời? Bạn có nghĩ đến sự tàn phá của những trận mưa đá với những viên đá nặng 50 cân? Lúc đó bạn sẽ trốn ở đâu? Có cách nào để bạn được an toàn? Nhưng viên đá lớn từ cơn mưa đá sẽ xé toạc mái nhà của bạn như xé một tờ giấy. Xe hơi của bạn cũng bị nát bét. Cơn mưa đá hầu như hủy diệt mọi thứ. Bạn sẽ ẩn nấp ở đâu dưới những trận oanh tạc như thế?
Bạn có hình dung ra dãy núi Sierra Nevada cao 5000 bộ Anh thình lình rơi xuống chìm vào lòng biển? Thái bình dương nổi sóng, nước tràn lên đầy những hẽm núi. Làm thế nào để những người trên bờ biển có thể thoát nạn? Điều gì sẽ xảy ra cho hàng triệu người trên thế giới nầy?
Bạn có hình dung ra sẽ đến một thời điểm mà con người muốn chết cũng không được? Có lẽ thân thể họ bị tổn thương nghiêm trọng từ một tai nạn rơi máy bay, tuy nhiên tâm linh của họ vẫn không chịu lìa khỏi thân thể.
Họ sẽ phải còn sống trong khoảng sáu tháng với thương tích đầy mình để chờ chết.
Những biến cố như thế sẽ xảy ra trên thế giới. Đức Chúa Trời sẽ đổ cơn thạnh nộ trên địa cầu, trên những ai từ chối kế hoạch cứu rỗi của Ngài. Nhiều lời tiên tri đã lần lượt được ứng nghiệm, chúng ta có cơ sở tin rằng cơn đại nạn sẽ đến rất sớm.
Đã có nhiều cuộc tranh luận xung quanh chủ đề thần học: Hội Thánh có còn ở trên đất không khi Đức Chúa Trời đổ cơn thạnh nộ Ngài xuống địa cầu? Nhiều người cho rằng Hội Thánh phải trải qua cơn đại nạn. Họ nói một cách gièm pha về niềm hy vọng phước hạnh là Đấng Christ sẽ đến tiếp rước Hội Thánh Ngài trước khi sự phán xét của Đức Chúa Trời đến trên trái đất. Từ đó họ xác nhận là Hội Thánh sẽ không có lối thoát. Họ làm cho câu Kinh Thánh Lu-ca 21:36 trở nên vô ý nghĩa.
Mục đích của sách nầy là nghiên cứu những lý do từ Kinh Thánh tại sao tôi cảm nhận rằng Hội Thánh sẽ không phải trải qua cơn đại nạn.

Tác giả: Chuck Smith, mục sư Giáo hội trưởng của Calvary Chapel. Ông hiện đang quản nhiệm Hội Thánh Costa Mesa tại California.
Biên dịch: Phạm Hơn, mục sư của Calvary Chapel Vietnam.
Chịu trách nhiệm về bản quyền của sách: Daniel Nguyễn, mục sư quản nhiệm Calvary Chapel Living Water of Little Saigon tại California.

Chương một

HAI CƠN ĐẠI NẠN

Thời gian mà trái đất nầy trải qua cơn đại nạn được xác lập rõ ràng trong Kinh Thánh. Trong Đa-ni-ên đoạn 12:1 “Lúc đó sẽ có tai nạn, đến nỗi từ khi mới có nước đến kỳ đó cũng chẳng có như vậy bao giờ. Bấy giờ, trong vòng dân sự ngươi, kẻ nào được ghi trong quyển sách kia thì sẽ được cứu”. Quyển sách ở đây chính là Sách Sự sống. Đây là lời hứa kỳ diệu về sự giải cứu.
Trong Ma-thi-ơ 24:21-22, Chúa Jesus phán: “Vì lúc ấy sẽ có hoạn nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa. Nếu những ngày ấy không giảm bớt, thì chẳng có một người nào được cứu; song vì cớ các người được chọn, thì những ngày ấy sẽ giảm bớt”. Các người được chọn ở đây ám chỉ đến Y-sơ-ra-ên. Dễ dàng nhận ra điều nầy khi xem xét ngữ cảnh của Kinh Thánh ở đây (câu 16 và 20). Cả Đa-ni-ên và Chúa Jesus đều đề cập đến cơn đại nạn sẽ đến trên hành tinh này.
Sách Khải huyền cho chúng ta biết một số chi tiết sẽ xảy ra trong suốt thời gian đại nạn. Chương 6 bắt đầu với việc mở ra bảy ấn của sự phán xét. Cơn đại nạn tiếp diễn xuyên qua bảy tiếng kèn và bảy bát thạnh nộ của Đức Chúa Trời đổ ra trên đất. Nếu bạn muốn hiểu biết đầy đủ các chi tiết của cơn đại nạn, hãy đọc cẩn thận chương 6 đến chương 19 sách Khải huyền.
Điều quan trọng là chúng ta phải phân biệt rõ ràng những sự hoạn nạn được đề cập trong Kinh Thánh. Có hai loại hoạn nạn khác nhau.(1) Cơn đại nạn được Chúa Jesus và Đa-ni-ên nói đến mà những chi tiết của nó được Giăng mô tả trong sách Khải huyền.(2)Những hoạn nạn mà Chúa Jesus cảnh báo là sẽ đến với Hội Thánh.
Chúa Jesus phán với các môn đồ trong Giăng 16:33, “Ta đã bảo các ngươi những điều đó, hầu cho các ngươi có lòng bình yên trong ta. Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi!” Hội Thánh sẽ trải qua hoạn nạn trong thế gian. Điều quan trọng cần lưu ý ở đây là Hội Thánh sẽ phải đương đầu với hoạn nạn khởi phát từ thế gian và từ hệ thống kiểm soát thế giới của Sa-tan. Sa-tan đứng phía sau tất cả những cuộc tấn công nhằm vào Hội Thánh.
Phao-lô đã cho chúng ta biết rằng, chúng ta không chiến đấu cùng với thịt và huyết, nhưng là cùng chủ quyền, thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên cao. Các lực lượng của Linh trong thế giới tối tăm đang chống lại con cái Đức Chúa Trời. Nguồn gốc của sự hoạn nạn mà chúng ta hứng chịu rõ ràng đến từ hệ thống thế giới dưới sự cai trị của Sa-tan.
Nhưng cơn đại nạn sẽ đến trên địa cầu khởi phát từ thiên đàng. Cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời đổ ra phán xét những kẻ tội lỗi trong suốt cơn đại nạn nầy. Khi ấn thứ 6 được mở ra trong Khải huyền 6:12, những người sống trên đất lúc bấy giờ rối loạn, họ đều ẩn mình trong hang hố cùng hòn đá lớn trên núi, họ nói với núi và đá lớn rằng: Hãy rơi xuống chận trên chúng ta, đặng tránh khỏi mặt của Đấng ngự trên ngôi, và khỏi cơn giận của Chiên Con. Họ hỏi: Ai có thể đứng nổi trong ngày thạnh nộ của Chúa? Khải huyền 11:18 tuyên bố: Cơn thạnh nộ của Ngài đã đến.
Trong Khải huyền 14:10 cơn đại nạn ám chỉ đến sự phẫn nộ cua Đức Chúa Trời. Khi những cái ấn được mở ra trên thiên đàng tương ứng với sự phán xét được đổ ra trên trái đất. Các thiên sứ được ban cho những cây kèn trên thiên đàng, khi những tiếng kèn nầy được thổi lên, thì có những sự phán xét đến trên trái đất. Bảy bát của những sinh vật sống được mở ra bởi bảy thiên sứ, và một lần nữa lại có sự phán xét tương ứng xảy ra trên đất. Tất cả những sự phán xét nầy xuất phát từ Đức Chúa Trời và nguồn gốc của nó là từ thiên đàng. Trong Thi thiên 69:20-28 chúng ta có một lời tiên tri liên quan đến Chúa Jesus. Lời tiên tri nầy đề cập đến các môn đồ đã bỏ rơi Ngài trong những giờ phút khẩn cấp, và giấm được đưa lên cho Chúa uống khi Ngài khát. Thi thiên nầy cũng kêu cầu Đức Chúa Trời đổ thịnh nộ xuống trên những kẻ ngược đãi những người mà Ngài đã đánh (câu 26). Sự thịnh nộ là một từ được dùng trong Cựu Ước, đặc biệt là mô tả khoảng thời gian trong cơn đại nạn (Ê-sai 26:19-20; Ê-sai 34:1-8; Giê-rê-mi 10:10; Đa-ni-ên 8:19; Đa-ni-ên 11:36; Na-hum 1:5-6; Sô-phô-ni 3:8). Chú ý rằng trong Ê-sai 66:14, Tay Đức Giê-hô-va sẽ tỏ ra cùng tôi tớ Ngài, và Ngài sẽ giận nghịch cùng kẻ cừu địch.
Phao-lô cho chúng ta biết trong Rô-ma 2:6-9, Đấng sẽ trả lại cho mỗi người tùy theo công việc họ làm: Ai bền lòng làm lành, tìm sự vinh hiển, sự tôn trọng và sự chẳng hề chết, thì báo cho sự sống đời đời; còn ai có lòng chống trả, không vâng phục lẽ thật, mà vâng phục sự không công bình, thì báo cho họ sự giận và cơn thạnh nộ. Sự hoạn nạn khốn khó giáng cho mọi người làm ác, trước cho người Giu-đa, sau cho người Gờ-réc. Trong Hê-bơ-rơ 10:27, lửa hừng sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch hàm ý cơn thạnh nộ như lửa hừng sẽ thiêu hủy kẻ cừu địch của Ngài.
Sự hoạn nạn mà những con cái Chúa phải trải qua đến từ Sa-tan, kẻ đang cai trị thế giới. Còn cơn đại nạn đổ xuống trên thế giới tội lỗi đến từ Đức Chúa Trời.
Tại sao cơn đại nạn nầy xảy đến? Kinh Thánh nói mục đích của nó gồm ba phần: (1) Để thử thách những người sống trên đất (Khải huyền 3:10). (2) Đức Chúa Trời trút cơn giận của Ngài trên những kẻ ác (Khải huyền 15:7) và (3) Hủy diệt những kẻ mà đã hủy diệt trái đất (Khải huyền 11:18). Những ai rơi vào một trong những đối tượng nầy sẽ phải trải qua cơn đại nạn.
Trong Cựu Ước Đức Chúa Trời phán bảo cho Áp-ra-ham biết về sự phán xét sắp xảy đến cho các thành phố Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Áp-ra-ham phản ứng lại, ông đối nại với Chúa: Chúa sẽ tiêu diệt người công bình luôn với kẻ gian ác? Nếu trong thành phố có 50 người công bình thì sao? Đức Chúa Trời trả lời rằng nếu Ngài tìm thấy có 50 người công bình Ngài sẽ tha thứ cho cả thành phố đó.
Chúng ta lưu ý là toàn bộ lập luận được Áp-ra-ham đưa ra được xây dựng trên nền tảng: Sẽ không công bằng cho Đức Chúa Trời khi Ngài đoán phạt người công bình chung với kẻ gian ác. Không có nơi nào trong Kinh Thánh chúng ta có thể tìm thấy sự phán xét của Chúa đổ ra cho người công bình chung với kẻ gian ác.
Khi các thiên sứ đến thành Sô-đôm, họ không thể tìm thấy mười người công bình mà Áp-ra-ham đã đề cập đến để can thiệp cho thành phố. Họ chỉ có thể giải cứu một người công bình là Lót ở đó. Chỉ khi nào Lót được đưa ra khỏi thành phố thì án phạt của Chúa mới trút xuống Sô-đôm. Các thiên sứ công bố trong Sáng thế ký 16:22, họ không thể làm bất cứ điều gì cho đến khi Lót được an toàn.
Trong Lu-ca 17 khi Chúa Jesus nói đến trường hợp của Lót. Chúa đã chỉ ra rằng ngay khi Lót ra khỏi Sô-đôm thì án phạt của Đức Chúa Trời đổ xuống thành phố. Trong 2 Phi-e-rơ 2, sứ đồ Phi-e-rơ nói rằng Sô-đôm và Gô-mô-rơ bị hủy diệt để làm gương cho người gian ác về sau. Tuy nhiên Đức Chúa Trời đã giải cứu người công bình là Lót, là người đau khổ về cách sống tội lỗi của cư dân thành phố lúc bấy giờ. Phi-e-rơ tiếp tục nói: Chúa biết cứu chữa những người tin kính khỏi cơn cám dỗ, và hành phạt kẻ không công bình, cầm chúng nó lại để chờ ngày phán xét(2 Phi-e-rơ 2:9).
Chúng ta được biết trong 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:9 là Đức Chúa Trời không định sẵn cho chúng ta bị cơn thạnh nộ. Cũng vậy trong Rô-ma 5:9, Nay chúng ta đã nhờ huyết Ngài được xưng công bình, thì sẽ nhờ Ngài được cứu khỏi cơn thạnh nộ là dường nào!
Bất kỳ một lý lẽ nào tìm cách chứng minh rằng Hội Thánh phải đi qua cơn đại nạn, hứng chịu sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời, phải giải thích điều nầy: Đức Chúa Trời có khi nào thay đổi đường lối của Ngài để trừng phạt người công bình chung với kẻ gian ác? Nếu Chúa thay đổi dường lối của Ngài thì có nghĩa là thuộc tính của Ngài đã thay đổi để đẩy con cái của Ngài đối mặt với cơn thạnh nộ. Tuy nhiên Đức Chúa Trời xác nhận rằng Ngài không thay đổi. Ta là Đức Giê-hô-va, ta không hề thay đổi (Ma-la-chi 3:6).
Một phép suy diễn thông thường nhất được biết đến là tam đoạn luận. Một tam đoạn luận bao gồm: một tiền đề chính, một tiền đề thứ và một kết luận. Khi một tiền đề là phủ định và tiền đề kia là xác định, thì chỉ có một kết luận phủ định được theo sau. Ví dụ, Tiền đề chính là xác định: Các con chim đều có cánh. Tiền đề thứ là phủ định: Chó không có cánh. Vậy suy ra kết luận theo sau phải là phủ định: Chó không phải là chim.
Tiền đề chính của chúng ta là phủ định: Hội Thánh không được định sẵn cho cơn thịnh nộ. Chúng ta đã nhờ huyết Ngài được xưng công bình, thì sẽ nhờ Ngài được cứu khỏi cơn thạnh nộ (Rô-ma 5:9) và Đức Chúa Trời chẳng định sẵn cho chúng ta bị cơn thạnh nộ, (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:9). Tiền đề thứ là xác định: Cơn đại nạn là sự thịnh nộ của Đức Chúa Trời. Chúng nói với núi và đá lớn rằng: Hãy rơi xuống chận trên chúng ta, đặng tránh khỏi mặt của Đấng ngự trên ngôi, và khỏi cơn giận của Chiên Con! Vì ngày thạnh nộ lớn của Ngài đã đến, còn ai đứng nổi? (Khải huyền 6:16-17). Vậy kết luận rút ra phải là phủ định: Hội Thánh sẽ không trải qua cơn đại nạn. Bất kỳ một lý luận nào bất chấp phép suy diễn nầy, thì cũng giống như cố gắng chứng minh chó là chim. Không cần thiết phải có những luận cứ để chứng minh rằng Hội Thánh sẽ không trải qua cơn đại nạn. Những bằng chứng chúng ta đưa ra đủ để áp đảo những quan điểm sai trật. Vì vậy chúng ta cứ thẳng tiến bước tới.

