Bài 129: Giê-rê-mi, Vị Tiên Tri Than Khóc

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Chúng ta đã lược khảo tiên tri Ê-sai, hôm nay sẽ học tiếp sách Giê-rê-mi. Giê-rê-mi là tên và đồng thời tác giả của sách. Ông được gọi là tiên tri than khóc vì lòng ông lúc nào cũng quặn thắt đau khổ. Sách Giê-rê-mi gồm 52 chương chứa đầy nước mắt của tác giả. Do đó rất khó để chia bố cục của sách. Sau khi tuôn tràn giọt lệ suốt 52 chương, Giê-rê-mi viết bài thơ ngắn gọi là “Ca thương” cũng có nghĩa là than khóc.

Giê-rê-mi đã khóc về điều gì? Tại sao lòng ông ngổn ngang trăm mối? Giê-rê-mi than thở trong 4:19 rằng, “Ôi, tôi đau lòng, tôi đau lòng”. Vì sao vậy? Để tìm câu trả lời, chúng ta cần quay về với bối cảnh lịch sử.

Nếu biết về những vị vua đã từng cai trị trên Y-sơ-ra-ên và Giu-đa, chúng ta sẽ hiểu vì sao tấm lòng của Giê-rê-mi tan vỡ và lúc nào ông cũng khóc. Mở đầu sách, Giê-rê-mi cho biết ông khởi sự chức vụ vào năm thứ 13 của đời vua Giô-si-a, rồi tiếp tục hầu việc Chúa qua những đời vua khác nhau cho đến Sê-đê-kia. Điều này có nghĩa là Giê-rê-mi đã thi hành chức dưới thời của Giê-hô-gia-kim, Giê-hô-gia-kin và Giô-a-cha. Nếu không hiểu về những vị vua  này thì chúng ta không nắm được bối cảnh lịch sử. Nhưng nếu hiểu đây là những vị vua thế nào, họ đã cai trị khi nào, họ đã sống như thế nào, điều gì đã xảy ra khi họ sống và cai trị thì quí vị sẽ hiểu được vì sao tấm lòng của Giê-rê-mi tan vỡ.

Giê-rê-mi đã thi hành chức khoảng 41 năm. Ông bắt đầu chức vụ dưới thời vị vua tốt đó là Giô-si-a, vua của nước Giu-đa. Trong đời trị vì của Giô-si-a, người ta đã tìm được Kinh Thánh khi tái thiết đền thờ. Dân chúng lúc  này đang bội đạo. Đời sống thuộc linh hết sức sa sút đến nỗi họ quên hẳn về Kinh Thánh hay luật pháp của Đức Chúa Trời. Chính nhờ Lời Chúa mà một cuộc phấn hưng đã xảy ra và tạo nên sự thu hút về Kinh Thánh. Những người trong gia tộc của E-xơ-ra đã tìm ra Kinh Thánh, và Chúa đã dùng Lời Ngài tạo ảnh hưởng trên đời sống E-xơ-ra, biến ông trở nên một người chuyên tâm nghiên cứu Kinh Thánh, người đem lại nguồn cảm hứng về Lời Chúa cho nhiều người. Các học giả tin rằng E-xơ-ra là người đã sắp xếp và phân chia Cựu Ước. Những điều đó đã xảy ra khi có cuộc phấn hưng về lòng ham thích Lời Chúa dưới thời vua Giô-si-a. Tên của các vị vua kế vị Giô-si-a đều có liên quan đến sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem và thời kỳ lưu đày sang Ba-by-lôn. Việc Giê-rê-mi sống dưới những triều vua như Giê-hô-gia-kim, Giê-hô-gia-kin và Sê-đê-kia cho biết ông đã rao giảng khi Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ và dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày.

