Giải đáp thắc mắc (774)

Câu hỏi: Khi cha mẹ kỷ luật con cái và bắt buộc chúng nó phải chịu trách nhiệm về hành động của mình gây nên, cha mẹ thường có những thiếu sót nào trong việc dạy con về ân điển của Chúa đối với con người chúng ta vốn là tội nhân chỉ đáng chết mà Chúa vẫn thương xót ??
GIẢI ĐÁP (tiếp theo): Giữ mối liên lạc cởi mở “Khá ân-cần dạy-dỗ [các điều răn của Đức Chúa Trời] cho con-cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy”.—Phục-truyền Luật-lệKý 6:7.
Ngày nay khuynh hướng làm thêm giờ phụ trội đang trên đà gia tăng để có thêm thu nhập cho gia đình, khi cả vợ lẫn chồng đều đi làm thì con cái sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng. Đương nhiên con em mình phải ở với người khác, ông bà ngoại hoặc ở nhà trẻ cho đến khi cha mẹ đón chúng nó. Vì lý do này nhiều cha mẹ phải giảm đi thời giờ dành cho con cái. Có những trường hợp ở nhà, cha mẹ phải làm công việc nhà và các công việc khác nên dễ bị mệt mỏi và kiệt sức. Trong hoàn cảnh như thế, làm thế nào để cha mẹ có thể giữ mối liên lạc cởi mở với con cái? Cũng có những ưu điểm cùng cơ hội nói chuyện với con nếu chúng nó cùng làm việc nhà với mình. Một người cha trong một gia đình kia đã mạnh dạn dẹp máy truyền hình đi chỉ vì muốn có thêm thời giờ nói chuyện với con cái của mình. Ông nhận xét: “Lúc đầu con cái chúng tôi thấy buồn tẻ, nhưng khi cả gia đình cùng chơi trò ghép hình với nhau và bàn luận về những việc sở thích thiên nhiên của chúng nó thì dần dần chúng nó không còn nhớ đến cái tivi đó nữa”. Điều quan trọng là con cái ngay từ lúc nhỏ đã có thói quen nói chuyện với cha mẹ của mình, nếu không có thói quen này thì khi đến tuổi thiếu niên niên hoặc khi chúng nó gặp những khó khăn bất thường con cái sẽ không chọn cha mẹ là bạn để mình có thể tâm sự.
Câu hỏi được đặt ra là: “Làm thế nào để chúng ta có thể giúp con cái thố lộ tâm tình với mình trong mọi thời điểm”? Lời Chúa “Mưu-kế trong lòng người ta như nước sâu; người thông-sáng sẽ múc lấy tại đó” (Châm-ngôn 20:5). Với nhiều câu hỏi qua nhiều hình thức khác nhau, cha mẹ có thể nói với con cái như: “Con nghĩ sao?”, con có thể làm được điều gì trong tình huống này? Nếu con có quyền quyết định con sẽ quyết định như thế nào?… Nói chung cha mẹ bằng mọi cách nên khuyến khích con cái phát biểu cảm nghĩ của mình để chúng nó có nhiều cơ hội hơn về sau tâm sự với cha mẹ. Đây là điều lợi ích vô cùng mà ít phụ huynh nào nghĩ đến.
Cha mẹ sẽ làm gì nếu con cái mình phạm lỗi nghiêm trọng? Đây là lúc con em của chúng ta cần được đối xử cách nhân từ. Là cha mẹ chúng ta nhờ ơn Chúa để kiềm chế cảm xúc bực tức khi thấy con mình làm hoặc nói những điều trái tai gai mắt, thậm chí có một chút ngang nghịch trong đó.
Một người cha nói với mục sư về cách ông xử sự trong tình huống con trai mình phạm lỗi nghiêm trọng, ông nói: “Khi con tôi phạm lỗi, tôi nén lòng mình để không phản ứng một cách quá đáng. Tôi ngồi xuống và gợi ý cho con trai tôi nói điều nó đang suy nghĩ. Nó yên lặng và sợ hãi nhưng tôi kiên nhẫn nghe nó nói, tôi cố nắm sự việc cùng hiểu rõ tình huống đưa đến phạm lỗi….tôi đợi một chút và lấy lại bình tĩnh”, khi kiềm chế được cảm xúc và nghe con nói được từ lòng của chúng thì nó sẽ sẵn sàng chấp nhận sự hình phạt hơn là sự ấm ức.

Print Friendly, PDF & Email

Comments are closed.