Chương 2

BẢY MƯƠI TUẦN LỄ

Vào khoảng năm 538 trước Công nguyên, tiên tri Đa-ni-ên đã chờ đợi Đức Chúa Trời ban cho ông những chỉ thị đặc biệt. Ông nhận thức rằng 70 năm làm phu tù cho đế quốc Ba-by-lôn sẽ qua. Đột nhiên thiên sứ Gáp-ri-ên hiện ra cùng Đa-ni-ên.
Trong Đa-ni-ên 9:24, thiên sứ Gáp-ri-ên công bố về bảy mươi tuần lễ. Có bảy mươi tuần lễ định trên dân ngươi (Y-sơ-ra-ên) và thành thánh ngươi (Giê-ru-sa-lem), đặng ngăn sự phạm phép, trừ tội lỗi, làm sạch sự gian ác, và đem sự công bình đời đời vào, đặng đặt ấn tín nơi sự hiện thấy và lời tiên tri (Ví dụ như hoàn thành các khải tượng và lời tiên tri), và xức dầu cho Đấng rất thánh.
Thiên sứ tiếp tục nói trong câu 25, Từ khi ra lệnh tu bổ và xây lại Giê-ru-sa-lem, cho đến Đấng chịu xức dầu, tức là vua, thì được bảy tuần lễ, và sáu mươi hai tuần lễ. Bảy tuần lễ và sáu mươi hai tuần lễ cộng lại là sáu mươi chín tuần lễ. Bởi vì mỗi tuần lễ tượng trưng cho bảy năm, nên 69 tuần lễ sẽ là 483 năm.
Trong quyển sách Vua đến, tác giả Robert Anderson giải thích thời gian được nhắc đến ở đây dựa vào lịch của người Ba-by-lôn. Trong đó họ tính một năm chỉ có 360 ngày. Vì thế 483 năm sẽ là 173 880 ngày. Vào ngày 14 tháng 3 năm 445 trước công nguyên, vua Ạt-tơ-xét-xe của Ba-tư ban hành chỉ dụ cho phép Nê-hê-mi khôi phục Giê-ru-sa-lem. 173 880 ngày sau đó sẽ rơi vào ngày 6 tháng 4 năm 32 sau công nguyên. Đây là ngày mà Đấng Christ được chào đón hân hoan khi Ngài ngự giá vào thành Giê-ru-sa-lem (Theo cách tính của Anderson).
Trong phần thứ nhất của lời tiên tri được ban cho Đa-ni-ên đã được ứng nghiệm theo nghĩa đen tính theo ngày. Nhưng thiên sứ tiếp tục nói rằng Đấng được xức dầu sẽ bị trừ đi và không có gì (nghĩa là không nhận được bất cứ điều gì cho chính Ngài). Và, có dân của vua hầu đến sẽ hủy phá thành và nơi thánh (câu 26). Sự hủy phá thành phố ám chỉ đến sự tấn công Giê-ru-sa-lem của Titus vào năm 70 sau công nguyên. Titus là tướng tổng tư lệnh của những quân đoàn La-mã, nhưng ông không phải là vua. Nero là vua lúc đó đã ra lệnh hủy diệt thành phố, tuy nhiên ông ta đã chết trước khi sự hủy phá Giê-ru- sa-lem hoàn tất.
Thành phố Giê-ru-sa-lem và đền thánh đã bị hủy phá giống như thiên sứ đã công bố, và dân Do Thái bị tan lạc. Từ trước tới nay chúng ta nhìn thấy sự ứng nghiệm kỳ diệu chính xác của các lời tiên tri trong lịch sử. Tuy nhiên Gáp-ri-ên đã nói 70 tuần lễ đã được định trên Y-sơ-ra-ên. Đấng được xức dầu sẽ bị trừ đi sau 69 tuần lễ. Thế thì tuần lễ thứ 70 ở đâu?
Trong Đa-ni-ên 9:27, thiên sứ một lần nữa nói về một vua, đại từ người được sử dụng ở đây: Người sẽ lập giao ước vững bền với nhiều người trong một tuần lễ. 69 tuần lễ là khoảng thời gian kéo dài từ khi tái thiết, xây dựng lại Giê-ru-sa-lem cho đến khi Chúa Jesus Christ đến.
Như đã dự đoán trước, Đấng được xức dầu sẽ bị trừ đi, không nhận được vương quốc và dân Do Thái bị tản lạc. Tuần lễ thứ 70 cuối cùng của Đa-ni-ên vẫn còn ở tương lai.
Chúa Jesus nhắc đến lời tiên tri tuần lễ trong Ma-thi-ơ 24. Các môn đồ hỏi chúa về những dấu hiệu của ngày Chúa đến và kỳ tận thế.