Giê-ru-sa-lem không bị đánh chiếm chỉ có một lần như một số các thành phố bị xâm chiếm trong thế chiến thứ hai. Sách II Các Vua đã tường thuật về sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem. Đó là một biến cố kéo dài suốt gần 20 năm. Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ lần thứ nhất khi Giê-hô-gia-kim làm vua. Ông đầu hàng quân Nê-bu-cát-nết-sa, và thuận phục trong thời gian 3 năm. Lúc chiếm thành Giê-ru-sa-lem, quân đội Ba-by-lôn tràn vào và người Giu-đa bị buộc phải triều cống Ba-by-lôn. Nhưng sau ba năm, Giê-hô-gia-kim nổi loạn, lần  này quân Ba-by-lôn dày xéo Giê-ru-sa-lem lần thứ hai. Lúc đó Giê-hô-gia-kin vẫn còn bé là con trai của Giê-hô-gia-kim giương cờ trắng đầu hàng. Lần  này người Ba-by-lôn bắt nhiều người Giu-đa đày sang Ba-by-lôn. Lần thứ hai thảm hại nhiều hơn lần thứ nhất.

Trước khi người Ba-by-lôn dẫn đám tù nhân ra khỏi quê hương của họ, thì Sê-đê-kia được lập lên làm vua bù nhìn của Giê-ru-sa-lem. Nếu vua bù nhìn không làm theo những gì mà kẻ chiến thắng ra lịnh thì sẽ bị truất phế để lập một người khác. Vị vua bù nhìn Sê-đê-kia cai trị trong 11 năm, nhưng rồi cũng dấy loạn chống lại người Ba-by-lôn. Lần  này thì quân Ba-by-lôn thẳng tay san bằng Giê-ru-sa-lem thành bình địa. Họ đày mọi người sang Ba-by-lôn và chỉ để lại những người già cả, bịnh tật, ốm yếu trong đó có tiên tri Giê-rê-mi. Sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem lần thứ ba là một thảm họa.

Những câu mở đầu của sách Giê-rê-mi cho biết chức vụ của ông bắt đầu từ thời của Giô-si-a và xuyên suốt đến thời của Giô-a-cha, Giê-hô-gia-kim, Giê-hô-gia-kin và Sê-đê-kia. Điều này có nghĩa là Giê-rê-mi rao giảng và hành chức tại Giê-ru-sa-lem trong suốt thời gian thành  này bị xâm chiếm. Giê-rê-mi đã than thở rằng, “Tôi đau lòng, tôi đau lòng.” Điều cần lưu ý là ngay dưới thời của Giô-si-a, Đức Chúa Trời đã cho tiên tri của Ngài biết trước về thảm họa sẽ xảy ra. Giê-rê-mi bắt đầu rao giảng về sự xâm lăng của người Ba-by-lôn và bị lưu đày của người Y-sơ-ra-ên. Ông cho biết đó là hậu quả của tội khước từ Đức Chúa Trời và lối sống gian ác của họ. Tội nghiêm trọng của họ lúc  này là lìa bỏ Chúa, nhưng bên cạnh đó những tội khác cũng phát sinh từ nguyên nhân  này. Trước tiên sứ điệp của Giê-rê-mi và Ê-sai cũng như các tiên tri khác là lời kêu gọi ăn năn,

“Nhược bằng dân sự ta, là dân gọi bằng danh ta, hạ mình xuống, cầu nguyện, tìm kiếm mặt ta, và trở lại, bỏ con đường tà, thì ta ở trên trời sẽ nghe, tha thứ tội chúng nó, và cứu xứ họ khỏi tai vạ” (II Sử Ký 7:14)

Đây là sứ điệp trước nhất khi các vị tiên tri rao giảng về nguy cơ bị xâm lăng và lưu đày như là cơn phán xét của Đức Chúa Trời. Nhưng một khi dân chúng không thèm nghe thì các vị tiên tri thay đổi sứ điệp, họ công bố rằng, “Cơn đoán phạt của Đức Chúa Trời sẽ đến. Không còn cách nào để chạy thoát khỏi cơn đoán phạt đó.” Khi Chúa bày tỏ điều  này cho Giê-rê-mi thì ông nhận được sự mặc khải rõ ràng đến nỗi ông có thể nghe được tiếng hành quân của người Ba-by-lôn. Giê-rê-mi có thể nghe được tiếng than khóc hãi hùng của những người bị giết chết, cũng như của các phụ nữ và thiếu nữ bị hãm hiếp. Bởi sự mặc khải mà Giê-rê-mi nghe được những âm thanh kinh hoàng  này. Đó là lý do vì sao mà Giê-rê-mi đã nức nở, “Tôi đau lòng, tôi đau lòng.” Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho Giê-rê-mi biết cơn thảm họa sẽ xảy ra như thế nào và họ không còn cách gì để chạy thoát khỏi sự đoán phạt của Ngài.