Trong câu 15-16, Chúa phán, Khi các ngươi sẽ thấy sự gớm ghiếc tàn nát lập ra trong nơi thánh, mà đấng tiên tri Đa-ni-ên đã nói (ai đọc phải để ý). Ai ở trong xứ Giu-đê hãy trốn lên núi; ai ở trên mái nhà, đừng xuống chuyên của cải trong nhà;
Sau đó Chúa Jesus nói đến cơn đại nạn: Lúc ấy sẽ có hoạn nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa (câu 21). Điều kinh khủng nầy sẽ xảy ra vào giữa tuần lễ thứ 70.
Đa-ni-ên nói đến vật gớm ghiếc của cảnh tàn phá trong chương 9:27, Người sẽ lập giao ước vững bền với nhiều người trong một tuần lễ, và đến giữa tuần ấy, người sẽ khiến của lễ và của lễ chay dứt đi. Kẻ hủy phá sẽ đến bởi cánh gớm ghiếc, và sẽ có sự giận dữ đổ trên nơi bị hoang vu, cho đến kỳ sau rốt, là kỳ đã định.
Vì Chúa Jesus đã nhắc đến thời kỳ bảy năm cuối cùng nầy cho đến tương lai trong ngày của Ngài, và bởi vì Antichrist vẫn chưa ký hòa ước với Y-sơ-ra-ên, chúng ta đi đến kết luận là thời điểm nầy vẫn còn ở phía trước. Sự thật là Antichrist ký hòa ước trong bảy năm, thì nó chỉ ra một dấu hiệu là bắt đầu cho thời kỳ 7 năm cuối cùng.
Nửa chừng của 7 năm nầy Antichrist sẽ phá vỡ hòa ước với Y-sơ-ra-ên, việc dâng tế lễ hằng ngày trong đền thờ bị hủy bỏ. Theo Đa-ni-ên 12:11, Từ khi bãi bỏ việc dâng tế lễ hằng ngày, và từ khi dựng lên vật gớm ghiếc tàn khốc, sẽ có 1.290 ngày. Khi đó Chúa Jesus sẽ trở lại lần nữa với Hội Thánh Ngài trên đám mây trong sự vinh hiển lớn.
Phao lô đã nói: Khi nào Đấng Christ là sự sống của anh em hiện ra, bấy giờ anh em cũng xuất hiện cùng Ngài trong sự vinh hiển.
Thời đại Hội Thánh ăn khớp với tuần lễ thứ 69 và tuần lễ thứ 70 trong lời tiên tri của Đa-ni-ên. Theo Phao- lô, trong Ê-phê-sô 3:5 những điều huyền nhiệm nầy được giấu kín cho loài người trong các thế hệ trước.
Hiện tại Đức Chúa Trời đã tuôn đổ ân điển của Thánh Linh Ngài trên các dân ngoại bang, kéo họ đến làm cô dâu của Đấng Christ. Khi dân ngoại bước vào đầy trọn trong Hội Thánh, bấy giờ Đức Chúa Trời sẽ tiếp rước Hội Thánh Ngài lên, như thể tiếp nhận một cô dâu đã sẵn sàng. Đây được gọi là sự cất lên của Hội Thánh.

Chương 3

SỰ CẤT LÊN CỦA HỘI THÁNH

Sự cất lên của Hội Thánh xảy ra khi Chúa Jesus tiếp lấy Hội Thánh Ngài ra khỏi thế giới nầy. Nó xảy ra bất chợt và không có bất kỳ một lời báo trước nào. Điều quan trọng phải hiểu rằng sự cất lên của Hội Thánh và sự tái lâm của Chúa là 2 sự kiện khác biệt. Trong sự cất lên chúa Jesus đến với các thánh đồ của Ngài. Trong biến cố Chúa tái lâm Hội Thánh sẽ trở lại cùng với Chúa Jesus Christ. Giu-đe câu 14 cho chúng ta biết: Xem kìa, Chúa sẽ đến với muôn ngàn thánh đồ.
Trong 1 Cô-rin-tô 15:51-52, Phao lô nói: Nầy, tôi cho anh chị em biết một sự huyền nhiệm: Không phải tất cả chúng ta đều sẽ ngủ, nhưng tất cả đều sẽ được biến hóa. Trong tích tắc, trong nháy mắt, khi tiếng kèn chót thổi. Vì kèn sẽ thổi lên, những người chết sẽ sống lại không hư nát và chúng ta sẽ được biến hóa. Bạn có thể sẽ không hiểu chuyện gì đang xảy ra cho đến khi tất cả đã rồi. Thình lình bạn ở trong sự hiện diện với Đức Chúa Trời trong một thân thể vinh hiển cùng toàn thể Hội Thánh.
Chúng ta là Hội Thánh sẽ được biến đổi. Phao-lô viết cho các tín hữu tại Phi-líp: Chúng ta là công dân trên trời, chúng ta đang trông đợi Đấng Cứu Thế từ đó đến, là Chúa Cứu Thế Giê-su. Ngài, bởi quyền năng đã bắt muôn loài qui phục mình, sẽ biến đổi thân thể hèn mọn của chúng ta ra giống như thân thể vinh quang Ngài(Phi-líp 3:20-21). Để diễn tả sự biến đổi nầy Phao-lô viết cho người Cô-rin-tô: Vì sự hư nát này phải mặc lấy sự không hư nát và sự hay chết sẽ mặc lấy sự bất tử (1 Cô-rin-tô 15:53).
Phao-lô cũng viết cho Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca: Vì khi mệnh lệnh ban ra cùng với tiếng gọi của thiên sứ trưởng và tiếng kèn của Đức Chúa Trời vang lên thì chính Chúa sẽ từ trời giáng xuống. Bấy giờ những người chết trong Chúa Cứu Thế sẽ sống lại trước hết, rồi đến chúng ta là những người đang sống mà còn lại sẽ cùng họ được cất lên trong đám mây để nghênh tiếp Chúa trên không trung. Như vậy, chúng ta sẽ ở cùng Chúa mãi mãi. Thế thì, anh chị em hãy dùng những lời ấy mà an ủi nhau (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:16-18).
Một số người nhạo báng ý tưởng hay khái niệm về sự cất lên của Hội Thánh. Họ còn nói rằng từ cất lên không có trong Kinh Thánh. Điều nầy tùy thuộc vào bản dịch nào của Kinh Thánh mà bạn đang đọc.
Cụm từ được cất lên trong 1Tê-sa-lô-ni-ca 4:17 trong tiếng Hy-lạp là harpazo, có nghĩa là bị bắt cóc bằng vũ lực. Trong tiếng La-tinh từ tương đương với harpazo là rapio có nghĩa là đưa đi xa bằng sức mạnh. Trong bản Kinh Thánh tiếng La-tinh được viết từ thế kỷ thứ 4 vẫn còn được tra cứu ngày hôm nay, từ rapio cũng xuất hiện trong 1Tê-sa-lô-ni-ca 4:17. Từ raptus là quá khứ phân từ của động từ rapio. Từ rapt và rapture trong tiếng Anh – nghĩa là sự cất lên có nguồn gốc từ đây. Mặc dù từ rapture- cất lên không có trong bản Kinh Thánh King James, nhưng đây là từ căn bản xuất hiện trong bản Kinh Thánh tiếng La-tinh.
Về thời điểm của sự cất lên, Chúa Jesus phán: Không ai biết ngày giờ đó. Nếu chúng ta suy đoán và công bố ngày giờ của sự cất lên, thì đó là một sự suy đoán không có cơ sở trong Kinh Thánh. Nếu chúng ta cho rằng chúng ta biết giờ G đó, thì đúng là chúng ta đang trịch thượng, làm cao tự cho mình hiểu biết hơn Chúa Jesus khi Ngài còn ở trên đất nầy.

Mặc dầu chúng ta không biết chính xác thời điểm của sự cất lên, nhưng trong 1Tê-sa-lô-ni-ca 5, Phao lô viết: Thưa anh chị em, về thì giờ và thời kỳ, chúng tôi không cần phải viết cho anh chị em. Vì chính anh chị em biết rõ rằng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm lúc đêm khuya. Khi người ta tuyên bố: Hòa bình và an ninh thì tai họa sẽ thình lình xảy đến…Nhưng thưa anh chị em, anh chị em không ở trong bóng tối đến nỗi ngày ấy bất ngờ đến với anh chị em như kẻ trộm. Kinh Thánh đang nói rằng sự cất lên của Hội Thánh sẽ không đến với chúng ta như là một điều bất ngờ.
Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta những dấu hiệu mà nó sẽ lần lượt xảy ra cho tới ngày của chúa Jesus Christ. Một trong những dấu hiệu lớn nhất cho thế giới ngày nay là sự khôi phục quốc gia Y-sơ-ra-ên.
Trong suốt nhiều năm trước đây các nhà nghiên cứu Kinh Thánh đã trông đợi sự tập hợp lại quốc gia Y-sơ-ra-ên, trên nền tảng của nhiều câu Kinh Thánh (bao gồm Ma-thi-ơ 24:32) và sự ứng dụng của phương pháp giải kinh (cây vả trong những lời ẩn dụ tượng trưng cho quốc gia Y-sơ-ra-ên). Những người hoài nghi nhạo báng lời tiên tri nầy. Không bao giờ trong lịch sử một dân tộc bị tản lạc nhiều thế kỷ trong quá khứ lại được hồi sinh. Rõ ràng đó là một phép lạ. Đức Chúa Trời đã khôi phục quốc gia Y-sơ-ra-ên trên bản đồ thế giới. Ngài đã thực hiện lời hứa của Ngài.
Thi thiên 102:16 tuyên bố: Vì Chúa sẽ xây dựng lại thành Si-ôn; Ngài sẽ xuất hiện trong vinh quang. Bởi vì Đức Chúa Trời đang xây dựng Si-ôn, những người Do-thái chính thống ngày nay vẫn còn đang trông đợi Đấng Mê-si. Chúng ta cũng vậy nhưng theo một nghĩa khác! Chúng ta đang trông đợi sự ứng nghiệm các lời hứa của Đức Chúa Trời- sự tái lâm của Đức Chúa Trời vĩ đại và Cứu Chúa chúng ta là Jesus Christ.
Sau khi Hội Thánh được cất lên. Đức Chúa Trời một lần nữa sẽ giải quyết với Y-sơ-ra-ên, tuyển dân của Ngài. Đức Chúa Trời sẽ thực hiên nhiều lời hứa và tiên tri trong Cựu Ước mà có liên quan đến Y-sơ-yra-ên, bao gồm tuần lễ thứ 70 của Đa-ni-ên. Theo cách đó, một lần nữa khoảng thời gian 7 năm được ứng nghiệm đầy trọn trong lịch sử Y-sơ-ra-ên. Giê-rê-mi gọi đó là thời gian hoạn nạn của Gia-cốp. Y-sơ-ra-ên sẽ kinh nghiệm quyền năng bảo vệ của Đức Chúa Trời trong suốt cơn đại nạn. 144 000 người Do thái sẽ được Đức Chúa Trời đóng ấn. Họ được che chở thoát khỏi một phần của sự phán xét (Khải huyền 7:3; 9:4).

Chương 4

SÁCH KHẢI HUYỀN

Sách Khải huyền được chia thành ba phần tổng quát. Trong Khải huyền 1:19, thiên sứ chỉ thị chi Giăng phải viết những điều mà ông đã nhìn thấy, những việc đang diễn tiến và những việc sẽ xảy ra sau nầy. Những việc sẽ xảy ra trong tiếng Hy-lạp là meta tauta . Trong chương một Giăng viết về khải tượng mà ông được thấy: Đấng Christ phục sinh vinh hiển đang đứng giữa bảy chân đèn vàng, trên tay hữu Ngài cầm bảy ngôi sao. Trong chương 2 và 3 Giăng viết về những điều: Các sứ điệp của Chúa Jesus Christ gởi cho bảy Hội Thánh ở châu Á (đại diện cho bảy giai đoạn trong lịch sử Hội Thánh).
Chương 4 bắt đầu phần 3 của sách Khải huyền. chương nầy bắt đầu với cụm từ Hy-lạp meta tauta, nghĩa là những điều sau nầy phải xảy đến. Câu hỏi được đặt ra là: Khi nào những điều nầy sẽ xảy ra? Câu trả lời hiển nhiên là: Theo sau những điều của chương 2 và 3, là những điều của Hội Thánh. Chúng ta có thể bắt đầu với Khải huyền 4:1, Sau đó, tôi nhìn xem, kìa có một cái cửa đã mở ra trên trời. Và tiếng nói như tiếng kèn tôi đã nghe lần trước bảo tôi: “Con hãy lên đây! Ta sẽ tỏ cho con biết những việc phải xảy ra sau các điều này. Tôi tin đây là bản mô tả về sự cất lên của Hội Thánh; giọng nói ở đây vang rầm như tiếng loa hiệu triệu các thánh đồ đến. Phao lô cũng nói về tiếng kèn của Đức Chúa Trời trong sự cất lên của Hội Thánh (1Tê-sa-lô-ni-ca 4:16; 1Cô-rin-tô 15:52).
Cánh cửa mở trên thiên đàng làm chúng ta nhớ lại sứ điệp của Chúa Jesus dành cho Hội Thánh Phi-la-đen-phi, một Hội Thánh trung tín giữ đạo Chúa trong những ngày cuối cùng. Ngài phán: Ta đã mở trước mặt con một cái cửa không ai đóng được. Bây giờ trong chương 4 cánh cửa nầy được mở ra trên thiên đàng, và giọng nói đang phát ra vang rầm như một tiếng kèn.
Sứ điệp gởi đến Hội Thánh Thi-a-ti-rơ nhằm cảnh báo Hội Thánh nầy phải trải qua cơn đại nạn. Chúa Jesus đang đối kháng cùng Hội Thánh. Khải huyền 2:20-22 ghi lại: Ta có điều trách con vì con dung túng Giê-sa-bên, người đàn bà tự xưng là nữ tiên tri dạy dỗ và lừa gạt các đầy tớ Ta, quyến rũ họ phạm tội tà dâm và ăn của cúng thần tượng. Ta đã cho nó thì giờ để ăn năn, nhưng nó không chịu ăn năn tội gian dâm mình. Này, Ta sẽ ném nó trên giường đau đớn và những kẻ phạm tội tà dâm với nó, nếu không ăn năn các tội lỗi ấy, cũng sẽ chịu đau đớn khủng khiếp.
Ở đây lời cảnh báo gởi đến Hội Thánh kêu gọi Hội Thánh ăn năn, nếu không sẽ đối mặt với cơn đại nạn. Hiển nhiên Hội Thánh sẽ có lối thoát ra khỏi cơn đại nạn nếu chịu ăn năn.
Trong Khải huyền 3:10, Chúa phán với Hội Thánh Phi-la-đen-phi: Vì con đã vâng giữ lời kiên nhẫn Ta, nên Ta sẽ gìn giữ con khỏi giờ thử thách là giờ sẽ đến trong khắp thế gian để thử những người sống trên mặt đất. Đây là lời hứa của Đức Chúa Trời dành cho Hội Thánh, Hội Thánh sẽ được tránh khỏi cơn đại nạn. Tôi cũng đồng tình là có một thiểu số trong Hội Thánh sẽ đối phó với cơn đại nạn. Cũng như những người không ăn năn trong Hội Thánh Thi-a-ti-rơ, không xây bỏ khỏi sự gian dâm sẽ bị bỏ lại trong sự cất lên và phải trải qua cơn đại nạn.
Khi chúng ta đi qua các chương trong sách Khải huyền, đến chương 4 chúng ta nhìn thấy sự mô tả về ngôi của Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng nhìn thấy hai mươi bốn trưởng lão đang ngồi trên những ngôi nhỏ hơn, và những con sinh vật là những chê-ru-bin. Chúng ta cũng thấy toàn cảnh của sự ngợi khen thờ phượng trên thiên đàng.
Trong chương 5, chúng ta nhìn thấy một quyển sách, viết cả trong lẫn ngoài có đóng bảy cái ấn. Một thiên sứ mạnh mẽ công bố lớn tiếng: Ai xứng đáng mở quyển sách và tháo bảy ấn nầy? Chúng ta nhìn thấy Giăng khóc dầm dề bởi vì không có ai xứng đáng để làm công việc đó. Bấy giờ có một trưởng lão an ủi Giăng, báo cho ông biết rằng sư tử của chi phái Giu-đa đã thắng, thì có thể mở quyển sách và tháo bảy ấn ra. Sau đó, Chúa Jesus – sư tử của chi phái Giu-đa bước ra giống như một chiên con đã bị giết, Ngài lấy sách trên tay hữu của Đấng ngự trên ngôi. Tiếp theo chúng ta nghe bài ca cứu chuộc trên thiên đàng. Họ đang hát một bài ca mới:
Ngài đáng lấy quyển sách mà mở những ấn ra; vì Ngài đã chịu giết, lấy huyết mình mà chuộc chúng tôi cho Đức Chúa Trời là những người thuộc về mọi chi phái, mọi tiếng, mọi dân tộc, mọi nước, và Ngài đã làm cho chúng tôi nên nước, và thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời chúng tôi; và chúng tôi sẽ trị vì trên mặt đất (Khải 5:9-10)
Một số học giả cho rằng, bài ca nầy phải được dịch là: Ngài đã chịu giết lấy huyết mình mà mua chuộc họ cho Đức Chúa Trời. Thực ra chỉ có 5 bản Kinh Thánh cổ chép tay viết chỗ nầy là họ thay vì chúng tôi. Tuy nhiên, trên 1000 bản Kinh Thánh cổ chép tay khác và bản Kinh Thánh King James thì từ ngữ được dùng cho văn cảnh ở đây là cứu chuộc chúng tôi cho Đức Chúa Trời.
Ai có thể hát bài ca được cứu chuộc nhờ vào huyết Chúa Jesus Christ đã rải ra cho mọi dân tộc, mọi chủng tộc trên trái đất? Hiển nhiên chỉ có một nhóm người có thể làm được điều nầy là Hội Thánh. Trong Phúc âm Lu-ca chương 21, khi Chúa Jesus phán bảo các môn đồ về những dấu hiệu Chúa tái lâm. Ngài đã nói về các biến cố sẽ xảy ra trước khi Ngài trở lại. Sau đó Ngài phán: Hãy tỉnh thức luôn và cầu nguyện, để các ngươi được tránh khỏi các tai nạn sẽ xảy ra (là những điều xuất hiện trong cơn đại nạn) và đứng trước mặt Con người (câu 36). Đó là chính xác những gì chúng ta nhìn thấy ở đây trong Khải huyền chương 5. Hội Thánh đang đứng trước Con Người, Chiên con của Đức Chúa Trời trên thiên đàng.
Thật là có ý nghĩa khi Hội Thánh đang hát trước ngôi của Đức Chúa Trời bài ca cứu chuộc ngợi khen Chúa Jesus Christ, trước khi Ngài tháo các ấn ra trên quyển sách. Hội Thánh đang ca hát trên thiên đàng trước khi cơn đại nạn bắt đầu. Hội Thánh là một nhóm người không được nhìn thấy trên đất trong sách Khải huyền, cho đến khi Hội Thánh trở lại địa cầu cỡi những con ngựa trắng cùng với Chúa Jesus Christ trong Khải huyền 19.
Nhóm người trên thiên đàng trong Khải huyền chương 7 mà đã ra khỏi cơn đại nạn không phải là Hội Thánh. Giăng đã không nhận ra họ khi một trưởng lão hỏi: Những người nầy là ai? Chỗ đứng của họ không giống như của Hội Thánh. Nhóm người nầy ở trước ngai Đức Chúa Trời, ngày và đêm phục vụ trong đền thờ của Ngài, trong khi đó Hội Thánh hát bài ca vinh hiển trị vì với Đấng Christ.
Chương 13 sách Khải huyền đề cập đến một con người tội lỗi xuất hiện tiến hành chiến tranh chống lại các thánh đồ. Các thánh đồ nầy không thể là thánh đồ trong Hội Thánh, bởi vì con người tội lỗi đã chiến thắng họ.
Đa-ni-ên cũng xác nhận sự thật nầy, Ta nhìn xem, cái sừng đó tranh chiến cùng các thánh, và thắng trận (Đa-ni-ên 7:21). Cái sừng đó chỉ về Antichrist. Tuy nhiên Chúa Jesus phán rằng, các cửa âm phủ không thắng được Hội Thánh Ngài (Ma-thi-ơ 16:18). Từ đó chúng ta suy luận các thánh trong Khải huyền 13 và Đa-ni-ên 7 không thể là Hội Thánh, bởi vì Antichrist không thể thắng được Hội Thánh.

Đây cũng là một phép tam đoạn luận khác với một tiền đề phủ định và một tiền đề xác định. Và như thế chỉ có một kết luận phủ định. Tiền đề chính: Các cửa âm phủ không thể thắng Hội Thánh. Tiền đề thứ: Các thánh đồ bị khuất phục bởi Antichrist. Kết luận: Các thánh đồ không phải là Hội Thánh. Lúc nầy các thánh đồ phải là Y-sơ-ra-ên, là những kẻ được chọn theo Ma-thi-ơ 24:31.