Khi cuộc bao vây Giê-ru-sa-lem bắt đầu, thì ông trở nên người bị căm ghét nhất trong số các tiên tri vì những lời rao giảng thật khác thường của ông. Giê-rê-mi đã công bố hai sứ điệp. Thứ nhất ông nói rằng sự xâm lăng và lưu đày sắp xảy ra. Đây là sứ điệp buồn thảm và bất hạnh. Nhưng Giê-rê-mi không dừng lại tại đó, ông còn tuyên bố về một sứ điệp hy vọng. Khi tiên tri Ê-sai nói trước về sự sụp đổ của vương quốc phía Bắc, ông không thể đưa ra một tia hi vọng nào vì mười chi phái phía Bắc đã bị lưu đày và vĩnh viễn bị xóa tên trên bản đồ. Nhưng những vị tiên tri nói về sự xâm lăng của người Ba-by-lôn đã công bố sứ điệp hy vọng: “Sau bảy mươi năm, các ngươi sẽ được trở về từ xứ Ba-by-lôn.” Ê-sai đã giảng sứ điệp hy vọng 170 năm trước khi nó thành hiện thực. Giê-rê-mi cũng rao giảng sứ điệp hy vọng hết sức mạnh mẻ. Giê-rê-mi nói với đồng bào của ông rằng, “Đây là lời tiên tri và là Lời Đức Chúa Trời, kế hoạch của Ngài không thay đổi. Các ngươi không thể làm gì khác hơn là hãy đầu hàng Nê-bu-cát-nết-sa và chịu lưu đày sang Ba-by-lôn. Hễ các ngươi ra đi sớm thể nào thì cũng sẽ trở về sớm thể ấy. Đừng chống cự lại Nê-bu-cát-nết-sa vì Chúa dùng Nê-bu-cát-nết-sa để sửa phạt các ngươi. Chống lại Nê-bu-cát-nết-sa là các ngươi chống lại chương trình của Đức Chúa Trời.” Giê-rê-mi không ngần ngại nói thẳng rằng người Giu-đa nên giương cờ trắng đầu hàng. Vì lời giảng  này mà người Giu-đa căm ghét ông, cho rằng ông là kẻ phản quốc. Họ tống giam ông vào trong ngục, ném xuống cái hố tuy không có nước nhưng đầy bùn. Họ để ông tại đó để chịu đói khát và chịu trận với lũ chuột. Thật không sao diễn tả được cách mà họ đã đối xử với Giê-rê-mi, nhưng qua đó chúng ta thấy được họ căm ghét ông đến mức độ nào. Nhưng rồi họ bị người Ba-by-lôn tấn công và bao vây, đôi khi thời gian kéo dài đến hơn hai năm, lương thực không còn đến nỗi họ phải ăn thịt con mình vì đói. Bây giờ vị tiên tri không chỉ trách móc rằng “Ta đã nói mà các ngươi không nghe,” nhưng nói với họ rằng “Đức Chúa Trời muốn các ngươi hãy buông vũ khí và đầu hàng.”