Chương 5

QUYỀN LỰC NGĂN TRỞ

Trong 2 Tê-sa-lô-ni-ca Phao-lô điều chỉnh một lỗi lầm đã lẻn vào trong Hội Thánh. Một số giáo sư giả dạy rằng ngày của Chúa đã đến rồi. Phao-lô bảo cho Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca biết rằng ngày đó – tức là ngày Chúa tái lâm, Ngài đến để cai trị trên trái đất, vẫn chưa xảy ra cho đến khi những điều trước đó bắt đầu, và con người đại ác – hiện thân của sự hủy diệt xuất hiện. Phao-lô nhắc nhở các tín hữu biết điều nầy khi ông còn ở với họ.
Trong chương 2 Phao lô công bố: Hiện nay anh em biết rõ điều làm ngăn trở nó, hầu cho nó chỉ hiện ra đúng kỳ nó thôi. Vì đã có sự mầu nhiệm của điều bội nghịch đương hành động rồi; song Đấng cầm giữ nó vẫn còn ngăn trở cho đến khi Ngài được cất đi. Bấy giờ kẻ nghịch cùng luật pháp kia sẽ hiện ra, Đức Chúa Jesus sẽ dùng hơi miệng Ngài mà hủy diệt nó, và trừ bỏ nó bởi sự chói sáng của sự Ngài đến (câu 6-8).
Ai là Đấng ngăn trở sự hiện ra của Antichrist? Tôi tin rằng quyền lực ngăn trở nầy là quyền năng của Đức Thánh Linh đang vận hành trong Hội Thánh. Đến khi Hội Thánh được cất lên, thì lúc đó Antichrist sẽ kiểm soát thế giới.
Đức Thánh Linh sẽ không đi ra khỏi thế giới, bởi vì Ngài có mặt khắp mọi nơi. Tuy nhiên trong khoảng thời gian nầy Ngài tuôn đổ chính Ngài trên Y-sơ-ra-ên.
Ê-xê-chi-ên 39:29 bày tỏ rằng Đức Chúa Trời sẽ tuôn đổ thần Ngài trên Y-sơ-ra-ên khi quân đội Nga (đạo quân tiến lên từ miền cực bắc và tấn công Y-sơ-ra-ên) bị hủy diệt. Biến cố nầy có thể sẽ đánh dấu cho sự bắt đầu của thời gian bảy năm cuối cùng được định trên Y-sơ-ra-ên.
Tôi nhìn thấy bức tranh toàn cục được tổng hợp lại với nhau. Sau khi Hội Thánh được cất lên, Antichrist sẽ xuất hiện. Trong Khải huyền chương 6, biến cố đầu tiên sẽ xảy ra khi ấn thứ nhất trong 7 ấn được mở. Sau đó là một con ngựa trắng với người ngồi ở trên. Điều nầy giống như là Antichrist đã đến trên trái đất. Bởi vì Hội Thánh đã được cất lên, và đang vui hưởng phước hạnh với Chúa trên thiên đàng, nên không còn gì ngăn giữ con người đại ác tiếp quản thế giới nầy.

Chương 6

CÁC TIẾNG KÈN

Những người dạy rằng Hội Thánh phải trải qua cơn đại nạn và đối mặt với cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời đổ xuống trên trái đất, tìm cách đồng nhất hóa tiếng kèn cuối cùng trong 1 Cô-rin-tô 15 với tiếng kèn thứ bảy trong sách Khải huyền. Tôi thấy có nhiều khó khăn khi đặt hai tiếng kèn nầy song song với nhau.
Điều trước tiên, tiếng kèn vang lên vào thời điểm Hội Thánh được cất lên trong 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:16 được gọi là tiếng kèn của Đức Chúa Trời. Trong Khải huyền tiếng kèn thứ bảy là tiếng kèn của thiên sứ thứ bảy.
Tiếng kèn trong 1 Cô-rin-tô 15 được dùng để công bố sự kiện xảy ra, trong giây phút, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót; vì kèn sẽ thổi. Còn tiếng kèn thứ bảy trong sách Khải huyền, Nhưng đến những ngày (số nhiều) mà vị thiên sứ thứ bảy cho nghe tiếng mình và thổi loa, thì sự mầu nhiệm Đức Chúa Trời sẽ nên trọn, như Ngài đã phán cùng các tôi tớ Ngài, là các đấng tiên tri. Tiếng kèn nầy vang lên trong nhiều ngày.
Tiếng kèn cuối cùng trong 1 Cô-rin-tô 15 và 1 Tê-sa-lo-ni-ca 4 sẽ là tiếng kèn hoan hỉ, vinh hiển. Chúng ta – Hội Thánh được biến hóa cất lên không trung để gặp Chúa. Tuy nhiên tiếng kèn thứ bảy trong sách Khải huyền loan báo những điều thống khổ.
Trong Khải huyền 8:13, thiên sứ nói: Khốn thay! Khốn thay! Khốn thay cho những dân sự trên đất, vì cớ tiếng loa mà ba vị thiên sứ khác còn phải thổi nữa. Thiên sứ nói điều nầy vào thời điểm cuối của tiếng kèn thứ tư. Vì vậy ba lần điệp khúc khốn thay đề cập đến các tiếng kèn thứ năm, sáu và bảy. Vào lúc cuối tiếng kèn thứ năm thiên sứ công bố: Nạn thứ nhứt đã qua; nay còn hai nạn nữa đến sau nó (Khải 9:12). Điều nầy ám chỉ đến tiếng kèn thứ sáu và thứ bảy. Trong Khải 11:14 thiên sứ tiếp tục rao báo: “Nạn” thứ nhì qua rồi; nầy “Nạn” thứ ba đến mau chóng. Lúc nầy chúng ta đọc câu 15, tiếng kèn thứ bảy chắc chắn là “nạn” thứ ba.
Sự cất lên của Hội Thánh và sự biến hóa thân thể chúng ta trở nên giống như hình ảnh vinh hiển Ngài thì không phải là một “nạn”. Nó sẽ trở nên một tai nạn nếu như chúng ta không được cất lên. Theo cách đó, tôi thấy rất khó để xác định tiếng kèn thứ bảy trong Khải huyền chương 11 và tiếng kèn cuối trong 1 Cô-rin-tô 15 là một, bởi vì kết quả và yếu tố thời gian của những tiếng kèn nầy rất khác biệt.
Trong sách giải nghĩa Kinh Thánh Tân Ước tiếng Hy-lạp, tác giả Dean Henry Alford cho rằng không có lý do gì kết luận tiếng kèn ở 1 Cô-rin-tô 15:52 là tiếng kèn thứ bảy trong sách Khải huyền. Ông cũng nói rằng không có bất kỳ tiếng kèn nào là tiếng kèn thứ bảy trong 1 Cô-rin tô 15.

Chương 7

SỰ PHỤC SINH THỨ NHẤT

Có một lý lẽ nữa mà những ai chủ trương rằng Hội Thánh phải trải qua cơn đại nạn được xây dựng chung quanh phần Kinh Thánh trong Khải huyền 20:4-5, Tôi lại thấy những ngai, và những người ngồi trên ngai được quyền xét đoán. Kế đó, tôi thấy linh hồn những kẻ đã phải chết chém vì sự làm chứng cho Đức Chúa Jêsus và vì lời Đức Chúa Trời, linh hồn những kẻ chẳng thờ lạy con thú cùng hình tượng nó, chẳng nhận dấu hiệu nó, hoặc trên trán hoặc trên tay. Các người ấy được sống và trị vì với Đấng Christ trong một ngàn năm. Còn những kẻ chết khác chẳng được sống cho đến khi đủ một ngàn năm. Ấy là sự sống lại thứ nhất.
Luận cứ ở đây được nêu ra là: Sự sống lại thứ nhất có nghĩa là không có sự sống lại trước đó. Thứ nhất có nghĩa là trước nó không có cái nào cả. Tuy nhiên nếu bạn kết luận rằng tất cả sự sống lại thứ nhất xảy ra trong Khải huyền chương 20, sau khi Satan bị xiềng và bị quăng vào hồ lửa trong 1000 năm, bạn phải bằng mọi cách giải thích tại sao Chúa Jesus đề cập đến trái đầu mùa của những người sống lại từ kẻ chết. Không phải Chúa Jesus đã sống lại sao?
Cũng vậy, có một số đông người trên thiên đàng đã ngợi khen lớn tiếng trong Khải huyền 7:10, Sự cứu rỗi thuộc về Đức Chúa Trời ta, là Đấng ngự trên ngôi, và thuộc về Chiên Con. Khi một trưởng lão hỏi Giăng: Những người mặc áo dài trắng là ai? Họ từ đâu đến? Giăng đã không nhận ra họ. Vị trưởng lão giải thích: Đó là những kẻ ra khỏi cơn đại nạn, đã giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con. Ấy vì đó mà chúng được ở trước ngôi Đức Chúa Trời, và ngày đêm hầu việc Ngài trong đền Ngài; còn Đấng ngồi trên ngôi sẽ che chở chúng dưới trại Ngài.
Ở đây trong chương 7 có một đám đông vô số người đã ra khỏi cơn đại nạn. Vì vậy họ đã sống lại trước sự sống lại trong Khải huyền chương 20.
Trong Khải huyền chương 15, chúng ta cũng nhìn thấy một tập thể khác trên thiên đàng.
Giăng mô tả biển bằng pha lê lộn với lửa, ông nhìn thấy những người đã thắng con thú và hình tượng của nó cùng số của tên nó đứng bên biển pha lê đó mà nâng đàn cầm của Đức Chúa Trời. Họ hát bài ca Môi-se là tôi tớ của Đức Chúa Trời. Đây chính là những người Y-sơ-ra-ên được cứu chuộc đã thắng con thú. Giăng đã nhìn thấy họ trên thiên đàng trước khi bảy bát thạnh nộ cuối cùng của Đức Chúa Trời được đổ xuống.
Ở đây có hai sự sống lại cùng hiện diện trên thiên đàng, là một phần trong sự phục sinh thứ nhất – trước sự phục sinh trong Khải huyền chương 20. Giăng nhìn thấy những người đã bị chém vì lời chứng về Chúa Jesus Christ của họ và ám chỉ đến sự phục sinh thứ nhất.
Trong Khải huyền 20:4, Giăng nhìn thấy hai nhóm người khác biệt rõ ràng. Trước tiên ông nhìn thấy những ngai và những người ngồi trên đó. Sự xét đoán được ban cho họ. Không phải nghi ngờ gì cả, đây chính là Hội Thánh. Đức Chúa Trời đã có một lời hứa cho những ai đắc tháng trong Hội Thánh Lao-đi-xê. Ngài hứa rằng người nào thắng sẽ được cho ngồi cùng với Ngài trên ngôi, cũng như chính Ngài đã thắng và ngồi với Cha trên ngôi (Khải huyền 3:21). Sau đó Giăng nhìn thấy một nhóm người thứ hai trong Khải huyền 20:4, đó là linh hồn của những người phải chết chém vì sự làm chứng cho Chúa Jesus và vì lời của Đức Chúa Trời, linh hồn của những ai không thờ lạy con thú cùng hình tượng nó, chẳng nhận dấu hiệu nó hoặc trên trán hoặc trên tay. Đây là hai nhóm người phân biệt cách rõ ràng. Một nhóm đang ngồi trên các ngôi. Một nhóm khác đã ra khỏi cơn đại nạn, được giải cứu khỏi quyền lực của Antichrist và không chịu khuất phục các qui luật của nó.
Sự sống lại thứ nhất xảy ra vào một khoảng thời gian nào đó. Những người chủ trương Hội Thánh phải đi qua cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời nói rằng sự phục sinh thứ nhất là sự phục sinh trong ngày sau cùng. Ngày sau cùng họ hiểu theo nghĩa đen là 24 giờ. Sự phục sinh thứ nhất thực sự xảy ra trong một khoảng thời gian bao gồm lên nhiều biến cố khác nhau. Có những người đã sống lại khi Chúa Jesus sống lại từ kẻ chết (Ma-thi-ơ 27:52). Những người đó sẽ trở lại cùng với Đấng Christ khi Ngài đến đem chúng ta lên không trung để gặp Ngài (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:14). Có những người tử vì đạo (vì làm chứng cho Chúa Jesus Christ) và những ai sẽ sống lại trong suốt thời gian của cơn đại nạn. Tất cả những người nầy là một bộ phận trong sự sống lại thứ nhất. Sự sống lại thứ nhất tương phản với sự sống lại thứ hai, là sự sống lại của những kẻ bất nghĩa ra trước vành móng ngựa – ngai trắng phán xét của vị thẩm phán tối cao Đức Chúa Trời.