Để truyền đạt thông điệp của mình, Giê-rê-mi cũng như một số các tiên tri khác thỉnh thoảng dùng lối giảng qua những biểu tượng bên ngoài. Lấy ví dụ, bài giảng trong chương 18 nói về “Chiếc bình được nắn trở lại.” Giê-rê-mi cho biết Đức Chúa Trời bảo ông đi đến nhà của người thợ gốm. Giê-rê-mi vâng lời đến đó, tại đây ông quan sát người thợ gốm làm chiếc bình. Người thợ muốn làm chiếc bình xinh đẹp, nhưng rốt cuộc nó không được như điều ông mong muốn. Người thợ không hài lòng và ném chiếc bình vỡ ra từng mảnh. Ông nhào nặn đất sét trở lại và làm một bình khác. Khi rao giảng về điều  này, Giê-rê-mi nói với dân chúng rằng, “Các ngươi sẽ bị đày sang Ba-by-lôn, nhưng sau 70 năm, các ngươi sẽ trở lại. Các ngươi là chiếc bình, Đức Chúa Trời là thợ gốm. Nhưng các ngươi sống không đẹp lòng Ngài, nên Chúa sữa phạt các ngươi bằng cách ném các ngươi vỡ ra. Nhưng từ đó Chúa sẽ dùng các ngươi để làm một bình mới. Khi trở về từ xứ lưu đày Ba-by-lôn, các ngươi sẽ trở nên một bình mới hoàn toàn.” Chiếc bình mới được nắn trở lại là một hình ảnh rất đẹp vì có chứa đựng bài học thuộc linh quí giá. Trước khi bị lưu đày, người Giu-đa không sao dứt bỏ khỏi tội thờ lạy thần tượng, nhưng sau khi từ Ba-by-lôn trở về, cho dầu có nhiều sai trật, nhưng họ không bao giờ thờ lạy thần tượng nữa vì họ giống như một chiếc bình mới.

Bài học cho chúng ta về chiếc bình trong bài giảng của Giê-rê-mi là gì? Đôi khi đời sống của chúng ta không đi theo kế hoạch của Đức Chúa Trời. Chúng ta không làm những gì Chúa muốn chúng ta làm. Do đó Chúa làm tan vỡ và nhào nặn đời sống chúng ta trở lại. Mọi sự dường như sụp đổ. Điều  này giống như người thợ gốm ném chiếc bình xuống sàn nhà và làm cho vỡ tan tành. Sau đó là quá trình nhào nặn để làm lại chiếc bình mới.

Quá trình chuyển từ chiếc bình cũ sang chiếc bình mới không sao tránh khỏi những đau đớn, nhưng sau khi chiếc bình mới được tạo nên thì thật là xinh đẹp. Điều  này nhắc chúng ta về sự tái sanh mà Chúa Jêsus đã dạy. Chúa phán, “Đừng lấy làm lạ về điều ta nói cùng các ngươi, các ngươi phải sanh lại vì hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt.” Sứ đồ Phao-lô giải thích về sự tái sanh mà Chúa Giê-xu đề cập như sau, “Nếu ai ở trong Đấng Christ thì nấy là người được dựng nên mới, những sự cũ đã qua đi, mọi sự đều trở nên mới.” Trong Tân Ước, các tín hữu được gọi là những chiếc bình. Đôi khi chúng ta không phải là loại bình mà Chúa mong muốn nên Ngài làm vỡ và tái tạo chúng ta lại.

Lần đến chúng ta sẽ bàn về sứ điệp hy vọng của nhà tiên tri lớn Giê-rê-mi. Ông đã rao giảng cho người Giu-đa khi họ bị bắt và lưu đày sang Ba-by-lôn. Chúng ta sẽ thấy rằng sứ điệp của Giê-rê-mi, vị tiên tri than khóc không chỉ là sứ điệp buồn thảm, đau khổ mà còn là sứ điệp hy vọng và khích lệ. Và đó là hy vọng duy nhất mà người Giu-đa có trong những giờ phút hết sức đen tối của họ.

Chúng ta đã được tái tạo trở nên con người mới chưa? Đức Chúa Trời muốn thực hiện những điều tốt đẹp trên đời sống chúng ta. Hãy để Ngài nắn đúc đời sống mỗi người như người thợ gốm nắn đất sét. Hãy mời Chúa cai trị trên đời sống quí vị ngay hôm nay.

The post Bài 129: Giê-rê-mi, Vị Tiên Tri Than Khóc appeared first on Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.

Print Friendly, PDF & Email

Comments are closed.