Chương 8

TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG

Rõ ràng là Chúa Jesus có ý định cho các môn đồ và Hội Thánh trong mỗi thời đại nhận thức rằng Ngài có thể trở lại bất cứ lúc nào. Lời dặn của Ngài cho các môn đồ là phải thức canh và sẵn sàng, vì họ sẽ không biết ngày và giờ Ngài đến, và Ngài sẽ đến vào thời điểm mà họ không trông đợi. Vì vậy họ phải luôn luôn thức canh và sẵn sàng.
Nếu bạn có quan điểm Hội Thánh phải trải qua cơn đại nạn, khi đó bạn sẽ không còn ý thức là Chúa Jesus sẽ trở lại rất sớm. Hội Thánh và chúng ta sẽ không có nhu cầu thức canh cầu nguyện. Trong trường hợp đó chúng ta sẽ chờ đợi cơn đại nạn và sự xuất hiện của Antichrist. Hội Thánh lúc bấy giờ sẽ chờ đợi nhiều điều, và chúng ta phải đi theo bảy biến cố cuối cùng cách thận trọng.
Biến cố thứ nhất là sự biểu lộ ra của Antichrist. Nó sẽ thành lập đế chế và bắt đầu hệ thống tiền tệ mới của nó. Các Cơ Đốc Nhân lúc đó phải nghĩ ra những kế hoạch để có thể tồn tại mà không được mua và bán với thế giới bên ngoài. Tiếp theo bạn phải chờ đợi sự phán xét lớn đã được tiên đoán đổ xuống trái đất. Chúng ta phải đặc biệt chờ đợi Antichrist vào trong nơi thánh của đền thờ tự xưng là Đức Chúa Trời, nó bãi bỏ việc dâng các của lễ hằng ngày và sự cầu nguyện. Theo Đa-ni-ên 12:11, chúng ta biết: Từ kỳ trừ bỏ của lễ thiêu hằng dâng và sự gớm ghiếc làm cho hoang vu sẽ được lập lên, thì sẽ có một ngàn hai trăm chín mươi ngày. Có nghĩa là từ khi Antichrist vào trong đền thờ cho đến khi Chúa đến cai trị trên trái đất là 1290 ngày.
Kinh Thánh nói rằng không có ai biết được ngày hay giờ. Điều nầy không ám chỉ đến ngày của Đấng Christ trở lại trị vì trên trái đất. Bởi vì ngày chính xác đã được ban cho chúng ta trong lời tiên tri của Đa-ni-ên. Không ai biết ngày hay giờ Chúa cất Hội Thánh lên khỏi trái đất. Vì vậy chúng ta phải tiếp tục chờ đợi, không phải chờ đợi cơn đại nạn hay chờ đợi Antichrist xuất hiện, nhưng chờ đợi Chúa Jesus Christ đến với chúng ta bất cứ giờ nào!
Trong Ma-thi-ơ 24:42, Chúa Jesus khích lệ các môn đồ thức canh và sẵn sàng chờ đợi qua các câu chuyện kể của Ngài.
Trước tiên là câu chuyện nói về một người chủ nhà. Nếu người chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm sẽ đến, thì tỉnh thức không cho kẻ trộm đột nhập vào nhà. Chúa Jesus phán: Cũng vậy, các ngươi hãy sẵn sàng vì Con Người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ.
Sau đó Chúa Jesus đưa ra một câu hỏi về người quản gia trung tín và khôn ngoan. Người chủ đặt anh ta cai quản cả nhà để cho gia nhân ăn uống chu đáo. Phước cho người quản gia nầy khi chủ trở về thấy anh ta đang làm việc cách trung tín. Thái độ của người quản gia nầy là thức canh và sẵn sàng.
Chúa Jesus cảnh báo người quản gia gian ác, anh ta nghĩ trong lòng: Chủ ta sẽ về trễ, anh ta bắt đầu hiếp đáp các đầy tớ khác, ăn uống với các bợm nhậu. Và rồi người chủ trở về bất ngờ, anh ta phải chịu một hậu quả kinh khiếp! Tôi tin rằng bất cứ khi nào bạn dạy sự cất lên sẽ không xảy ra, cho đến khi cơn đại nạn đến và Antichrist xuất hiện. Như thế là bạn xác định Chúa trì hoãn sự quang lâm của Ngài, ít nhất là cho đến khi Antichrsit lộ diện và cơn đại nạn đi qua.

Chúa Jesus cảnh báo rằng một niềm tin như thế sẽ dẫn đến sự lười biếng, bất trung giống như người quản gia gian ác trên. Người nầy sẽ chịu chung số phận với những kẻ vô tín. Trong phương diện ngược lại, khi chúng ta tin rằng Chúa có thể đến bất cứ lúc nào thì sản sinh một hệ quả tất yếu: công tác và tư cách của chúng ta sẽ siêng năng và trong sạch. Trong 1 Giăng 3:2, chúng ta được bảo rằng hiện nay chúng ta là con cái Đức Chúa Trời, còn chúng ta sẽ như thế nào thì chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Ngài hiện đến chúng ta sẽ giống như Ngài vì sẽ thấy Ngài, như Ngài vẫn hiện hữu. Chúng ta cũng được bảo rằng ai có hy vọng nầy nơi Ngài thì phải sống trong sạch, cũng như Ngài vốn là Đấng thanh sạch. Toàn bộ văn cảnh nầy một lần nữa cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời muốn chúng ta tỉnh thức và sẵn sàng cho sự quang lâm của Ngài. Chúng ta không phải chờ đợi cơn đại nạn hay sự lộ diện của Antichrist.
Chúng ta chờ đợi Chúa Jesus Christ có thể đến với chúng ta bất cứ lúc nào. Nếu đặt bất kỳ một biến cố nào trước sự quang lâm của Đấng Christ cho Hội Thánh Ngài, thì thực chất muốn nói rằng Chúa trì hoãn chậm đến cho đến khi biến cố đó xảy ra. Nếu dạy như thế sẽ rất nguy hiểm theo như Chúa Jesus đã cảnh báo.
Trong Ma-thi-ơ 25 Chúa Jesus nhấn mạnh tính chất cần thiết của sự sẵn sàng. Trong câu chuyện về mười người nữ đồng trinh, có năm cô dại đã không sẵn sàng. Khi chàng rễ đến chỉ có năm cô khôn được vào dự tiệc cưới với chàng rễ và cửa đóng lại. Trong câu 13 Chúa Jesus phán: Vậy, hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày, cũng không biết giờ.
Chúng ta tin cách chắc chắn rằng sự quang lâm của Đấng Christ sắp xảy ra. Chúa muốn Hội Thánh trong mọi thời kỳ phải tỉnh thức chờ đợi sự trở lại của Ngài. Trong Mác 13:35-37 Chúa Jesus phán: Vậy, các ngươi hãy thức canh, vì không biết chủ nhà về lúc nào, hoặc chiều tối, nửa đêm, lúc gà gáy, hay là sớm mai, e cho người về thình lình, gặp các ngươi ngủ chăng. Điều mà ta nói cùng các ngươi, ta cũng nói cho mọi người: Hãy tỉnh thức!

Chương 9

THỜI ĐIỂM CUỐI CÙNG 

Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta những lời hứa đặc biệt liên quan đến cơn đại nạn và hội thánh. Lời hứa thứ nhứt trong Khải huyền 3:10, “Vì ngươi đã giữ lời nhịn nhục ta, ta cũng sẽ giữ ngươi khỏi giờ thử thách, là giờ sẽ đến trong khắp thế gian, đặng thử những người ở trên đất.” Câu này được giải thích là Chúa Giê-su sẽ gìn giữ chúng ta trong cơn đại nạn. Và Ngài dẫn đưa chúng ta đi qua nó trong sự bảo vệ thiên thượng. Đây là sự giải thích hoàn toàn không có nền tảng Kinh Thánh vững chắc và rất nông cạn. Một sự giải thích như vậy là đoạn chương  chủ nghĩa và không phù hợp với các phần Kinh thánh khác. Không có chỗ nào trong sách  Khải huyền nói về sự bảo vệ thiên thượng dành cho hội thánh. Chỉ có sự bảo vệ  dành cho 144.000 người Israel được đóng ấn. Và vì thế, những người còn lại phải đối diện với sự phán xét. Cũng vậy, người phụ nữ trong chương 12 được ban cho đôi cánh của chim đại bàng bay vào chỗ của nàng trong sa mạc. Tại đó, nàng được nuôi dưỡng trong 3 năm rưỡi, thoát khỏi sự truy bức của con rồng. Đó là sự bảo vệ thần thượng. Trong 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:9, Phao lô viết, “Vì Đức Chúa Trời chẳng định sẵn cho chúng ta bị cơn thạnh nộ, nhưng cho được sự giải cứu bởi Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta.” Sẽ hoàn toàn mâu thuẫn với thuộc tính của Đức Chúa Trời nếu nghĩ rằng: sau khi Chúa Giê-su được sinh ra, chịu phán xét vì tội lỗi của tôi. Bây giờ Đức Chúa Trời lại phán xét tôi chung với thế giới vô tín. Sự suy luận hợp lý là: Cơn thịnh nộ của Chúa  sẽ đổ xuống trên một thế giới quay lưng lại với Chúa Giê-su. Là con cái của Đức Chúa Trời, tại sao tôi phải đồng chịu phần chung với những người vô tín? Đức Chúa Trời đã không định cho chúng ta phải chịu cơn thịnh nộ của Ngài.

Một lời hứa khác cũng được tìm thấy trong Ê-sai 26:19-21. Đức Chúa Trời lần đầu tiên nói về sự phục sinh của người chết rồi Ngài phán: “Những kẻ chết của Ngài sẽ sống, những xác chết của tôi đều chỗi dậy! Hỡi kẻ ở trong bụi đất, hãy thức dậy, hãy hát! Vì hột móc của Ngài như hột móc lúc hừng đông, đất sẽ buông các âm hồn ra khỏi. Hỡi dân ta, hãy đến vào buồng và đóng cửa lại. Hãy ẩn mình một lát, cho đến chừng nào cơn giận đã qua.  Vì nầy, Đức Giê-hô-va ra từ nơi Ngài, đặng phạt dân cư trên đất vì tội ác họ. Bấy giờ đất sẽ tỏ bày huyết nó ra, và không che đậy những kẻ đã bị giết nữa.”

Ê-sai đang nói tiên tri về ngày Chúa đến để trừng phạt cư dân trên đất trong thời gian cơn đại nạn. Nhưng Đức Chúa Trời mời gọi tuyển dân bước vào phòng  và đóng cửa lại cho đến khi sự thịnh nộ/cơn đại nạn đã đi qua. Điều này có thể ám chỉ đến dân Israel sẽ được lánh nạn  vào trong thành bền vững – nơi Vầng đá lớn  và được bảo vệ trong cơn đại nạn. Ê-sai cũng nhắc đến điều này trong chương 16:4-5, “Hãy cho phép những kẻ bị đuổi của ta trú ngụ nơi ngươi! Hãy làm nơi ẩn náu cho Mô-áp khỏi mặt kẻ tàn hại! Vì kẻ cướp giựt đã mất, sự tàn hại đã hết, kẻ giày đạp đã bị diệt khỏi đất nầy.  Ấy vậy, ngôi sẽ bởi sự nhân từ mà bền lập; và trong trại Đa-vít sẽ có một Đấng lấy lẽ thật ngồi lên, sẽ đoán xét, sẽ tìm sự ngay thẳng, và vội vàng làm sự công bình.”

Trong văn cảnh này người Mô-áp được báo cho biết để tiếp nhận dân Do Thái và cho họ chỗ ẩn náu tại Sê-la chính là Petra -Vầng đá lớn trong suốt khoảng thời gian Antichrist hủy diệt người Do Thái. Nếu lời hứa về sự bảo vệ này ám chỉ đến dân Do Thái thay vì hội thánh thì tại sao Đức Chúa Trời lại che chở người Do Thái và không để cho hội thánh phải trải qua cơn đại nạn?

Nếu Đức Chúa Trời có kế hoạch bảo vệ hội thánh khỏi cơn đại nạn, vậy thì lời hứa đó nằm ở đâu? Chỗ nào trong Kinh Thánh nói rằng hội thánh được gìn giữ, được đóng ấn, vì thế sẽ không bị tổn hại trong cơn đại nạn?  Sứ đồ Giăng đã mô tả chi tiết các biến cố của những ngày sau cùng trong sách Khải huyền, đoạn Kinh Thánh nào nói về sự bảo tồn hội thánh trong cơn đại nạn?

Trong Lu-ca 21:34-35, Chúa Giê-su nói đến cơn đại nạn và sự tái lâm của Ngài, “Vậy, hãy tự giữ lấy mình, e rằng vì sự ăn uống quá độ, sự say sưa và sự lo lắng đời nầy làm cho lòng các ngươi mê mẩn chăng, và e ngày ấy đến thình lình trên các ngươi như lưới bủa;  vì ngày đó sẽ đến cho mọi người ở khắp trên mặt đất cũng vậy.”

Ngài phán với chúng ta một lần nữa trong câu 36, “hãy tỉnh thức và cầu nguyện để các ngươi tránh khỏi các tai nạn sẽ xảy ra.”

Tránh khỏi các tai nạn sẽ xảy ra? Chắc chắn là tôi không muốn tránh khỏi sự quang lâm của Chúa khi Ngài đến với hội thánh.  Chúa Giê-su đang ám chỉ đến cơn đại nạn sắp xảy ra và tôi chắc chắn tránh khỏi nó. Tôi sẽ cầu nguyện và tỉnh thức giống như Chúa Giê-su đã truyền bảo:Lạy Chúa xin Ngài cho con “tránh khỏi các tai nạn xảy ra (trong cơn đại nạn) và đứng vững trước mặt Con Người.”

Tôi trông đợi được đứng trước ngôi của Đức Chúa Trời chung với đám đông lớn trong Khải huyền chương 5, khi Chúa Giê-su tiếp lấy quyển sách trên tay hữu của Đấng ngồi trên ngai. Tôi không trông mong còn ở trên mặt đất khi những cái ấn được mở ra và Đức Chúa Trời bắt đầu đổ cơn thịnh nộ của Ngài xuống trên thế giới gian ác từ chối Đấng Christ. Điều này làm cho sự quang lâm của Đấng Christ là một hy vọng phước hạnh cho những người tin. Chúng ta đang sốt sắng tìm kiếm niềm hạnh phúc đó – sự hiện ra vinh hiển của Đức Chúa Trời vĩ đại và của Cứu Chúa Giê-su.

Cựu Ước cho chúng ta biết trái đất này bị Đức Chúa Trời phán xét hai lần. Lần thứ nhất là trận đại hồng thủy trong thời Nô-ê. Lần thứ nhì khi Chúa phán xét Sô-đôm  trong thời của Lót. Chúa Giê-su đã nối kết cả hai sự kiện này trong sự tái lâm của Ngài. “Trong đời Nô-ê thể nào, khi Con người đến cũng thể ấy” (Ma-thi-ơ 24:37).

Trong Lu-ca 17:28-29, “Việc đã xảy ra trong đời Lót cũng vậy, người ta ăn, uống, mua, bán, trồng tỉa, cất dựng; đến ngày Lót ra khỏi thành Sô-đôm, thì trời mưa lửa và diêm sinh, giết hết dân thành ấy.”  Trong cả hai sự kiện trên những người công nghĩa đều được giải cứu trước khi sự phán xét của Đức Chúa Trời đến.

Nô-ê là mẫu người giống như 144.000 người được Đức Chúa Trời  đóng ấn. Ông ở trong con tàu và được bảo vệ khỏi sự phán xét. Lót là mẫu người giống như hội thánh được giải cứu khỏi sự phán xét. Chúng ta cũng có trường hợp ba người bạn của Đa-ni-ên được bảo vệ trong lò lửa hực. Có một câu hỏi ở đây là lúc đó Đa-ni-ên  ở đâu? Bạn có nghĩ là Đa-ni-ên sẽ quì lạy trước hình tượng mà vua Nê-bu-cát-nết-sa đã dựng?

Tôi nghĩ là không. Đa-ni-ên đã vắng mặt cách bí ẩn. Nhiều người tin rằng hình tượng mà vua Nê-bu-cát-nết-sa đã dựng là một loại hình tượng của con thú trong chương 13 của sách Khải huyền. Ba người bạn của Đa-ni-ên tiêu biểu cho loại người Israel trung tín được bảo vệ trong cơn đại nạn. Và Đa-ni-ên tiêu biểu cho hội thánh được cứu khỏi cơn đại nạn.

Có một sự tranh cãi liên quan đến lý lẽ cho rằng sự cất lên không phải là giáo lý của lịch sử hội thánh truyền thống Nếu chúng ta nhìn vào lịch sử hội thánh truyền thống và nếu chúng ta đánh giá hội thánh thời Tân ước như là một phần của hội thánh trong lịch sử, tôi tin Kinh Thánh xác định rõ ràng hội thánh thời kỳ đầu tiên đang tìm kiếm sự tái lâm sắp xảy ra của Chúa Giê-su. Các Cơ đốc nhân đang trông đợi Chúa có thể đến vào bất cứ lúc nào. Trong 1 Tê-sa-lô-ni-ca chương 4 các tín hữu đang đau buồn khi những người thân của họ phải qua đời trước khi Chúa trở lại. Họ nghĩ rằng người thân của họ sẽ không có mặt trong thời đại vương quốc

Tuy nhiên Phao-lô nói với hội thánh trong Phi-líp 3:20, “Nhưng chúng ta là công dân trên trời; ấy là từ nơi đó mà chúng ta trông đợi Cứu Chúa mình là Đức Chúa Giê-su Christ.” Thực ra sự dự phòng về kỳ tái lâm của Chúa đã được cảnh báo rất nhiều trong hội thánh những thời  đã qua đặc biệt là trong suốt thời kỳ trung cổ. Ngoài ra có nhiều giáo lý của giáo hội trong quá khứ mà tôi không đồng ý, ví dụ giáo lý  dạy về  phép báp-tem cho em bé. Tôi không tin Kinh Thánh dạy như thế.

Hay là giáo hội dạy về sự cầu nguyện qua trung gian bà Maria và cầu nguyện cho người chết. Tôi không tin Kinh Thánh dạy phải cầu thay cho người chết hay là phải nhờ bà Maria cầu thay. Họ cũng dạy Đức Giáo hoàng vô ngộ –  không thể sai lầm. Tôi không tin vào sự vô ngộ của Đức giáo hoàng.

Có nhiều giáo lý trong hội thánh những thời đã qua mà tôi cảm nhận nó sai Kinh Thánh. Vì thế tôi không nhìn vào hội thánh trong lịch sử và hệ thống giáo lý của nó như một mô hình mẫu để đi theo. Chỉ có một khuôn mẫu thật về hội thánh là trong sách Công vụ.  Vào thời điểm sứ đồ Giăng viết sách Khải Huyền đã có nhiều giáo lý sai trật len lỏi vào hội thánh, và một lần nữa Chúa Giê-su kêu gọi hội thánh phải ăn năn (Khải huyền 2 và 3)

Có nhiều lời tuyên bố liên quan đến sự cất lên và những sự dạy dỗ về điều này khởi phát từ nhóm anh em  Plymouth vào năm 1827. Câu chuyện bắt đầu từ một buổi nhóm ở Anh, khi một chị em đứng lên khích lệ hội thánh thông qua ân tứ nói tiên tri. Cô ấy nói rằng Đức Chúa Trời sẽ rất hội thánh lên, hội thánh được cứu ra khỏi cơn thịnh nộ. Từ đó chúng ta được biết rằng những người như Darby và Scotfield  đã phổ biến rộng rãi quan điểm này.

Trong sách Đa-ni-ên 12:4, vị tiên tri đang tìm kiếm một sự thông biết  về ngày cuối cùng. Đức Chúa Trời đã phán với Đa-ni-ên, “hỡi Đa-ni-ên, ngươi hãy đóng lại những lời nầy, và hãy đóng ấn sách nầy cho đến kỳ cuối cùng. Nhiều kẻ sẽ đi qua đi lại, và sự học thức sẽ được thêm lên.” Sự học thức sẽ gia tăng trong văn cảnh này là tri thức về lẽ thật của lời tiên tri mà đã được đóng ấn cho tới thời kỳ cuối cùng.

Khi chúng ta thăm dò thời điểm mà Đức Chúa Trời cất hội thánh ra khỏi thế gian thì chỉ có một điều phù hợp là hội thánh được cất lên trước cơn đại nạn. Tại sao Đức Chúa Trời đã tiết lộ  điều này cho Luther, Calvin và nhiều nhà lãnh đạo cải chánh khác? Họ không sống trong thời đại khi hội thánh được cất lên.

Quyển sách của Đa-ni-ên được đóng ấn  cho tới ngày cuối cùng và bây giờ chúng ta đang ở trong khoảng thời gian đó. Đa-ni-ên 12:4 xác nhận lời hứa sự hiểu biết về lời tiên tri sẽ được gia tăng. Nó không chỉ đúng để thừa nhận rằng Đức Chúa Trời sẽ ban cho chúng ta ánh sáng mới để hiểu được lời hứa của Đức Chúa Trời và lời của Ngài trong những ngày này – những ngày chúng ta đang sống.

Tôi không biết bất cứ nhà thần học nào theo chủ nghĩa tự do tin vào sự cất lên của hội thánh. Tuy nhiên đây là niềm hy vọng của hầu hết các Cơ đốc nhân trên khắp thế giới – vì chúng ta thực sự tin rằng Chúa Giê-su sẽ đến rất sớm và  chúng ta trông mong Ngài cứu chúng ta ra khỏi hệ thống của thế giới gian ác này vào bất cứ lúc nào.

Vì vậy Lạy Chúa Giê-su xin Ngài đến mau chóng.

Chương 10
SỰ CHUẨN BỊ

Trong ánh sáng của lẽ thật, Chúa có thể đến hôm nay chúng ta phải làm gì với tư cách là một Cơ đốc nhân?

Trước hết cho phép tôi nói với bạn về những điều chúng ta không nên làm. Đừng từ bỏ công việc của bạn, bán ngôi nhà của bạn, hay tính toán xem mình nên mượn bao nhiêu tiền và rồi mình sẽ chẳng bao giờ trả lại. Chúa Giê-su đã phán dạy một ẩn dụ trong Lu-ca 19:13, “Hãy dùng bạc nầy sanh lợi cho đến khi ta trở về.”  Chúa muốn chúng ta tiếp tục công việc chúng ta đang làm làm. Cả Nô-ê và Lót đều bận rộn với công việc bình thường của họ  trong ngày Chúa  giải cứu.

Chúa Giê-su phán, “hãy tỉnh thức” (Ma-thi-ơ 24:42). Bạn phải tiếp tục tỉnh thức. Kinh Thánh nói, “Ngài sẽ hiện ra lần thứ hai” (Hê-bơ-rơ 9:28). Bạn phải sẵn sàng. Chúa Giê-su phán, “Vậy thì các ngươi cũng phải chực cho sẵn, vì Con Người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ” (Ma-thi-ơ 24:44). A-mốt đã kêu lên, “khá sửa soạn mà gặp Đức Chúa Trời” (A-mốt 4:12). Chúng ta cần chuẩn bị. Sự chuẩn bị này là dâng tấm lòng và đời sống cho Chúa Giê-su Christ, tiếp nhận sự tha thứ của Ngài, để Ngài xóa sạch mọi tội lỗi của bạn và rồi tỉnh thức chờ đợi.

Gia-cơ 5:7-8, “Hỡi anh em, vậy hãy nhịn nhục cho tới kỳ Chúa đến. Hãy xem kẻ làm ruộng: họ bền lòng chờ đợi sản vật quí báu dưới đất cho đến chừng nào đã được mưa đầu mùa và cuối mùa.  Anh em cũng vậy hãy nhịn nhục và bền lòng; vì kỳ Chúa đến gần rồi.” Trong 2 Phi-e-rơ 3:3-4 cho chúng ta biết rằng trong thời kỳ cuối cùng sẽ có những kẻ hay nhạo báng:  “lời hứa về sự Chúa đến ở đâu?… Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn” (câu 9).

Đôi khi cũng có sự phân vân trong lòng chúng ta về sự hiện đến của Đấng Christ. Điều gì sẽ xảy ra cho những thành viên chưa được cứu trong gia đình của chúng ta khi Chúa trở lại?

Khi chúng ta được cất lên, có thể lắm những người thân yêu của chúng ta – những người mà trước đây nghĩ rằng họ bị quấy nhiễu vì lời chứng của chúng ta, lúc đó họ nhận ra là họ đã đánh mất cơ hội cứu rỗi để cùng được cất lên với hội thánh. Kết quả của điều này là họ sẽ đối diện với cơn đại nạn. Và nếu họ từ chối nhận dấu hiệu của con thú, họ bằng lòng chịu chết còn hơn quy phục kẻ thù của Chúa, họ sẽ được cứu (Khải. 20:4).

Trong Khải huyền 7:9-14 Giăng nhìn thấy, “vô số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi phái, mọi dân tộc, mọi tiếng mà ra; chúng đứng trước ngôi và trước Chiên Con, mặc áo dài trắng, tay cầm nhành chà là,  cất tiếng lớn kêu rằng:

Sự cứu rỗi thuộc về Đức Chúa Trời chúng ta…”  Liên quan đến đám đông lớn này, một trưởng lão nói với Giăng, “Đó là những kẻ ra khỏi cơn đại nạn, đã giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con” (câu 14).

Trong Khải huyền 6:9-11, khi ấn thứ năm được mở ra, Giăng “thấy dưới bàn thờ có những linh hồn của kẻ đã chịu giết vì đạo Đức Chúa Trời và vì lời chứng họ đã làm. Chúng đều kêu lên lớn tiếng rằng: Lạy Chúa là Đấng thánh và chân thật, Chúa trì hoãn xét đoán và chẳng vì huyết chúng tôi báo thù những kẻ ở trên đất cho đến chừng nào?  Có kẻ bèn cho họ mỗi người một cái áo trắng dài; và có lời phán rằng phải ở yên ít lâu nữa, cho đến khi được đủ số người cùng làm việc và anh em mình phải bị giết như mình vậy.”

Các thánh đồ ở trong cơn đại nạn sẽ phải chịu nhiều khó khăn để nhận lãnh nước Thiên Đàng. Vì như Chúa Giê-su đã phán trong Ma-thi-ơ 24:21, “vì lúc ấy sẽ có hoạn nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa.”  Tại sao bạn phải chờ đợi? Tại sao bạn phải trì  hoãn cơ hội được vui hưởng sự vui mừng và vinh hiển  khi Chúa đến tiếp đón hội thánh? Câu hỏi tại điểm này là bạn đã sẵn sàng?  Hãy suy nghĩ cẩn thận những gì Đức Chúa Trời đang công bố hôm nay. Đây là ngày cuối cùng cho hội thánh! Bạn đã hoàn thành lời chứng của bạn. Hãy trở về nhà.  Bạn sẽ được tập trung cùng với hội thánh để lên không trung gặp Chúa hay bạn sẽ bị bỏ lại và tự hỏi điều gì đang xảy ra.

Sẽ tốt hơn rất nhiều khi được cất lên cùng với hội thánh hơn là bị bỏ lại đối mặt với cơn đại nạn  và tất cả những điều kinh khiếp sẽ đổ xuống trên trái đất này. Tại sao bạn làm cho vấn đề trở nên khó khăn trong khi Chúa muốn mọi sự dễ dàng cho bạn? Tại sao bạn chưa mở lòng ra mời Chúa Giê-su bước vào ngay giờ này? Tại sao bạn chưa nhận Ngài là Cứu Chúa của bạn?

Hãy sẵn sàng. Chúng ta cần điều gì để sẵn sàng? Đó là sự cư ngụ của Chúa Giê-su trong tấm lòng và trong cuộc đời của bạn. “Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Giê-su ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu” (Rô-ma 10:9).

The end


Chuck Smith
Translated by Tuong Vi

Bạn có thể đọc bản gốc tại đây:
https://calvarychapellehighvalley.org/images/ChuckBooks/The-Tribulation-And-The-Church—Copy.pdf

The-Tribulation-And-The-Church—Copy

The post Cơn Đại Nạn Và Hội Thánh (bản hiệu đính) appeared first on Hướng Đi Ministries.

Comments are closed.